Hình ảnh Ca trù do Google thiết kế diễn tả một chầu hát gồm 3 thành phần chính: nữ ca sĩ (được gọi là "đào" hay "ca nương") vừa hát vừa sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp, nhạc công nam giới (được gọi là "kép") chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát, người thưởng ngoạn (được gọi là "quan viên", thường là tác giả bài hát) đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống.
Hình ảnh này do hoạ sĩ Xuan Le vẽ. Anh được mọi người biết đến như một họa sĩ tự do với nét vẽ và màu sắc rất dễ thương, cuốn hút.
Trong lời giới thiệu của mình, Google cho biết: "Hôm nay, Google Doodle kỷ niệm Ngày Giỗ tổ Ca Trù, để tôn vinh một thể loại từng có thời gian là thể loại nhạc truyền thống được tôn sùng nhất của Việt Nam. Âm thanh độc đáo của Ca trù có nguồn gốc từ thế kỷ 11, với một phong cách có nét giống như giữa các nghi lễ geisha của Nhật Bản và các màn trình diễn kịch của vở opera. Đầu tiên, nó trở nên phổ biến như là trò giải trí cho giới quý tộc trong hoàng cung, sau đó đi vào không gian chung của Hà Nội thời hiện đại".
Cũng theo lời giới thiệu nay, Ca trù có sự hồi sinh gần đây do nỗ lực tập trung từ các tổ chức nhà nước và các cơ quan quốc tế. Bảo tồn Ca trù khó nắm bắt do một phần là quy định nghiêm ngặt về truyền miệng và chỉ được truyền qua một học viên ưu tú cho thế hệ tiếp theo sau nhiều năm nghiên cứu.
Qua việc tôn vinh này, Google cũng mong muốn nâng cao nhận thức và sự quan tâm của công chúng đối với những nghệ thuật dân gian truyền thống đang có nguy cơ biến mất, nhắc nhở thế hệ trẻ luôn nhớ về cội nguồn. Google cũng muốn khuyến khích thế hệ trẻ khám phá nền văn hóa nghệ thuật truyền thống với các di sản phong phú của Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, nghệ thuật Ca trù đang từng bước được bảo tồn tốt hơn. Những câu lạc bộ Ca trù ra đời để dạy miễn phí, truyền lại nghệ thuật này cho giới trẻ.
Ca trù còn gọi nôm na là Hát cô đầu, Hát nhà trò là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Năm 1976, Giáo sư Trần Văn Khê thu âm tiếng hát của nghệ nhân Quách Thị Hồ và tiếng đàn Đáy của nghệ nhân Đinh Khắc Ban giới thiệu ra thế giới. Năm 1978, Hội đồng Âm nhạc quốc tế của UNESCO trao bằng danh dự cho nghệ nhân Quách Thị Hồ, người có công bảo tồn âm nhạc có giá trị cao.
Năm 2006, Viện Âm nhạc hoàn thiện hồ sơ Hát Ca trù người Việt, sau khi nghiên cứu, thu thập thông tin, tài liệu, ghi âm các nghệ nhân trên 14 tỉnh thành. Vào khoảng thời gian này, những nghệ nhân Ca trù đủ sức khỏe đàn hát được chỉ còn khoảng 12 người sống rải rác ở 14 tỉnh thành.
Ngày 1/10/2009, Ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Thời điểm này, hồ sơ Ca trù được UNESCO đánh giá: "Ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Những giáo phường này đã duy trì các cộng đồng có quan hệ mật thiết, tạo nên nét đặc trưng cho Ca trù. Mặc dù trải qua nhiều biến động lịch sử, xã hội nhưng Ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị của nghệ thuật đối với văn hóa Việt Nam".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin