Văn hoá giải trí

Mùa Sâu măng ở vùng cao Nghệ An

16:13, 23/11/2023

Từ tháng 10 - 12 Dương lịch hàng năm, là khoảng thời gian người dân các huyện miền núi Nghệ An vào rừng tìm sâu măng kiếm thêm thu nhập từ “mẹ thiên nhiên”. Qua bàn tay chế biến của người dân địa phương, món ăn này trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng.

Những ngày này, người dân các xã vùng cao miền núi đang tích cực vào rừng tìm kiếm Sâu Măng, loài sâu sống và lớn lên trong ống măng cây Luồng.

Để săn sâu măng người dân vùng cao vào các cánh rừng già, ẩm ướt.
Để "săn" sâu măng người dân vùng cao vào các cánh rừng già, ẩm ướt.

Theo chân người dân xã vùng cao Huồi Tụ, huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, chúng tôi được ông Hờ Nhìa Xồng, người có nhiều kinh nghiệm trong việc săn tìm sâu măng ở bản Huồi Ức, đưa vào rừng tìm sâu măng. Ông Nhìa Xồng cho biết: “Thời tiết bắt đầu vào mùa đông là giai đoạn con sâu to, béo và ngon nhất. Sâu thường tập trung ở những cây măng đã già, lớp vỏ bọc của măng vẫn chưa bung rời khỏi cây. Lớp vỏ áo của măng có màu hơi ngả vàng thì bên trong có nhiều sâu".

Những cây có sâu ăn thường là măng già, lớp vỏ bên ngoài đã khô nhưng vẫn chưa bung khỏi cây, cây càng có nhiều đốt càng có nhiều sâu.

Cũng theo người dân địa phương, khi cây măng còn non, sâu phân tán lên trên phía ngọn. Khi vào mùa đông, cây tre to, sâu mới bắt đầu xuống tập trung ở các đốt măng phía dưới gốc để làm tổ.

Khi những cây măng đã cao lớn thì nhưng ấu trùng sâu bên trong cũng đến thời kỳ trưởng thành, lúc đó sâu sẽ dồn về ở một ống phần gốc cây măng.
Khi những cây măng đã cao lớn thì nhưng ấu trùng sâu bên trong cũng đến thời kỳ trưởng thành, lúc đó sâu sẽ dồn về ở một ống phần gốc cây măng.

Để tìm được sâu măng không phải đơn giản. Người dân ở các xã vùng cao như: Tây Sơn, Huồi Tụ, Mường Lống, Đoọc Mạy, Bảo Nam, Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn; Tam Hợp, Nhôn Mai, Mai Sơn, Hữu Khuông, huyện Tương  Dương, phải đi mất cả ngày trời. Họ phải đi vào các cánh rừng già, nơi có nhiều Luồng mọc. Việc kiếm được ít hay nhiều sâu còn phụ thuộc vào thời tiết và sự may mắn.

Với giá từ 250.000 - 300.000 đồng/1kg, vào mùa sâu măng một hộ dân có thể thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng.
Những năm gần đây, sâu măng trở thành đặc sản và là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng.

Hiện nay, tại các chợ miền núi, 1kg sâu măng có giá bán từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng. Một ngày săn sâu măng người dân có thể kiếm được cả nửa triệu đồng.

Để có nguồn sâu măng dồi dào và thường xuyên, người dân ở các địa phương đã biết khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ các diện tích rừng tự nhiên, nhất là khu vực có nhiều cây Luồng mọc. Ngoài sâu măng, người dân các huyện miền núi Nghệ An còn có thêm nguồn thu từ các lâm sản phụ khác từ rừng.

Theo Anh Hờ Bá Xà, người dân xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, cho biết: "Vào mùa sâu măng người dân có thể có thêm thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng, thậm chí ở các bản làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo vệ cây măng Luồng thì nguồn thu còn cao hơn”.

Sâu măng trở thành món ăn quen thuộc trên mâm cơm người dân địa phương dịp cuối năm.
Sâu măng trở thành món ăn quen thuộc trên mâm cơm người dân địa phương dịp cuối năm.

Trước đây khi cuộc sống còng khó khăn, Sâu măng là món ăn phục vụ gia đình. Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, sâu măng đã trở thành đặc sản và trở thành mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường. Hiện sâu măng trở thành hàng hóa có mặt tại tất cả các chợ ở các huyện vùng cao Nghệ An. Nó cũng có thể là món ăn trong các cuộc đón tiếp khách quý của người dân địa phương dịp cuối năm.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện