1. Ăn những thứ tượng trưng cho may mắn
Nếu như người dân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay phần lớn các nước ở châu Mỹ Latinh thường chọn ăn 12 quả nho trong 12 giây vào những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới, thì người Ý sẽ chọn ăn 12 thìa đậu lăng, mỗi thìa tượng trưng cho một tháng trong năm.
Món ăn đón năm mới của người Pháp là một đĩa bánh kếp. Trong khi người Đức chọn ăn bánh hạnh nhân hình con lợn để cầu may mắn. Ở Hà Lan thì có truyền thống ăn những loại bánh rán hình tròn tượng trưng cho sự đủ đầy trong năm mới.
Đặc biệt nhất phải kể tới người Estonia. Họ thường tổ chức 7, 9 thậm chí 12 bữa tiệc trong đêm Giao thừa vì tin rằng, sau mỗi bữa ăn, mọi người sẽ có thêm thật nhiều sức khỏe.
2. Treo và đập lựu
Podariko là một phong tục cầu may mắn mỗi dịp đầu năm của người Hy Lạp. Trước thềm năm mới, các gia đình sẽ treo trước cửa nhà những quả lựu, tượng trưng sự may mắn, thịnh vượng và sinh sôi nảy nở.
Sau đó, vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi người sẽ tắt đèn và rời khỏi nhà để cử một 'đại diện' may mắn nhất, bước chân phải vào 'xông đất', mang lại cho gia đình những điều thuận lợi trong năm tới.
Kế tới, người thứ hai sẽ cầm một quả lựu trên tay phải và ném thẳng vào cửa. Càng nhiều hạt lựu mọng nước tóe ra đồng nghĩa với việc năm mới sẽ càng may mắn.
3. Đánh rơi viên kem
Người Thụy Sĩ thì thường thả một viên kem lên sàn nhà vì tin rằng điều này sẽ giúp mang lại may mắn, sung túc và bình an trong năm tới.
4. Im lặng 12 giây trước giao thừa
Người Nga sẽ thường chọn nhớ lại những sự kiện quan trọng nhất đã xảy ra trong năm và dùng 12 giây im lặng trước thềm năm mới để cầu mong những điều tốt đẹp sẽ thành hiện thực trong tương lai.
5. Nhảy ù khỏi ghế
Người Đan Mạch sẽ chọn cách 'bước sang năm mới' theo đúng nghĩa đen. Ngay khi kim đồng hồ điểm 12 giờ, họ sẽ ngay lập tức nhảy ù ra khỏi ghế hoặc sofa nếu đang ngồi trên đó. Nếu không làm vậy thì họ tin rằng mình sẽ gặp phải những điều xui xẻo trong năm mới.
6. Đáp bánh mì vào tường
Người Ireland thường đập bánh mì vào các bức tường bên ngoài nhà để xua đi những điều xui xẻo, những linh hồn đeo bám họ trong năm cũ và chào đón một năm mới tinh khôi, thuần khiết nhất. Ngoài ra, họ cũng chuẩn bị những phần ăn cho người thân đã khuất trên bàn tiệc đón mừng năm mới.
7. Mặc đồ lót đỏ
Người Ý và Tây Ban Nha thường chọn mặc đồ lót đỏ dịp năm mới để lấy may. Trong khi người Tây Ban Nha 'cầu kỳ' cho rằng phải đồ lót mới thì mới linh nghiệm, thì người Ý lại chọn cách ném những món đồ cũ qua cửa sổ để chờ đợi những điều tốt đẹp trong năm mới.
8. Lấy bùa may mắn
Lễ đón năm mới ở Nhật được gọi là Shōgatsu. Trong dịp này, người dân thường chọn viếng thăm những ngôi đền địa phương để bốc lá bùa may mắn cho năm mới. Ngoài ra, họ còn ăn những món như tôm để tượng trưng cho cuộc sống trường thọ và trứng cá trích để mong con cháu đầy nhà.
9. Các "nhà chiêm tinh" khoai tây
Người Colombia coi khoai tây như những 'nhà chiêm tinh' có thể dự báo được tương lai. Vào ngày cuối cùng trong năm, họ thường đặt ba củ khoai tây dưới giường, một củ đã gọt vỏ, một củ chưa gọt vỏ và một củ được gọt vỏ một nửa. Khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm, một củ khoai tây được bốc ngẫu nhiên sẽ nói lên vận mệnh của họ trong năm mới.
Củ khoai tây gọt vỏ báo hiệu năm mới sẽ gặp thách thức về tài chính. Khoai tây chưa gọt vỏ biểu thị sự thịnh vượng, trong khi một củ khoai tây nửa vỏ biểu thị mức độ trung gian giữa thách thức và thịnh vượng.
Ngoài ra, người dân Colombia và Ecuador cũng thường đốt những hình nộm giống người mà họ không ưa hoặc những người đã mất trước đó, nhằm bỏ lại quá khứ phía sau và hướng tới một năm mới tốt đẹp.
10. Đập vỡ đĩa
Không giống như quan niệm của nhiều quốc gia, thủy tinh hay đồ sứ vỡ được coi là một điềm lành ở Đan Mạch. Đây là lý do tại sao người dân nước này thường đập vỡ những chiếc đĩa sành sứ mới hoặc đã qua sử dụng rồi để những mảnh vỡ trước cửa nhà người thân, với hy vọng sẽ mang lại may mắn cho họ trong năm tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin