Với Phong, ánh trăng tuổi thơ nghiêng treo trên đỉnh núi Quyết quyện với câu hò man mác dòng Lam, đã làm anh đắm say, ngất ngây câu hát quê hương…
Nghệ sỹ Lê Thanh Phong: “Em sẽ cố gắng hết sức để vừa “làm mới”, vừa quảng bá và trao truyền dân ca ví - giặm”. |
Câu dân ca có từ trong máu thịt
“Câu dân ca có từ trong máu thịt”. Tôi cứ lặp đi lặp lại lời ca ấy mỗi lần gặp Phong. Bởi, nếu không “có từ trong máu thịt” sẽ không có một Lê Thanh Phong nặng lòng, đắm mê ví - giặm đến thế. Phong may mắn hơn chúng bạn được sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm nghệ thuật, nhưng cũng không “may” như các bạn bởi bố mẹ luôn định hướng cho anh con đường nghệ thuật hiện đại, thay vì truyền thống.
Nhưng, ngay từ khi còn rất nhỏ, Phong đã luôn muốn “rẽ trái” cho đường đi của mình. Được cha mẹ gom góp sắm đàn Organ, mất công gửi từ Nhật Bản, thế mà Phong lại nằng nặc đi học đàn bầu. Các hội thi văn nghệ tuổi học trò ở Nghệ An, trong khi các đội bạn mang đến những ca khúc hiện đại, thì Phong vẫn cứ “à ơi, ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh…”.
Phong nói: “Em sinh và lớn lên ở thành phố Vinh, không phải là vành nôi ví - giặm, nhưng từ nhỏ, những câu ví, lời ru của bà, của mẹ đã ăn sâu trong lòng. Từ khi còn nhỏ lắm, thuở chưa biết chữ cơ, em đã thuộc làu những tác phẩm “Thập ân phụ mẫu”, “Phụ tử tình thâm”…Và, may mắn nữa là nhà em ở dưới chân núi Quyết, nơi có “trăng treo trên đỉnh núi Quyết trăng trong”, có dòng sông Lam uốn lượn lững lờ, để rổi đêm đêm được nghe những điệu ví đò đưa cùng với tiếng mái chèo khua nước trên sông, mà thương mà nhớ. Rứa là yêu, là say, rồi không tài chi mà dứt ra được nữa”.
Là học sinh giỏi tỉnh, thay vì chọn một ngành khác, năm 2010, Lê Thanh Phong lại quyết tâm vào bằng được Đại học Văn hoá. Rồi năm 2012, Phong tiếp tục học văn bằng hai tại Học viện Âm nhạc Huế - ngành Âm nhạc di sản (đào tại tại Hà Nội). Và, khi nghiên cứu thạc sỹ, anh vẫn cứ “quấn quýt” với “Phương pháp giảng dạy âm nhạc dân tộc”.
Rời quê hương Nghệ An ra với thủ đô, nhớ nhà, nhớ quê không tài chi ngủ được. Ví, giặm chính là người bạn của Phong: “Quanh quanh đường vô xứ (ơ)Nghệ. Chốn nhân kiệt địa (ơ) linh…”. Những câu hát tưởng chừng như chỉ để vơi đi nỗi nhớ ấy của Phong đã khiến chúng bạn từ lạ lẫm đến yêu thích. “Lúc rảnh, bọn em lại tụm năm tụm bảy hát ví, giặm. Các bạn từ các tỉnh khác lúc đầu không hiểu, được em giới thiệu, ai cũng khen hay, rồi bắt em tập hát. Mọi người tham gia ngày càng nhiều, em quyết định thành lập Câu lạc bộ ví, giặm ở Hà Nội”, Phong chưa hết mừng vui.
Không còn “hát cho nhau nghe” nữa, CLB của Phong quyết định ra “biển lớn”. Những buổi biểu diễn ở sân đình Xuân Tảo được bà con và khách du lịch cổ vũ nhiệt tình càng thôi thúc Phong và các thành viên nỗ lực hơn nữa. Vừa hát, vừa phải làm “phiên dịch” cho khán giả vì nhiều người không thể hiểu thổ âm Nghệ Tĩnh, Phong lại càng cảm thấy phấn khích vì ví -giặm ngày càng được đón nhận nồng nhiệt.
“Trước mự nói mự thương
Cau dành để trên buồng
Tiền buộc chạc trong rương
Lợn ục ịch trong chuồng
Giừ mự nói… mự nỏ thương… ”
“Những câu giặm đối đáp ấy, sau khi được giải thích cặn kẽ thì ai cũng tỏ ra thích thú, tấm tắc khen hay: Ồ ví - giặm thật là thú vị”, Lê Thanh Phong chia sẻ.
Tân cổ ví - giặm
Tin Lê Thanh Phong thành lập Đoàn nghệ thuật Unesco dân ca xứ Nghệ với 50 diễn viên, trực thuộc Hội Di sản, làm nức lòng bao người ở quê nhà. Họ mừng vì có một người con rất trẻ của xứ Nghệ đã làm được một điều lớn lao; họ lo vì không biết Phong có đủ sức quản lí hay không. “Em đã phải học thêm rất nhiều, học từ nhà trường, học từ các nghệ sỹ đi trước và học các cách quản trị nữa, nên em đã rất tự tin để thành lập đoàn”, Phong quả quyết.
“Hoàng tử” ví - giặm Lê Thanh Phong với điệu tân cổ Tứ hoa. |
Và, trong rất nhiều suất diễn ở khắp mọi miền đất nước, Lê Thanh Phong ngẫm ra rằng, làn điệu và phương ngữ Nghệ Tĩnh là hồn cốt của ví - giặm, nhưng cũng chính thổ âm Nghệ Tĩnh là rào cản, phần nào “ngăn” ví - giặm vươn xa. Làm sao để mỗi khi điệu ví - giặm quê hương cất lên là ai cũng phải ngả nghiêng như điếu đổ? Làm sao, dân ca phải là của người trẻ chứ không như suy nghĩ lệch lạc rằng, dân ca chỉ của người già? Đó là trăn trở của nghệ sỹ trẻ Lê Thanh Phong.
“Một lần giao lưu nghệ thuật ở miền Tây, em thấy các nghệ sỹ hát tân cổ giao duyên, hay quá. Đây rồi! Ví - giặm cũng có thể đi theo hướng này để làm mới, để được yêu thích hơn. Lập tức em lấy giấy bút, viết ngay lời ví, giặm theo điệu Tứ hoa cho bài “Câu hát quê hương” của nhạc sỹ Hồ Hữu Thới:
Về với sông núi Hồng Lam niềm kiêu hãnh bao đời
Câu ví - giặm, ân tình người xứ Nghệ
Là giọng nói của cha, tiếng ru hời của mẹ
Trong giây phút giao duyên đêm đò đưa ước hẹn
Là cốt cách tâm hồn người Nghệ đó, người ơi…
Khi em vừa dứt thì tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Có người còn tán thưởng: Cải lương Nghệ Tĩnh. Vui đến ứa nước mắt”, nghệ sỹ trẻ Lê Thanh Phong vẫn chưa thôi xúc động.
Buông cây đàn nguyệt với những nốt xự xàng xê, Phong nói như reo: “Mười năm qua, từ một câu lạc bộ “rơm rơm”, Đoàn nghệ thuật Unesco dân ca xứ Nghệ đã đi biểu diễn khắp mọi miền đất nước và hai lần công diễn ở nước ngoài. Đó làFetival Âm nhạc thế giới tại Uzbekista - 2017 và Liên hoanÂm nhạc tại Trung Quốc - 2019, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Ví - giặm quê mình vươn xa, vui hết biết, anh ạ”.
Rồi cậu nắm chặt tay tôi, khẩn thiết nói: “Em rất thấm thía lời dạy của cố Giáo sư Trần Văn Khê, rằng: “Đừng nghĩ dân ca chỉ do người già hát, mà cách đây hàng trăm, hàng chục năm trước là do người trẻ sáng tạo và hát lên…”. Do vậy mà trong khả năng của mình, em sẽ cố gắng hết sức để vừa “làm mới”, vừa quảng bá và cả trao truyền nữa, dân ca ví - giặm quê mình. Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cơ mà”.
Chia tay “hoàng tử” ví - giặm, tôi được tặng thêm một làn điệu tân cổ Tứ hoa mà Phong vừa viết cho bài Quê hương của Giáp Văn Thạch. Càng thấm thía, “câu dân ca có từ trong máu thịt”:
“Con đò chờ liêu xiêu trên bến vắng
Xao xuyến lòng tôi cứ chiều chiều nhạt nắng
Hai tiếng quê hương sâu nặng suốt đời tôi…”
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin