Trong tỉnh

Phó Chủ tịch Quốc hội khảo sát về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập tại Nghệ An

20:53, 02/07/2020
Hôm nay (2/7), đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã khảo sát dự án hồ chứa nước bản Mồng và làm việc với tỉnh Nghệ An về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập.

Đi cùng đoàn có các đ/c Uỷ viên TW Đảng: Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; đại diện Bộ NN & PTNT.

Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long.

Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế công trường dự án hồ chứa nước Bản Mồng.

 
 

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế công trường dự án hồ chứa nước Bản Mồng.  

Đến thời điểm này, các công trình đầu mối thi công đảm bảo đúng tiến độ, đạt 80% khối lượng công việc; tiến độ giải ngân đạt 80%, tương đương gần 3.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến đầu năm 2021, cơ bản giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành cụm công trình đầu mối và sau lũ chính vụ năm 2021 hồ có thể tích nước.

Công trường dự án hồ chứa nước Bản Mồng.

Vướng mắc lớn nhất của dự án là công tác giải phóng mặt bằng. Theo rà soát mới nhất, dự án phát sinh thêm hơn 316 ha rừng của 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa phải chuyển đổi mục đích sử dụng; bên cạnh đó là công tác di dân, tái định cư cho 118 hộ dân của tỉnh Thanh Hóa. Đây là nguyên nhân chính làm tăng thêm 390 tỷ đồng nhu cầu vốn giai đoạn 1 của dự án.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đoàn công tác của Quốc hội đã nghe báo cáo về tình hình liên quan đến an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và vấn đề an toàn của các hồ đập. Ngoài hệ thống 6 sông lớn, Nghệ An hiện có 1.061 hồ thủy lợi với tổng dung tích trên 537 triệu m3. Cùng với hệ thống sông, hệ thống thủy lợi, các hồ thủy lợi đang chủ động đảm bảo tưới khoảng 55% diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các hồ đập này cũng đã xuống cấp. Trong đó có 100 hồ đập cần phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp; 10 hồ đập thuộc cấp bách, được Bộ NN & PTNT đưa vào danh mục tu sửa khẩn cấp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu sâu sắc, Nghệ An cũng đang đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn; vấn đề điều tiết hệ thống hồ chứa thủy điện trong mùa mưa cũng như mùa khô cần được quan tâm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, vấn đề an toàn hồ đập và an ninh nguồn nước đang được đặt ra cấp bách khi biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Với Nghệ An, có 80% dân số sống bằng nông nghiệp, an toàn hồ dập và an ninh nguồn nước càng phải được quan tâm. Toàn tỉnh chỉ mới chủ động tưới được khoảng 55% diện tích, còn lại 45% phụ thuộc vào tự nhiên – đây đang là hạn chế của địa phương. Trong khi đó, với đặc điểm địa hình phức tạp, bị chia cắt, lượng hồ chứa lớn đang đặt ra những vấn đề về an toàn hồ đập và an ninh nguồn nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, tỉnh Nghệ An phải đặt ra vấn đề quy hoạch hồ chứa thủy lợi để chủ động tưới cho sản xuất nông nghiệp chống hạn, phòng chống thiên tai. Về lâu dài, tỉnh phải tính toán để các hệ thống hồ đập liên thông, kết nối nhằm tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, xây dựng các hệ thống ngăn mặn có hiệu quả, nhất là vùng hạ du sông Lam.

Nhấn mạnh đến vấn đề an toàn hồ đập và an ninh nguồn nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Nghệ An nên xây dựng, đưa vào Nghị quyết trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, phấn đấu chủ động tưới được 75% diện tích đất nông nghiệp vào cuối năm 2025.

Riêng về công trình thủy lợi bản Mồng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: dự án này phải đưa vào công trình trọng điểm quốc gia. Đến hết tháng 8, Bộ NN & PTNT và tỉnh Nghệ An phải phối hợp, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để trình Ủy ban Khoa học – Môi trường Quốc hội thẩm định, sau đó Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét và quyết định./.

Thái Dương - Trường Ca

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện