Chương trình nghệ thuật “Ấm tình quê Bác”mang đến những cảm xúc đặc biệt
Chương trình nghệ thuật “Ấm tình quê Bác” được Đài PT-TH Nghệ An thực hiện nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2019), 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 – 2019). Chương trình được Livestream trên kênh Youtube Nghệ An TV và fanpage Truyền hình Nghệ An.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hường – Uỷ viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Hồ Mậu Thanh – Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Văn hóa – thể thao, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An; Đại tá Hoàng Văn Hùng – Phó Chính ủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh; cùng đại diện Báo Nghệ An, hội Nhạc sỹ Việt Nam tại Nghệ An, Hội văn học – Nghệ thuật tỉnh…
Từ làng Sen
Cái nôi văn hóa gia đình và quê hương đã trở thành nguồn sữa ngọt ngào nuôi dưỡng và trở thành điểm tựa tinh thần của Hồ Chí Minh trên bước đường Cách mạng. Trong suốt những năm tháng xa quê, Bác Hồ luôn dành những tình cảm đặc biệt cho quê nhà. Và quê hương cũng luôn dành cho Người những tình cảm ruột thịt, gắn bó nhất.
Truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của quê hương,gia đình đã hun đúc nên ý chí, hoài bão và lòng yêu nước thương nòi trong cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Những bài học đầu tiên bên tấm phản gỗ của cha, là nước nhà còn nô lệ, người dân còn bần hàn. Bài học nằm lòng về tình yêu lao động, về tình yêu thương con người cũng được hình thành dưới ngôi nhà tranh giản dị quê nhà ….
Quê hương nghĩa trọng tình cao
Tấm lòng của Người, lí tưởng và lẽ sống cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm yêu thương dành trọn cho dân tộc. Và trong tình chung ấy, Người vẫn luôn dành cho quê hương tình cảm thiêng liêng, đặc biệt.
Trong chương trình, khán giả được gặp gỡ ông Nguyễn Thế Viên – Nhà báo, phóng viên thông tấn xã Việt Nam, người đã 4 lần được gặp Bác, trực tiếp tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần Người về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành vào tháng 12/1961 và nhà nghiên cứu Chu Trọng Huyến, một người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, viết về Bác.
Trong suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của một vị lãnh tụ của nhân dân: Vĩ đại mà không cao xa; thanh cao mà vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết và gắn bó với quần chúng; hết lòng, hết sức chăm lo cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; mong muốn xây dựng một nước Việt Nam mạnh giàu; nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Với nhà báo Nguyễn Thế Viên 4 lần được gặp Bác Hồ và vinh dự hơn là người trực tiếp được tháp tùng Người trong lần Người về thăm xã Vĩnh Thành (Yên Thành) tháng 12/1961 - đó là những kỷ niệm đó không bao giờ quên trong cuộc đời ông. Trong lần về thăm đó, Bác Hồ đã không theo sự sắp đặt của chính quyền địa phương mà bất ngờ đến thăm nhà trẻ, phát kẹo cho các cháu, đến thăm gia đình người cao tuổi neo đơn có hoàn cảnh khó khăn…Bác còn căn dặn và giao nhiệm vụ cho địa phương cần quan tâm đến cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó chính là chất Nghệ, mà cái cốt lõi đó là tình yêu thương, sự đồng cảm với con người, đặc biệt là người dân lao động nghèo trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người sâu sắc trong những việc giản dị mà cụ thể, vẫn luôn đau đáu với sự phát triển của mảnh đất Nghệ An.
Ấm tình quê Bác
Nhắc đến Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người con xứ Nghệ luôn dành sự tri ân, kính trọng, ngưỡng vọng đặc biệt. Dù ở đâu, đồng bằng, ven biển hay miền núi cao, tình cảm đó vẫn luôn tha thiết, lắng đọng.
Và trong Di chúc, Người cũng căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Bác đặc biệt quan tâm đến đời sống bà con miền núi còn khó khăn. Đối với quê nhà, Người đã tới thăm trường Sư phạm miền núi Nghệ An, thăm nông trường Đông Hiếu, gửi thư cho đồng bào Quế Phong…. Và bà con miền núi cũng luôn hướng về Đảng, nhớ ơn Bác Hồ.
Những xúc cảm về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chắp cánh để các nhạc sỹ xứ Nghệ có một Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác của nhạc sỹ An Thuyên, Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, hay các ca khúc mà chúng ta đã được nghe đầu chương trình: Tiếng sáo diều tuổi thơ của nhạc sỹ Hoàng Thành, Người mẹ làng Sen của nhạc sỹ Lê Hàm…Qua chương trình, khán giả cũng được gặp gỡ nhạc sỹ Phan Thanh Chương và nghệ sỹ Mai Tư để cảm nhận rõ hơn về tình cảm của những người con xứ Nghệ, những người Nghệ sỹ xứ Nghệ dành cho Bác.
Với nhạc sỹ Phan Thanh Chương, ông đã sáng tác rất nhiều ca khúc về Bác, "Mặt trời trong ta" là ca khúc mang âm hưởng miền tây xứ Nghệ, và mới đây, ca khúc "Thế gian này chỉ riêng Bác mà thôi" của ông đã giành giải A trong Trại sáng tác viết về Bác Hồnăm 2016. Đó có thể nói là những tình cảm chân thành mà những người nghệ sỹ xứ Nghệ luôn dành cho Bác.
Trong chương trình, nghệ sỹ Mai Tư kể về kỷ niệm khi được gặp và hát cho Bác nghe câu hát Ví Giặm cất lên trong dịp sinh nhật lần thứ 79 của Bác, không ngờ đó cũng chính là những câu hát cuối cùng các nghệ sỹ quê nhà hát cho Người nghe. Nhớ lại những kỷ niệm lần gặp Bác cuối cùng đó, nghệ sỹ Mai Tư còn nhiều luyến tiếc. Nghệ sỹ Mai Tư cảm nhận được sau lần gặp đó là dù đi khắp phương trời, nhưng câu Ví Giặm quê hương vẫn luôn trong trái tim Bác. Bác vẫn thuộc lòng cả những câu hát dân gian của quê hương.
Theo chân Bác
129 năm kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, 50 năm thực hiện di chúc của Người, là dịp để tất cả chúng ta cùng soi lại chính mình. Trong bản Di chúc, điều đầu tiên Người căn dặn đó là về Đảng – vấn đề Người trăn trở nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Đảng phải thực sự là Đảng của người dân lao động, vì nhân dân lao động.
50 năm qua, dân tộc ta đã trải qua nhiều sóng gió. Nhưng cả đất nước vẫn luôn kiên định theo đường lối của Đảng, của Người. Với Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, con đường đó vẫn đang được bước tiếp. Để có những thành tựu như hôm nay.
Những gì Nghệ An đã đạt được mặc dù còn rất nhiều điều chúng ta cần nỗ lực song đó đã là một hành trình phấn đấu. Để quê hương chúng ta thực sự trở thành một tỉnh khá, vượt trội trên bản đồ của cả nước thì đó còn là con đường dài, đặc biệt gánh nặng đó đặt lên đôi vai của những người trẻ chúng ta hôm nay. Đó chính là cách chúng ta thể hiện tình cảm dành cho Người.
Trong Di chúc Bác Hồ đã nhắn gửi: "Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ trở thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên".
Lời nhắn gửi của Người, thế hệ hôm nay, các đoàn viên thanh niên đang vươn tầm, đưa đất nước vượt qua những thách thức. Thế hệ hôm nay đã đi bằng nguồn sáng từ tư tưởng và nhân cách của một người Việt Nam vĩ đại nhất thế kỷ 20 – Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Thùy Linh - Thùy Dương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin