Thế giới phức hợp của Lê Quốc Hán với nhiều hoa thơm và cỏ lạ trong “May”
Từ những xúc cảm trong lành…
Là một nhà toán học, với tư duy logic nên thơ Lê Quốc Hán mang đậm chất triết lý với những xúc cảm trong lành, hướng thiện, giàu suy tưởng. Đó cũng là mạch nguồn xuyên suốt tập thơ “May”. Ông quan niệm: Toán học là sản phẩm của trí tuệ, thi ca là sản phẩm của tâm hồn, bởi vậy, một người dù thông thái đến đâu, nếu không có một trái tim biết xúc cảm mãnh liệt cũng không thể trở thành nhà toán học đích thực, và một người dù có tâm hồn nhạy cảm và đa tình đến đâu nếu không có trí tuệ dẫn đường cũng khó trở thành nhà thơ lớn. (“Toán học và thi ca”).
Trong cuộc sống đời thường, Lê Quốc Hán là một thầy giáo dạy toán bình dị, mang đậm phong cách người làng, thích chiêm ngắm mọi góc cạnh, dù thuần mỹ hay gai góc, để đối chứng theo tư duy logic của toán học và vẻ đẹp nhân văn của thơ ca. Bởi vậy, trong “May” – tập thơ thứ năm của ông vừa trình làng, ta bắt gặp những người quen, cảnh cũ … “Cúc xưa” là một bài thơ điển hình: những thu đi qua/ những cúc đi xa/ về lối cũ/ ta/ ta/ ta/ chút vàng nắng quái/ chút lá vàng rơi/ vàng cúc xưa/ bay về trời// cúc xưa/ cúc xưa/ cúc xưa/ giờ thành cúc dại/ nở trắng bờ rào/ hương cúc ngai ngái/ lạc vào chiêm bao.
Đọc lướt qua “May”, bạn đọc sẽ thấy các bài thơ trong đó phần nhiều ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu. Nhưng nếu ngẫm kỹ, sau những câu thơ bài thơ đó ẩn chứa những suy tư sâu sắc về lẽ đời, về nhân tình thế thái. Có thể cảm nhận “Cúc xưa” như một bài thơ tình, một bài thơ hoài niệm, xoay quanh những kỷ niệm về hoa cúc, cũng là hình ảnh của người tình cũ. Những thu đi qua, hoa cúc từ màu vàng rực ấm áp đã phai tàn thành màu trắng hoang lạnh. Người tình cũ biền biệt đi xa: lang thang quá nửa cuộc đời/ tìm em chỉ gặp một trời phù du/ cúc vàng còn hẹn mùa thu/ tin em cánh nhạn mịt mù gió sương (“Hình như”) khiến người thơ ba lần thốt lên cúc xưa/ cúc xưa/ cúc xưa nghẹn ngào. Nhưng “Cúc xưa” còn gợi nhớ những gì tốt đẹp đã tàn phai, hay cao hơn một thời hoàng kim một đi không trở lại.
Bài thơ “Trước hoa hồng” vẫn với những tầng nghĩa như vậy, nhưng đớn đau hơn, vật vã hơn với sự “sám hối” bởi sự nhanh chóng lãnh cảm của con người trước sự dâng hiến của cái đẹp (tượng trưng bởi hình ảnh hoa hồng), trước sự phũ phàng vội vàng lãng quên những kỷ niệm đẹp nhất, ngọt ngào nhất của quá khứ ân tình: ngày xưa hái hoa hồng/ gai đâm/ máu tứa// đêm nay hái hoa hồng/ tay nguyên vẹn/ cành hồng ứ nhựa// úp mặt xuống chùm gai tua tủa/ khóc/ tim mình/ không còn chút nhói đau.
“Vách đá” nối tiếp ý tưởng về sự thờ ơ, lãnh cảm, xơ cứng của những trái tim sớm già nua (một hiện tượng phổ biến thời nay) đã gây nên bao đau khổ cho con người: có tiếng gì rất khẽ/ mơ hồ/ vời vợi/ xa/ đêm đêm gõ cửa trái tim già// trái tim đã hóa thành vách đá/ tiếng vọng sượt qua/ rơi/ lả/ tả// và bởi vậy mùa thu trút lá/ nhiều như nước mắt của người.
…chạm đến trái tim của “người đồng sáng tạo”.
Dù hướng tới bạn đọc đại chúng, nhưng là một người nghiên cứu toán học, Lê Quốc Hán thấm nhuần tư tưởng của Định lý Goldel - định lý toán học vĩ đại nhất của thế kỷ XX, rằng “mọi hệ mở là hệ phát triển, mọi hệ đóng sẽ bị lụi tàn”. Bởi vậy ông quan niệm rằng thơ không được tuyến tính, phải tạo ra những khoảng mở để độc giả luôn là “người đồng sáng tạo”. Điều đó lý giải vì sao “May” không ”tuân thủ“ theo fomat của những tập thơ thường thấy, ấy là mở đầu bởi lời giới thiệu của một bạn văn hay nhà phê bình, bởi nó sẽ định hướng cảm nhận của độc giả, cản trở họ đồng sáng tạo.
“May” được đề dẫn bằng một quan niệm cởi mở về thơ được ông gọi là sản phẩm siêu văn hóa: Trên thế gian này, có bao nhiêu người làm thơ và yêu thơ thì có xấp xỉ chừng ấy định nghĩa về thơ. Quan niệm về thơ hay không ít hơn là mấy. Nói thế không đánh đồng giá trị các câu thơ, bài thơ, tác phẩm thơ. Phải có thước đo chung cho những sản phẩm siêu văn hóa này. Bởi vậy, Phong trong Kinh thi, Nhã ca trong Cựu ước, Iliát và Ôđixê của Hôme…mới vượt qua hàng nghìn năm để sống trong tâm tưởng của mỗi người đến tận ngày nay.Tuy nhiên, những tác phẩm thơ lưu danh muôn đời quá ít. Tùy theo không gian và thời gian, dân tộc và thời đại mà xuất hiện những quan niệm thơ hay khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Các quan niệm này nảy sinh từ khả năng nhận thức (đối với thế giới tự nhiên và xã hội), trình độ văn hóa, tâm sinh lý của con người trong dân tộc ấy, trong thời đại ấy quy định, không phụ thuộc vào những thế lực bên ngoài.
Hơn nữa, theo ông, mỗi nhà thơ không được tự lặp lại mình hay lặp lại người khác, dù thần tượng của mình. Đây là một yêu cầu khó, rất khó, nhưng nếu không vượt qua được cửa ải đó, không nhảy qua được thác Vũ Môn đó, họ không thể thành nhà thơ theo đúng nghĩa của từ này. Nói thế không phải quan niệm rằng thi sĩ phải sống trên ốc đảo, không học tập ai. Nhà thơ phải như con ong hút nhụy trăm hoa về làm mật. Không có một nền văn hóa sâu rộng, một vốn sống dồi dào, không thể trở thành nhà thơ lớn. Ông luôn ý thức được rằng: Làm thơ đã khó, trở thành nhà thơ còn khó hơn lên trời. Thông minh, học rộng ư?Chưa đủ.Giao lưu, từng trải ư?Chưa hẳn đã thành tài. Cái chính là tâm mình phải sáng: Từ trái tim đi ra thì dễ trở vào trái tim….
…để nối mạch dài cảm thức minh triết
Nhà thơ Dương Kỳ Anh nhận xét về cảm thức trong thơ ông: “Lê Quốc Hán đọc khá nhiều sách triết học, cũng am hiểu tương đối văn hóa Đông - Tây. Thật ra, cảm thức trong thơ Lê Quốc Hán chính là cảm thức triết học. Là cảm thức minh triết. Đúng hơn là những triết lý mà tác giả cảm nhận được từ cuộc đời vô thường này. Đó là những cảm nhận sâu xa trong sự chiêm nghiệm cuộc sống hàng ngày chứ không phải là triết lý vụn vặt như một số người làm thơ bây giờ đang theo đuổi” (báo Văn nghệ công an, 4.2018).
Cảm thức minh triết trải dài trong tập thơ “May”. Cảm thức ấy thật đáng trân quý bởi nó được dệt nên từ chiều sâu tâm hồn của một con chiên ngoan đạo, tư duy biện chứng của toán học và ánh sáng thẩm mỹ của văn học. Từ bài thơ mở đầu “Đo”: chỉ trí tuệ con người/ chạm được vào vô hạn/ chỉ tình yêu con người/ sâu vô cùng vô tận , đến bài thơ kết thúc“Sinh ra từ ánh sáng và nước”, tập thơ “May” đều thấm đẫm cảm thức đó: mỗi chúng ta đều sinh ra từ ánh sáng và nước ánh sáng chiếu từ cha trên trời cao và nước vắt ra bởi lòng mẹ đất linh hồn đẹp như đóa hoa ngũ sắc uống nước nguồn bừng nở đón mùa xuân/ mỗi chúng ta một nửa thiên thần giấu đôi cánh làm người trần thế để tắm nỗi đau rộng dài hơn sông bể biết giá bình yên đổi bằng giá máu mình/ yêu đắm say bằng đầu suy nghĩ bằng tim mắt ngước nhìn trời chân không rời mặt đất giữa mưa nắng bão dông cần cù gieo hạt cho những mùa vàng tiếp nối sinh sôi//…// rồi mai đây từ giã cõi trần đôi cánh mọc lên bay về miền ánh sáng lòng thấu hiểu trời cao vô hạn và mặt đất dù hữu hạn đơn côi đủ giao hòa nhau sinh ra nuôi lớn những kiếp người.
Dựa trên những suy tưởng về con người, về nhân thế dưới cái nhìn minh triết sẽ là chìa khóa giúp người đọc đi vào thế giới phức hợp nhưng nhiều hoa thơm cỏ lạ của “May”.
Lê Trang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin