Sáng nay 29/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương, bộ ngành về công tác phòng, chống COVID-19. Chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, đảng của các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch, huy động hệ thống chính trị và nhân dân cùng đồng hành tham gia.
Theo đó, từng địa phương phải có kịch bản ứng phó với COVID-19, trong đó phải có những biện pháp khuyến cáo đến nhân dân về các biện pháp phòng chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương, bộ ngành về công tác phòng, chống Covid-19. |
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, đến hiện tại ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 1 ca tại Hà Nội là nhân viên bán Pizza tại cửa hàng 106 Trần Thái Tông, Cầu Giấy có tiền sử đi lại đến Đà nẵng từ ngày 12-15/7 cùng gia đình gồm 32 người. Đến sáng 23/7 có biểu hiện ho, sốt nhẹ, ngày 28/7 khám tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và kết quả ban đầu dương tính với virus SAR-CoV-2.
2 trường hợp tiếp theo là 2 vợ chồng mang quốc tịch Mỹ trú tại Quận 8 (TPHCM), trong đó người chồng đã đến Đà Nẵng 2 lần trong tháng 6,7, khám và điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, khi quay trở về TPHCM thì khởi phát các triệu chứng và đến khám tại bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 28/7 kết quả xét nghiệm dương tính với cả 2 trường hợp này.
1 trường hợp còn lại được ghi nhận tại Đắc Lắc là nhân viên y tế đã thực tập tại bệnh viện Đà Nẵng và quay trở về được xét nghiệm và phát hiện mắc Covid-19.
Trước đó, ổ dịch tại Đà Nẵng ghi nhận 30 trường hợp mắc, trong đó có 27 ca tại Đà Nẵng, 2 trường hợp tại Quảng Nam, 1 trường hợp tại Quảng Ngãi. Hầu hết các trường hợp mắc Covid-19 từ 40 tuổi trở lên.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ nguồn lực, sinh phẩm y tế để thực hiện xét nghiệm trên diện rộng; Tăng cường hỗ trợ trang thiết bị y tế, hỗ trợ máy thở nhân tạo, ECMO để điều trị bệnh nhân; tạo thuận lợi hỗ trợ chuyên môn, nguồn lực, cả bệnh viện dã chiến đề phòng dịch diễn biến xấu.
Đầu cầu Đà Nẵng |
Tại cuộc họp, Bộ Quốc phòng cho biết đã kích hoạt các biện pháp "chống dịch như chống giặc" như trước đây, siết chặt quản lý địa bàn ở những nơi có nguy cơ cao, tập trung quản lý ở các khu cách ly tập trung, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly khi cần cách ly số lượng lớn hơn. Bộ yêu cầu biên phòng các địa phương rà soát, kiểm tra chặt chẽ các khu vực biên giới.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch lần này có sự phức tạp hơn so với trước, bởi đã có sự lây lan ra cộng đồng nhiều ngày và chưa tìm được F0.
"Tình hình phức tạp và diễn biến nhanh trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều nguy cơ lây nhiễm giữa các địa phương, trước hết là các Thành phố lớn, các tỉnh xung quanh Đà Nẵng, trong thời gian ngắn đã lây nhiễm lên 27 ca, trong đó có các Thành phố lớn. Chính vì vậy, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, không được để vỡ trận, không được chủ quan. Vì khi tình hình xấu rồi sẽ trở tay không kịp. Các địa phương phải tuyên truyền lại ở các cấp độ khác nhau để nhân dân đề cao cảnh giác.
Do đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện của Thường trực Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo. Vì các địa phương đều có nguy cơ cao. Bí thư, Chủ tịch phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác thực hiện các biện pháp cần thiết"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo ngành y tế, tài chính và các địa phương phải đảm bảo năng lực cho hệ thống y tế, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, gồm cả công cụ xét nghiệm và đảm bảo an toàn cho các lực lượng có liên quan. Cùng với đó là đẩy mạnh truy tìm F1 và cách ly nhanh. Các đơn vị quân đội, nhất là Quân khu 5, cần thực hiện cách ly cho người dân Đà Nẵng tốt nhất, bởi đây là nơi có số lượng cần cách ly đông.
Để nâng cao năng lực xét nghiệm, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng cần tăng cường thêm phương tiện, cán bộ chuyên gia không chỉ cho địa phương mà cả các địa phương khác khi có yêu cầu. Tăng cường xét nghiệm, nhất là ở những địa phương có điều kiện, đối với những cá nhân tiếp xúc với bệnh nhân và tiếp cận nhưng nơi ổ dịch.
Thủ tướng đồng ý phương án tăng cường vị trí điều trị ở các bệnh viện trung ương, bệnh viện quân đội, các bệnh viện ở Huế, Quảng Nam để điều trị cho bệnh nhân có bệnh nền nặng. Các trường hợp cần thiết cần tăng cường xét nghiệm kịp thời hơn, nhất là cần ra lời kêu gọi những người sốt, ho để chủ động đi xét nghiệm để sàng lọc các ca nhiễm.
Thủ tướng đồng ý chủ trương đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ sở y tế tư nhân; ở Trung ương do Thủ tướng quyết định, ở địa phương sẽ do Chủ tịch UBND quyết định.
Đầu cầu Quảng Nam |
Tùy hoàn cảnh cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương được áp dụng Chỉ thị 19 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng kịp thời. Đối với Đà Nẵng thì áp dụng triệt để Chỉ thị 16. Từng địa phương đều phải có kịch bản ứng phó với Covid-19 như giai đoạn đầu đã triển khai, trong đó phải có những biện pháp khuyến cáo đến nhân dân về phòng chống dịch. Các địa phương đều phải tổ chức tốt quản lý dân cư, an ninh trật tự, nhất là đảm bảo bình ổn giá cả hàng hóa dịch vụ, không được để xảy ra tình trạng lộn xộn.
Đối với Bộ Quốc phòng, cần làm tốt nhiệm vụ quản lý biên giới; Bộ Công an điều tra khởi tố các đối tượng đưa người trái phép vào Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương có biện pháp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn.
Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng phải có nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, nhất là các địa phương đang xuất hiện dịch bệnh. Hai ngày một lần, BCĐ phòng chống dịch phải họp xử lý công việc, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xử lý các vấn đề cần thiết. /.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin