Văn hoá giải trí

Xuân về nhớ thơ chúc Tết của Bác Hồ

08:19, 13/02/2021
Đã hơn nửa thế kỷ chúng ta không còn có được niềm vui đón nghe thơ Bác mỗi độ Xuân về. Nhưng những vần thơ chúc Tết của Bác hầu như vẫn còn ngân vang trong trí óc nhiều người chúng ta.
Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu

Hằng năm, trước Tết 3 tháng, Bác Hồ đã nhắc nhở các cơ quan, ban, ngành chuẩn bị Tết cho nhân dân. Riêng bác cũng tự mình chuẩn bị 3 việc: Tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới; nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp chúc mừng năm mới để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo và cán bộ công tác ở nước ngoài; và cuối cùng là lên kế hoạch đi thăm hỏi, chúc Tết nhân dân, các cơ quan, đơn vị (một chương trình riêng mà chỉ Bác và cảnh vệ biết).

Từ lâu, nhân dân ta có thói quen vào đêm Giao thừa ngóng nghe thơ chúc Tết của Bác trên làn sóng phát thanh. Trong bài thơ "Theo chân Bác", nhà thơ Tố Hữu viết: “Bác ơi! Tết đến. Giao thừa đó/Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/Ríu rít đàn em vui pháo nổ/Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân...”.

Bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác là vào ngày 1/1/1942. Bác viết trên báo Việt Nam độc lập (số 114, ngày 1/1/1942):

Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,

Nǎm cũ qua rồi, chúc nǎm mới:

Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!

Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!

Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!

Chúc Việt-minh ta càng tấn tới,

Chúc toàn quốc ta trong nǎm này

Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới!

Nǎm này là nǎm Tết vẻ vang,

Cách mệnh thành công khắp thế giới.

Tháng 8 năm ấy, Bác sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng chống Nhật của người Việt Nam ở đó thì bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam ngay gần biên giới. Bị giải qua khoảng 30 nhà lao ở Quảng Tây, Bác chịu biết bao cực khổ, nhưng như Bác tâm sự qua Nhật ký trong tù: Tai ương bản ngã lai đoàn luyện/Sử ngã tinh thần cánh khẩn trương (Nghĩ mình trong bước gian truân/Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng).

Tháng 9/1943 Bác được trả lại tự do và chắp lại liên lạc với Đảng để về nước. Xuân Giáp Thân 1944 Bác viết trên báo Đồng Minh số Xuân:

Năm cũ lịch cũ vừa qua,

Năm mới lịch mới lại tới!

Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng,

Viết bài chào Tết, chúc thành công!

Tết Độc lập 1946, Bác viết bài Mừng xuân Bính Tuất, đăng trên báo Cứu quốc số 155:

...

Chúc đồng bào:

Trong nǎm Bính Tuất mới,

Muôn việc đều tiến tới.

Kiến quốc mau thành công,

Kháng chiến mau thắng lợi.

...

Việt Nam độc lập muôn nǎm!

Từ đó đều đặn năm nào Bác cũng có thơ chúc Tết chiến sĩ, đồng bào. Riêng năm 1955, Bác trở về Thủ đô vào ngày 1 tháng 1. Bác bận rộn với nhân dân Thủ đô sau ngày giải phóng và lo lắng trước việc đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, chuẩn bị gây lại chiến tranh. Năm 1957 và năm 1958, Bác chỉ có thư chúc Tết, không có thơ.

Xuân Mậu Thân 1968, Bác viết:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà,

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!

Xuân Kỷ Dậu 1969, năm cuối cùng Bác còn ăn Tết với nhân dân ta, Bác viết:

Nǎm qua thắng lợi vẻ vang,

Nǎm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Lời chúc Tết cuối cùng trước khi Người đi xa đã trở thành hiện thực. Ngày 30/4/1975, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét, “nếu thơ trữ tình được Bác chủ yếu sử dụng chữ Hán, với những lối ví von hình ảnh, uyên thâm thì thơ Tết và thơ cổ động lại được chủ yếu viết theo chữ Quốc ngữ với lối viết giản dị, rõ ràng thể hiện tinh thần mạnh mẽ, ý chí quyết tâm của vị lãnh tụ.

Bài Chúc đồng bào năm 1946 có lời gọn như khẩu hiệu và ý rõ như hiệu triệu. Hiệu triệu mọi việc phải tiến tới. Trong đó, có hai việc lớn là kiến quốc và kháng chiến. Kiến quốc thì mau thành công. Kháng chiến thì mau thắng lợi. Bác Hồ đặt nhiệm vụ kiến quốc trước, kháng chiến sau vì đó là đầu năm 1946, khi kháng chiến mới chỉ xảy ra ở Nam Bộ. Còn sau ngày 19/12/1946, nghĩa là Thơ chúc Tết các năm 1947, 1948, 1949, 1950, 1951, 1952, 1953 thì chỉ nói đến nhiệm vụ kháng chiến. Có nói thêm thi đua và tăng gia sản xuất cũng chỉ là nói đến mấy biện pháp cần làm để kháng chiến mau thành công. Lưu ý cái đích của lời chúc không phải chập chờn giữa Thắng và Thua - phải Thắng, giữa Thành và Bại - phải Thành, mà là rọi vào chữ Mau. Thành và Thắng là cái tất yếu không bàn ở chỗ đó, mà ở chỗ phải Mau, mau đến thành công và mau đến thắng lợi”.

Đã hơn nửa thế kỷ chúng ta không còn có được niềm vui đón nghe thơ của Bác mỗi độ Xuân về. Nhưng những vần thơ chúc Tết của Bác hầu như vẫn còn ngân vang trong trí óc của nhiều người chúng ta đến ngày hôm nay. Đó là tấm lòng của Bác đối với nhân dân, đối với sự nghiệp kháng chiến, bảo vệ đất nước và xây dựng một giang sơn dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện