Điểm nhấn tuần làm việc thứ 5 của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 đã kết thúc tuần làm việc thứ 5, với khối lượng lớn công việc trong công tác lập pháp và thông qua 3 nghị quyết quan trọng.
Tuần qua, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng luật pháp. Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về 10 dự án luật, thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Trong đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, đã đáp ứng sự trông đợi của cử tri và nhân dân cả nước. Với 16 điểm mới (10 điểm mới với người lao động và 6 điểm mới với người sử dụng lao động), Bộ luật có tác động sâu sắc đến người lao động, và có ý nghĩa trong xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Bộ Luật bổ sung thêm nhiều quyền, lợi ích hợp pháp khác cho người lao động. Trong số 10 quy định mới với người lao động, Bộ luật lao động (sửa đổi) đã quy định tăng thêm 1 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đưa tổng số ngày nghỉ lễ, tết lên 11 ngày thay vì 10 ngày như hiện nay và bổ sung thêm trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương... Đáng chú ý, Bộ Luật đã Quy định điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Luật quy định rõ, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động, Bộ Luật cũng quy định cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm.
Đây là lần đầu tiên Bộ luật mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với người làm việc không có quan hệ lao động và đã quy định quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Bên cạnh đó, sau khi sửa đổi, Bộ Luật Lao động cũng đã đảm bảo hơn về các quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động. Đây cũng là lần đầu tiên luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác.
Người sử dụng lao động được mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Về tiền lương, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, tiền lương được thực hiện trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa các bên; doanh nghiệp chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Bộ Luật lao động (sửa đổi) cũng Quy định đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp được nâng lên 1 năm một lần...
Cũng trong tuần qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đề án được thông qua là cơ sở để kỳ vọng về sự chuyển mình của khu vực khó khăn này.
Theo đó, sẽ tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong 8 định hướng mục tiêu của đề án nêu rõ: Đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng một nửa bình quân chung của cả nước; hằng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân…
Quốc hội cũng đã thông qua 2 nghị quyết về công tác nhân sự. Đó là Nghị quyết về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội với ông Nguyễn Khắc Định. Ông Nguyễn Khắc Định đã nhận nhiệm vụ mới với cương vị là Bí Thư tỉnh Khánh Hòa từ giữa tháng 10 năm nay.
Và Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế với Bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Trước đó, đầu tháng 7 năm nay, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã được bổ nhiệm làm Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương.
Trong tuần Quốc hội đã thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin