Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử Quốc hội khóa XV; bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Với ý nghĩa như vậy, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra đối với đất nước rất lớn. Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực.
Với Việt Nam, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi thì tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp; yêu cầu cho đầu tư phát triển, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế. Các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, khoa học công nghệ… vừa là thời cơ, vừa là thách thức, đòi hỏi Việt Nam không được chủ quan.
Thông điệp cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh
Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển của Việt Nam trong năm 2021 (WB dự báo tăng trường 6,8%; ADB dự báo 6,3%; IMF dự báo 6,7%, Standard Chartered dự báo 7,8%; Goldman Sachs dự báo 8,1%...). Để hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng như đánh giá của các tổ chức quốc tế, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 01 và 02 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể.
Nghị quyết 02 năm 2021 đề ra thông điệp của Chính phủ là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục bởi đứng yên hoặc cải cách chậm hơn sẽ bị bỏ lại phía sau.
TS Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, Nghị quyết 02 được soạn thảo trên cách thức rất mới, khi mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 02 năm 2019 được giữ nguyên, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nội dung chưa hoàn thành vào năm 2021.
“Có 4 nội dung Chính phủ nhấn mạnh thêm, thứ nhất là đánh giá rất cao sự đổi mới. Cụ thể, lần này Chính phủ nhìn thấy những cải cách của chúng ta gần đây mới chủ yếu nằm trong phạm vi 1 bộ, ngành, ví dụ giao cho Bộ Công Thương cải cách nội dung này, Bộ Y tế cải cách nội dung kia... Nhưng chúng ta biết, Doanh nghiệp chịu sự tác động của liên ngành, nhiều vấn đề không thể giải quyết được bằng một bộ ngành. Điểm mới của Nghị quyết 02 trọng tâm là tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết vấn đề triệt để, tập trung vào vấn đề doanh nghiệp vướng mắc đã từ rất lâu rồi”, TS Phan Đức Hiếu nhận định.
Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trọng tâm thứ 2 của Nghị quyết 02 là vai trò quan trọng chuyển đổi số trong tình hình mới. Đây là “cuộc chơi không thể không chơi”, nếu không sẽ bị đào thải. Hơn nữa, đi tiên phong phải là Chính phủ, với trọng tâm đẩy mạnh chuyển đổi Chính phủ số, mọi hoạt động, dịch vụ, tương tác trên môi trường số…
“Chúng ta buộc phải hoàn thành Chính phủ điện tử, chuyển sang Chính phủ số, tạo động lực để doanh nghiệp buộc phải chuyển mình. Đồng thời, tạo thị trường để khi Chính phủ chuyển đổi số thì doanh nghiệp có thể tham gia cung ứng dịch vụ”, TS Phan Đức Hiếu nói.
Nhiệm vụ của Nghị quyết 02
Bối cảnh 2020, với yếu tố mới và bất ngờ là đại dịch COVID-19 sẽ còn gây ảnh hưởng kéo dài. Do vậy, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa ứng phó dịch bệnh vừa thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tại cuộc Họp báo sáng 4/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục thực hiện việc đánh giá độc lập và công bố Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết và kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Nghị quyết 02 đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, gồm: phương hướng, yêu cầu tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị bởi đây vẫn là khâu yếu; Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn; và Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19”, ông Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Theo người phát ngôn Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần lưu ý tới tác động đến các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của đất nước trong quá trình tham mưu cho Chính phủ trong hoạch định chính sách liên quan đến doanh nghiệp để cải thiện các chỉ số này trên trường quốc tế. Trong đó, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để có thể giúp cải thiện điểm số và thứ hạng môi trường kinh doanh Việt Nam do Ngân hang Thế giới (WB) đánh giá về kết quả cải thiện môi trường kinh doanh thời gian sắp tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc Họp báo sáng 4/1. |
Theo thông lệ kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bước vào năm mới, Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01 và 02 nhằm đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới.
Trong đó, Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Nội dung Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Để thực hiện được những yêu cầu trên, phương châm hành động của năm 2021 được xác định là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Cùng với việc thực hiện mục tiêu hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 124/2020/QH14, Chính phủ đề ra 96 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phấn đấu thực hiện và là căn cứ để kiểm tra, đánh giá, đo lường kết quả thực hiện Nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương”./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin