Dưới triều Nguyễn, Tết Nguyên đán được xem là lễ hội quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam. Vào ngày mùng 1 tháng Chạp, vua sẽ ngự ở lầu Ngọ Môn để ban lịch năm mới do Khâm Thiên giám soạn thảo cho các bá quan. Người dân sẽ nhận lịch này ở địa phương.
Thường dưới triều Nguyễn, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán được quy định từ 28 tháng Chạp cho đến mùng 8 tháng Giêng năm sau.
Đội ngũ người hầu chuẩn bị cho một buổi yến tiệc trong Đại nội. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) |
Sau Tết, theo truyền thống của người Việt, các vua nhà Nguyễn cũng du Xuân đầu năm mới. Thường thì các vua Nguyễn bắt đầu du xuân từ ngày 5/1 âm lịch nhưng việc này không ghi thành điển lễ. Chỉ từ triều Đồng Khánh về sau, các vua nhà Nguyễn mới có lệ du xuân ngay trong ngày mùng 1 Tết.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, triều vua Đồng Khánh, sau lễ khánh hạ ở điện Thái Hòa và điện Cần Chánh, đúng vào giờ tốt trong ngày (được Khâm Thiên Giám xem quẻ chọn giờ trước), nhà vua lên kiệu cho quân lính cáng đi. Các quan văn, võ cùng một số lính tráng mang gươm giáo, cờ quạt theo sau hộ giá.
Cứ vậy, vua được cáng đi một vòng quanh kinh thành và một vài nơi vua thích để vừa du xuân lại vừa xem dân tình ăn Tết ra sao.
Ngoài ra, vào mùa Xuân, triều đình nhà Nguyễn cũng tổ chức nhiều lễ hội quan trọng, có thể kể ra một vài lễ hội như:
Lễ tế Nam Giao: Là lễ tế quan trọng nhất, đứng đầu trong bậc Đại tự. Không gian tổ chức lễ tế diễn ra từ Hoàng cung đến tận đàn Nam Giao ở ngoại ô phía nam Kinh thành và kéo dài trong suốt mấy ngày liền.
Tế Nam giao dưới thời Nguyễn là hình thức hợp tế (tế tự chung cả Trời-Đất và các vị thần linh) và thường được tổ chức vào tháng trọng xuân hàng năm (tháng 2 âm lịch, nhưng từ năm 1839-1848 lại tế vào tháng quý xuân - tháng 3 âm lịch).
Từ thời Thành Thái trở đi, lễ tế Nam Giao được quy định 3 năm tổ chức một lần do quá tốn kém. Lực lượng tham gia lễ tế Nam Giao thường gồm hàng ngàn người cộng với sự tham gia đông đảo của nhân dân các làng xã dọc theo tuyến đường từ Kinh thành lên đàn tế.
Lễ tế Nam Giao thời nhà Nguyễn xưa hiện được phục dựng. |
Lễ tế Xã Tắc: Cùng với lễ tế Nam Giao, tế Xã Tắc là một trong những tế lễ lớn và có tầm quan trọng trong việc cai trị nước của nền quân chủ phong kiến. Đây là nghi lễ vừa mang ý nghĩa tôn giáo tín ngưỡng vừa mang màu sắc chính trị. Việc cho lập đàn Xã Tắc và tế Xã Tắc ở kinh đô và hầu khắp các địa phương trong nước là để đáp ứng nhu cầu quan trọng, một nhu cầu về mặt tinh thần không thể thiếu của toàn dân thời bấy giờ.
Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu (thực ra, trừ lễ tế Nam Giao, còn từ lễ tế Xã Tắc đến các lễ tế ở bậc Trung tự và Quần tự đều được tổ chức 2 lần vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch ). Khi tổ chức tế, có khi nhà vua đích thân làm chủ tế, cũng có khi cử quan khâm mạng đại thần thay thế.
Một buổi Lễ tế Xã Tắc dưới thời nhà Nguyễn được phục dựng, tái hiện. (Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế). |
Lễ cày ruộng Tịch Điền: Đây là lễ cày ruộng đầu năm mới của nhà vua, được tổ chức tại ruộng Tịch Điền ở Kinh đô (phía bắc bên trong Kinh thành, gần đàn Tiên Nông). Lễ cày ruộng được tổ chức cũng vào tháng 2 âm lịch.
Nhà vua cùng các quan đến khu ruộng Tịch Điền. Trước đó, từ sáng sớm, quan Phủ doãn phủ Thừa Thiên phải đến tế tại đàn Tiên Nông.
Sau khi nhà vua đích thân cày 6 luống đầu tiên, ngài sẽ ra ngự tại điện Quan Canh (trong vườn Thường Mậu) để xem các quan cày ruộng.
Lần lượt các quan theo thứ bậc sẽ cày các luống tiếp theo. Đây là nghi lễ đầu năm của triều đình nhằm khuyến khích toàn thể nhân dân chăm lo việc nông tang.
Có thể nói đây là lễ hội cung đình rất giàu chất nhân văn, xuất phát từ các yêu cầu thực tế của một đất nước nông nghiệp như nước ta. Đáng tiếc là đến nay, khu ruộng Tịch Điền, vườn Thường Mậu và đàn Tiên Nông đều không còn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin