Bác Hồ từng đặt vấn đề: Có nên bỏ Tết ta hay không?
Thời gian gần đây, có một số quan điểm cho rằng, chúng ta nên gộp Tết tây với Tết ta theo hướng bỏ Tết cổ truyền. Vấn đề này nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.
Trong chương trình tọa đàm với chủ đề “Tết xưa-Tết nay” trên sóng VOV2 của Đài TNVN, PGS-TS Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Hà Nội nhớ lại: Cách đây vài chục năm, Hồ Chủ tịch đã gặp một số chuyên gia nổi tiếng như cố GS sử học Trần Quốc Vượng, cố GS Phan Huy Lê... Bác có hỏi rằng: “Có nên bỏ Tết ta và chỉ còn Tết tây hay không? Sau khi bàn soạn rất nhiều, cuối cùng Bác kết luận: Vẫn giữ nguyên Tết ta như cũ bởi Tết ta phụ thuộc vào lịch mặt trăng, theo nông vụ. Tổ tiên ta từ ngàn xưa đến giờ vẫn lấy canh nông là nguồn sống chính. Người ta tính thời vụ rất rõ. Khi nào thì cày cấy, khi nào thì thu hoạch. Mùng 1 Tết chính là thời điểm vào xuân, là thời gian để thư giãn, chuẩn bị bước vào năm mới, phù hợp với thời vụ. Cho nên Bác kết luận “Thế thì làm sao chúng ta bỏ được Tết âm lịch được?”, PGS-TS Đỗ Thị Hảo nhớ lại.
Cũng trong chương trình đặc biệt này, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài TNVN cho rằng, đương nhiên, có 2 Tết vẫn hay hơn là có một Tết. Điều kiện kinh tế hiện nay cũng cho phép chúng ta làm điều đó. Chỉ có điều, chúng ta phải rành mạch. Chơi ra chơi, làm ra làm. Sau những ngày nghỉ Tết, chúng ta phải bắt nhịp ngay vào cuộc sống chứ không có chuyện “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Với quan điểm của một người trẻ, Lê Hương Giang, sinh viên ĐH Hà Nội đặt câu hỏi: “Tôi cũng không hiểu mục đích gộp Tết dương lịch với Tết âm lịch để làm gì, để gộp văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây hay sao? nhưng với cá nhân tôi, việc trải nghiệm không khí chuẩn bị Tết âm lịch, đón Tết cổ truyền vô cùng thiêng liêng. Cho nên, tôi không tán thành với quan điểm này”.
Để giữ gìn những nét đẹp riêng có của Tết Việt, theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, cần phải có những luận cứ khoa học để mọi người cùng thống nhất là “nên giữ cái này và nên bỏ cái kia”. Điều đó cần các nhà nghiên cứu vào cuộc. Các cơ quan truyền thông đại chúng, trong đó có Đài TNVN cần tuyên truyền cho mọi người, nhất là giới trẻ hiểu rằng, nét đẹp trong Tết Việt là tài sản mà ông cha đã trao truyền lại mà chúng ta cần phải giữ gìn, nâng niu. Ngay cả lớp trẻ, dẫu đi về phía trước với một tốc độ nhanh như thế nào thì vẫn không thể bỏ quên những điều tốt đẹp ở phía sau. Nó giống như hành trang của một con người, một dân tộc để đi về phía trước một cách bền vững và đầy tự tin.
Với PGS-TS Đỗ Thi Hảo, Tết Việt là một yếu tố căn cốt để tạo nên bản sắc của dân tộc mà bản sắc thì không bao giờ phai nhạt. “Nếu ta bỏ bản sắc dân tộc thì chúng ta còn lại gì?”, bà Hảo đặt câu hỏi và cho rằng, nếu bỏ Tết Nguyên đán thì lòng yêu nước, yêu quê hương xứ sở cũng phai nhạt dần. Bởi vậy, không bao giờ có thể mất được Tết Việt. Quan trọng là làm sao để nó phù hợp với cuộc sống hiện tại.
“Tết mỗi thời một khác. Tôi không tán thành với quan điểm “Tết xưa hình như đang bị nhạt đi”. Ngày xưa, các cụ ta quan niệm “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Xong 3 ngày đó rồi hóa vàng, ai muốn đi đâu thì đi. Nhưng bây giờ, cuộc sống đã có nhiều đổi khác. Ví dụ, ngày xưa, người ta rất tất bật vì nồi bánh chưng nhưng bây giờ, ở siêu thị, cái gì cũng có, không phải xếp hàng. Vậy, cái gì cần phải giữ trong Tết xưa, đó chính là sự trân trọng với cảnh xum họp gia đình, nhớ đến ông bà tổ tiên, thăm hỏi người thân, giao lưu bạn bè. Đó là cái cốt lõi cần giữ. Còn những thứ khác, có thể linh hoạt, không nên cứng nhắc. Chẳng hạn như việc gọi điện thoại chúc Tết, cũng không có gì đáng phê phán bởi cuộc sống ngày càng đi lên, phương tiện ngày càng hiện đại, người ta nhớ đến nhau bằng cách đó cũng là chuyện bình thường”, PGS-TS Đỗ Thị Hảo chia sẻ.
Còn với Lê Hương Giang, sinh viên Đại học Hà Nội, trách nhiệm của người trẻ là giữ gìn bản sắc. Khi tham gia Tàu thanh niên Đông Nam Á, giới thiệu với bạn bè quốc tế một chương trình mang tên “Tết à, tết ơi” của người Việt, Hương Giang cho biết: bạn bè quốc tế đón nhận rất nồng nhiệt khiến các thành viên trong đoàn hết sức tự hào.
“Trên thế giới hiện nay, người ta vẫn sử dụng cụm từ “Quyền lực mềm”, dùng văn hóa để thu hút khách du lịch, dùng “quyền lực mềm” để tạo ảnh hưởng của đất nước mình. Vậy thì tại sao, chúng ta không dùng những giá trị truyền thống như một công cụ để quảng bá bản sắc, giúp bạn bè quốc tế yêu hơn về đất nước Việt Nam”, cô sinh viên Đại học Hà Nội bày tỏ./.
Theo VOV