Thủ tướng: Thanh niên hãy “đào núi và lấp biển”, là tinh hoa đi đầu
Sáng 12/12, nhân Đại hội đại biểu toàn quốc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019-2024, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với 1000 thanh niên, đại diện thanh niên cả nước dự Đại hội.
Cùng dự và tham gia trả lời có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành.
“Hãy nói thẳng, đừng khuôn mẫu”
Phát biểu với thanh niên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta thường nói "đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi thanh niên đã làm gì cho Tổ quốc". Thủ tướng cho biết, buổi đối thoại này là để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển tốt nhất.
Thủ tướng mong muốn thanh niên Việt Nam cần có khát vọng, hoài bão, phấn đấu vươn lên, đóng góp cho đất nước. Các cơ quan chức năng phải tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát triển bản thân tốt nhất. Giống như việc đội bóng đá nữ Việt Nam vừa giành huy chương vàng, các cầu thủ đã thi đấu trên cả sức của mình, bằng ý chí, trái tim và sự tài năng của HLV.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích thanh niên trao đổi, tạo không khí cởi mở, thân thiết hơn, đừng khuôn mẫu và lo lắng quá. Hãy nói những điều gì mà thanh niên cần nói với Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ trưởng, cơ quan hôm nay, tạo không khí thân mật, chân thành, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.
Tại đối thoai, các thanh niên đặt câu hỏi với Thủ tướng về nhiều vấn đề như khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thanh niên khuyết tật, thanh niên tham gia vào phát triển kinh tế vùng khó khăn, xây dựng thế hệ thanh niên phát triển toàn diện, thanh niên với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, vấn đề văn hóa trong thanh niên...
Đại biểu Ngô Thế Hòa, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Nguyên cho biết, thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 có nêu mục tiêu phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có đạo đức cách mạng, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đất nước đang phát triển nhanh, thanh niên cũng tiếp cận nhanh luồng thông tin, trào lưu mới.
"Điều đó đòi hỏi chúng ta phải đổi mới nội dung, hình thức, cách thức tiếp cận phù hợp và hiện đại. Vì vậy, thế hệ trẻ rất mong muốn thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành có giải pháp tiếp sức cho thanh niên" - đại biểu Ngô Thế Hòa đặt vấn đề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có những chương trình, đề án hỗ trợ thanh niên, như phòng chống bạo lực trẻ em, xây dựng văn hóa trong trường học, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025... Các đề án này đã được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hơp với Bộ Nội vụ và các Bộ triển khai, song, Thủ tướng cho rằng, kết quả đạt được chưa như mong muốn.
"Thủ tướng lắng nghe để kịp thời điều chỉnh chính sách. Hai bên đều phải chủ động vì sự phát triển của đất nước. Thủ tướng đã chỉ đạo tổng kết chiến lược phát triển thanh niên 2011-2020 và xây dựng chiến lược phát triển thanh niên 2021-2030, mang hàm lượng trí tuệ, khoa học. Việc tiếp sức của cơ quan Nhà nước là cần thiết, nhưng cần xây dựng khát vọng có hoài bão, quyết tâm để xây dựng đất nước. Chính các bạn là quyết định sự phát triển đó"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Phong, Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai quan tâm về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn mà Quốc hội vừa thông qua.
"Đề án này là cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Vậy thì thanh niên trong đề án đó đóng vai trò gì? Thanh niên có dáng dấp trong đề án đó không và cơ chế đối với thanh niên trong đề án đó là gì?" - đại biểu nêu câu hỏi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Đề án này Chính phủ đã trình Quốc hội và đã được thông qua. Đây là giải pháp mà Đảng, Nhà nước đưa ra để giảm khoảng cách, phát triển tốt hơn nữa giữa miền xuôi và miền núi. Chính phủ sẽ trình một hệ thống các chính sách có liên quan, các đề án thành phần, trong đó có vai trò đóng góp của thanh niên đối với vùng dân tộc miền núi.
"Chính bản thân thanh niên ở miền núi phải làm gì để đi đầu trong thực hiện đề án này? Câu hỏi của các bạn rất cần thiết. Vai trò của thanh liên luôn quan trọng trong các đề án quan trọng, luôn xung kích, đi đầu. Tôi lắng nghe đề án này" - Thủ tướng nói.
Để không bị “đô hộ” số
Đại biểu Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố Hà Nội thì đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về khái niệm “đô hộ" số.
"Hiện nay, chúng ta đang nói nhiều về khái niệm “đô hộ” số và “đô hộ” trên không gian số. Đó là việc các dữ liệu của mình bị các công ty nước ngoài quản lý và khai thác sử dụng. Được biết Bộ trưởng cũng rất quan tâm đến vấn đề này trong việc ngăn chặn dòng thông tin và dữ liệu của người Việt bị các cơ quan nước ngoài quản lý. Bộ cũng đã hỗ trợ cho ra đời mạng xã hội Lotus, Gapo. Thời gian tới Bộ trưởng có những chính sách gì quyết liệt hơn để bảo vệ thông tin của người Việt và gia tăng các startup về công nghệ thông tin của người Việt, để Chính phủ và cơ quan nhà nước có thể sử dụng những ứng dụng này trong quản lý nhà nước?" - đại biểu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần có một chiến lược về quản trị dữ liệu. Hịện xuất hiện các doanh nghiệp nền tảng, ví dụ mạng xã hội, các doanh nghiệp taxi công nghệ cũng thu thập dữ liệu. Đây là tài sản để họ kinh doanh. Nếu nền tảng người Việt Nam dùng mà không có doanh nghiệp Việt Nam thì toàn bộ tài nguyên dữ liệu của chúng ta đều ở nước ngoài. Vì thế, phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là chủ trương lớn, làm giảm thiểu rủi ro, trong đó có mạng xã hội.
Thời gian qua, chúng ta bảo hộ ngược, các nền tảng xuyên biên giới hoạt động không đóng thuế, không phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Câu chuyện là năm 2020, các doanh nghiệp dù trong nước, nước ngoài có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam thì cùng chung thể chế pháp luật. Thanh niên hãy ủng hộ những nền tảng Việt Nam, trong đó có mạng xã hội. Đó là cách duy nhất để chúng ta có dữ liệu ở lại Việt Nam.
Quan tâm đến giải quyết việc làm, hỗ trợ người khuyết tật vươn lên để không là gánh năng cho xã hội, đại biểu thanh niên ở Nghệ An, bày tỏ, thời gian qua Chính phủ và các Hội người khuyết tật đã quan tâm, luôn có những chính sách ưu tiên, các nguồn hỗ trợ cho người khuyết tật vươn lên. Tuy nhiên, tại các thành phố có nhiều người khuyết tật ăn xin, là hình ảnh xấu của Việt Nam.
"Xin hỏi Chính phủ có giải pháp nào để giảm số lượng người khuyết tật ăn xin?"
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi này, Bộ Trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước có gần 7 triệu người khuyết tật. Cả nước có hơn 100 cơ sở bảo trợ xã hội đang chăm sóc hơn 10.000 người. Điều này cho thấy, Đảng nhà nước đặc biệt chú ý tới người khuyết tật. Vừa qua Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị về người khuyết tật, trong đó có nhiều giải pháp dành cho người khuyết tật.
"Dứt khoát người khuyết tật phải được đặt dưới sự chăm lo của Đảng, Nhà nước. Nhà nước chăm lo và có trách nhiệm chăm lo bảo trợ cho người khuyết tật. Người khuyết tật không tự ti với khuyết tật của mình để làm chủ và xã hội, tuyệt đối không kỳ thị mà phải có trách nhiệm chăm lo cho người khuyết tật. Đối với người khuyết tật ăn xin, tinh thần chung chúng ta không để việc này, một số địa phương thời gian qua giải quyết tốt, thời gian tới sẽ tập trung đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội để chăm lo" - ông Đào Ngọc Dung cho hay.
Phong trào Hội cần là “mảnh đất lành”
Lắng nghe ý kiến của các thanh niên từ buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến thể hiện tâm huyết, chính đáng, thể hiện khát vọng và nghị lực vươn lên, khắc phục khó khăn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Những ý kiến này gợi mở cho Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Nêu lên những thách thức hiện nay đối với sự phát triển của đất nước, Thủ tướng đề nghị Hội LHTN Việt Nam phải huy động thanh niên cả trong và ngoài nước, cùng đoàn kết thi đua, quyết tâm thực hiện khẩu hiệu “Thanh niên Việt Nam yêu nước, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập, phát triển”.
Cho biết, Đảng ta xác định thanh niên là “rường, cột” của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, Thủ tướng đề nghị thanh niên Việt Nam phải có lý tưởng đúng đắn. Chính vì thế, các bạn trẻ phải có niềm tiin vào đất nước, vào Đảng, chế độ. Thanh niên cần có khát vọng cống hiến xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc 5 châu.
"Hãy “đào núi và lấp biển”. Hãy là tinh hoa đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Hãy là Ánh Viên khi đạt 6 HCV, mấy HCB rồi mà khi về phòng nước mắt vẫn chảy. Bởi vì cô ấy tự hỏi tại sao mình không vượt qua kỷ lục mà mình đã đạt. Sao một đội bóng đá nữ thấp bé, nhưng đá trên 100% sức. Những vấn đề như vậy rất quan trọng, một ý chí, một khát vọng của thanh niên" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong nhiệm kỳ VIII của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Thủ tướng mong muốn các phong trào của Hội là mảnh đất lành, tin cậy để học tập và rèn luyện của thanh niên “gieo hạt giống” học tập, “đơm hoa, kết trái”; tiếp tục nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu đề ra; xác định mục tiêu, vai trò, phát huy sức mạnh tập hợp, đoàn kết thanh niên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng thanh niên Việt Nam trên mọi lĩnh vực, mọi địa bàn, để đóng góp đưa các chủ nhân tương lai của đất nước phấn đấu trở thành người hùng, người tài năng, đức độ trong thời kỳ đổi mới.
Các chủ trương, các chính sách về thanh niên sẽ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên, tổ chức hội, đoàn hoạt động hiệu quả tốt hơn. Chính phủ luôn kỳ vọng, tin tưởng vào lớp thanh niên yêu nước hôm nay và mãi mãi mai sau.
Cũng trong sáng nay, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII đã bế mạc./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin