Lê Thị Kỷ là em ruột của Lê Bá Giang, một trong 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988. Tôi và Giang cùng tuổi, nhà Giang và nhà tôi chỉ cách nhau chừng 400 mét. Sau giải phóng, cuộc sống vô vàn khó khăn. Tôi, Giang cũng như bao gia đình khác cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Chăn trâu, cắt cỏ, hái rau lợn, mót lúa, tát cá… lũ trẻ chúng tôi vừa hồn nhiên vừa lầm lũi cứ thế lớn lên như củ sắn, củ khoai. Năm 1987, khi vừa tròn 19 tuổi, Giang tình nguyện lên đường nhập ngũ… Từ đó chúng tôi không còn gặp nhau nữa.
Ngày Giang hy sinh người dân Hưng Dũng quê tôi bàng hoàng, đau đớn vô cùng. Bạn là trường hợp đầu tiên và duy nhất của xã hy sinh tại quần đảo Trường Sa, cũng là liệt sĩ đầu tiên và duy nhất báo tử công khai và trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tàu HQ-604 - con tàu bị địch bắn chìm trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Gạc Ma. Ảnh trưng bày tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma |
Nhớ lại cái ngày đau đớn ấy, chị Lê Thị Kỷ tâm sự: “Đau lắm anh ơi. Anh Giang nhà em nhập ngũ tháng 3 năm 1987, vừa kết thúc huấn luyện ở Quảng Ninh thì được lệnh hành quân vào Nam. Đêm 29 Tết năm ấy, nghe tin đơn vị anh sẽ di chuyển qua ga Vinh, mẹ em mua thịt, gói bánh chưng cùng bố đưa lên ga đợi tàu đến gửi chút tết quê nhà cho anh. Nhưng có lẽ vì lý do bí mật quân sự nên chuyến tàu ấy không dừng lại. Mẹ mang bánh chưng quay về trong nước mắt. Ra Tết thì gia đình nhận được thư của anh Giang, anh cho biết: Con chuẩn bị xuống tàu ra đảo.
Rồi mấy ngày sau thì nhận tin anh hy sinh. Nhà em ngay gần sát với loa của xã. Hàng ngày ai cũng chờ đợi để được nghe “Câu chuyện truyền thanh” vào sáng Chủ nhật, “Câu chuyện cảnh giác” vào tối thứ Bảy, được nghe “Tiếng Thơ” mỗi đêm. Em còn nhớ như in bữa ấy cả làng ta đang lắng nghe thời sự thì Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt về Trường Sa họ công bố danh sách 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma… Cả nhà em nghe rõ mồn một tên anh Giang, bố mẹ và mọi người sụp xuống, đớn đau…”.
Những kỷ vật ở bảo tàng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Tôi còn nghe kể: Anh Lê Bá Trường (là chú ruột của Lê Bá Giang) đang ngồi “nghe đài” bên nhà hàng xóm. Khi phát thanh viên đọc đến “Lê Bá Giang, xã Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ Tĩnh…”. Anh sụp xuống vài phút rồi gào lên, “Giang choa rồi bây ơi!”. Anh lao ra đường rồi chạy về phía xóm Văn Tân, vừa chạy anh vừa khóc “Cha ơi, mẹ ơi, Giang ta mất rồi”. Mọi thứ ập đến quá nhanh, đau xót bỗng chốc bao trùm lên mảnh đất quê nghèo. Mọi người không ai bảo ai cứ thế kéo nhau chạy về nhà bác Lê Bá Nghị (bố liệt sĩ Giang)… Nước mắt người dân Làng Đỏ cứ thế hòa vào nhau.
Bạn tôi ra đi khi vừa tròn 20 tuổi. Cách đây mấy năm, binh chủng hải quân có cho người về lấy mẫu giám định AND nhưng rất tiếc là trong số hài cốt tìm được không có Giang. Bố Giang năm nay 87 tuổi, bệnh nặng nằm một chỗ. Mẹ Giang năm nay 81 sức khỏe cũng đã yếu lắm rồi. Hai ông bà vẫn sống trong căn nhà “tình nghĩa” nhỏ thuộc khối Văn Trung, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh.
Tác giả tặng viên đá san hô từ Trường Sa cho mẹ liệt sĩ Lê Bá Giang. Ảnh: K.A |
Như một cơ duyên, cuối năm 2023, đầu 2024, tôi có cơ hội đến với quần đảo Trường Sa. Khi danh sách được duyệt, đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 gọi điện thông báo lịch trình tôi lập tức gọi điện báo cho Kỷ. Đầu dây bên kia em ấy nghẹn ngào không nói nên lời.
Theo lịch, tôi có mặt tại quân cảng Cam Ranh. Danh sách 4 đoàn đi theo 4 tàu được bí mật đến phút chót. Tôi chợt lo lắng vì trong 4 tàu thì chỉ có 1 chiếc chạy theo tuyến Bắc, nơi có Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma… Trước giờ lên tàu ít phút danh sách được công bố. Tôi đi trên tàu 571 hướng Bắc. Ôi, vậy là hải trình của chúng tôi sẽ đi qua nơi mà bạn tôi đã hy sinh và nằm lại…
Tàu xuất bến lúc 16 giờ ngày 3 tháng 1, sau hai ngày hai đêm lênh đênh trên biển thì chúng tôi đến với đảo Song Tử Tây. Một trong những việc quan trọng của tôi lên đảo là thăm chùa, nơi ấy có tấm bia ghi danh 64 liệt sĩ. Bạn tôi đây rồi, Lê Bá Giang đứng thứ tự số 12. Tôi thắp nén hương lên cho bạn và đồng đội rồi gọi điện cho Kỷ…
Tấm bia Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma, ngày 14/3/1988. Ảnh: Tiến Đông |
5 ngày sau, buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh bảo vệ Trường Sa được tổ chức ngay trên boong tàu. Thú thực, với gần 60 tuổi đời, 36 năm hoạt động và công tác tôi từng dự rất nhiều các buổi lễ tưởng niệm nhưng phải nói đây là lễ tưởng niệm đặc biệt và nhiều cảm xúc nhất. Ngay từ mấy ngày trước, loa truyền thanh trên tàu đã phát đi thông báo về lễ tưởng niệm cùng các ca khúc về Trường Sa. Đêm trước lễ tưởng niệm, Ban tổ chức thông báo trên loa: “Toàn tàu chú ý. Sáng ngày mai lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh tại vùng biển Trường Sa sẽ được tổ chức ngay trên sân boong. Yêu cầu tất cả mọi người ăn mặc chỉnh tề. Đúng 6 giờ 30 tập trung để dự lễ tưởng niệm”. Đêm ấy trên tàu ai cũng chung tâm trạng thao thức.
Len Đao, Cô Lin và Gạc Ma là 3 cụm đảo chỉ cách nhau chưa đến 10 hải lý. Đây là những vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trên biển. Tôi không muốn kể lại về trận chiến Gạc Ma bởi trong thời đại ngày nay thì chỉ một cú nhấp chuột là bạn đọc có thể đầy đủ mọi thông tin về nó. Tôi chỉ muốn nói rằng đó là một trong những cuộc chiến đấu anh dũng, quả cảm và đau thương nhất trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cuộc chiến ấy kẻ gây chiến đã cướp đi của chúng ta 64 người con anh hùng cùng đảo Gạc Ma phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ và các đại biểu nghiêm trang làm lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. Ảnh: K.A |
Theo thông báo từ Ban tổ chức thì 6 giờ 30 lễ tưởng niệm mới diễn ra nhưng từ 6 giờ sáng ai nấy đều có mặt đông đủ. Biển động nhẹ, con tàu nghiêng qua nghiêng lại lắc lư theo từng nhịp sóng. Trên “sân thượng” tầng 3, nơi diễn ra lễ tưởng niệm, mọi thứ đã được chuẩn bị chu tất và trang trọng. Trên chiếc phông đỏ in dòng chữ “Lễ tưởng niệm…”. Bên dưới là bàn thờ “dã chiến” kết hoa hình lá cờ Tổ quốc. Trên bàn thờ có lư hương. Ngay trước ban thờ là một vòng hoa gắn sao vàng. Hai bên là hai hàng tiêu binh bộ đội trong trang phục nghiêm trang. Khói hương tan trong gió trên nền nhạc mặc niệm, giọng Trung tá Bùi Văn Quê – Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146: “Trước anh linh các đồng chí, chúng tôi xin thề sẽ quyết tâm bảo vệ Trường Sa, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc…”. Mọi người lần lượt lên dâng hương, những giọt nước mắt cứ thế ứa ra. Sau lễ dâng hương và đọc diễn văn tưởng niệm. Vòng hoa và bàn thờ được néo dây thả xuống biển. Những con hạc giấy và hoa cúc được bộ đội và đoàn công tác thả xuống biển.
Tác giả mang nắm đất từ quê hương đất mẹ thả xuống biển nơi liệt sĩ Lê Bá Giang hy sinh. Ảnh: K.A |
Trên boong tàu, tôi thắp nén nhang. Tôi thả xuống biển khơi cho bạn và đồng đội của bạn nắm đất, bông hoa cúc con hạc giấy. Tôi châm cho bạn 1 điếu thuốc lá rồi lần lượt thả từng điếu còn lại xuống mặt biển biêng biếc và sâu thẳm. Những điếu thuốc, những bông hoa, những con hạc giấy cứ dập dềnh theo sóng trôi dần về phía xa xa. Ngồi bên mạn nước bóc cho bạn và đồng đội những chiếc bánh quy… tôi cảm giác như bạn hiển diện rất gần, tôi thì thầm nói với bạn. “Giang ơi, mình không nghĩ lại có ngày gặp bạn một cách đặc biệt như thế này. Thôi thì âm dương cách biệt, mình chỉ biết gửi bạn chút lễ vật thay cho tấm lòng nơi trần gian. Mong bạn cùng đồng đội sống khôn thác thiêng, phù hộ độ trì cho mọi người mạnh khỏe, cho quốc thái dân an, cho đất nước hòa bình và phát triển. Tổ quốc và nhân dân đã ghi công bạn. Mình muốn nói với bạn rằng quê hương, gia đình và bè bạn luôn nhớ về bạn, luôn tự hào về bạn. Cầu mong bạn siêu thoát và thanh thản nơi cõi vĩnh hằng cùng biển khơi nhé bạn”. Tôi rút điện thoại gọi điện cho Kỷ. Đằng dây bên kia, Kỷ nói nhỏ “Anh ơi, thay mặt gia đình em xin cảm ơn anh. Cảm ơn anh nhiều lắm”. Giọng em nghẹn lại rồi tắt máy. Tôi biết, phía quê nhà em ấy đang khóc.
Sáng hôm sau chúng tôi vào đảo Len Đao, qua Cô Lin rồi di chuyển về Sinh Tồn. Không ai bảo ai, mọi người cứ thế ùa ra boong tàu, nhìn về phía sau, đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao nhỏ dần rồi khuất trong hoàng hôn tím sẫm của Trường Sa.
Ảnh tư liệu: Mai Thanh Hải |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin