Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Sắc phục người Thái ngày Tết

11:58, 04/02/2011
Khi đàn chim én bay liệng về đón làn gió ấm mùa xuân, khi hoa đào, hoa mận nở bừng trong các thung lũng, bản làng, cũng là thời điểm các cô gái vùng cao mặc những bộ váy áo với trang sức thật đẹp, rộn rã cùng nhau đến những lễ hội xuân để gặp gỡ và vui chơi. Người Thái – huyện Quỳ Châu cũng có trang phục dành riêng cho lễ tết.

 

  
   

Sinh ra và lớn lên tại bản Hốc, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu, chị Lữ Thị Hương đã được tham gia nhiều hội xuân của bản. Vì thế, ngay ngày đầu tiên của năm mới, chị lại chọn cho mình bộ váy áo Thái, chiếc khăn Piêu và đồ trang sức đẹp nhất đi vui chơi hội xuân với mọi người. Đây cũng là trang phục truyền thống mà con gái dân tộc Thái mặc vào những ngày lễ, ngày hội hay có việc trọng đại của bản làng. Chị Hương tâm sự với chúng tôi: mặc dù đã lớn tuổi nhưng chị vẫn rất háo hức khi mặc trang phục thổ của dân tộc mình trong dịp lễ tết.

 

Trái với ngày thường, trong ngày lễ tết, phụ nữ Thái nếu không ăn mặc đẹp sẽ bị chê cười là lười biếng vì sẽ bị liên tưởng là không biết trồng bông, dệt vải, thêu thùa. Vì vậy, dịp Tết, dịp lễ hội, họ mặc lên mình những bộ trang phục đẹp nhất, cầu kỳ nhất. Váy áo được chị em phụ nữ Thái dệt bằng bàn tay khéo léo, cẩn thận của mình. Người Thái còn quan niệm, mặc đẹp trong những ngày này không phải cho mình mà là đẹp cho cả cộng đồng và để đón chào một năm mới no đủ, hạnh phúc. Điều này thể hiện nếp sống văn hóa của người Thái và mối quan hệ bền chặt giữa trang phục với cuộc sống của cộng đồng. Trên những bộ váy áo thổ cẩm đã thể hiện được màu xanh của cây cối, màu vàng, trắng, hồng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Các hoa văn được tạo hình độc đáo, xử lý màu sắc tinh tế, hài hòa khiến trang phục người Thái Quỳ Châu có vẻ đẹp rất riêng. Tính cách và tuổi tác cũng được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm của người Thái. Với những thiếu nữ đang yêu thì yêu thích những gam màu sáng. Còn những người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm, về những đường nét rắn rỏi và đậm nét suy tư.

 

Ngoài váy áo thổ cẩm, chiếc khăn Piêu dùng để đội trên đầu cũng là một loại y phục, đồ trang sức độc đáo của người phụ nữ Thái. Khăn piêu thường được dệt bằng vải bông, nhuộm chàm đen, kích thước dài khoảng 1,2m, rộng 30cm. Trên hai đầu khăn được thêu và trang trí hoa văn rất đẹp, tinh tế, với màu sắc sặc sỡ, tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Thái. Trong những ngày lễ, hội chiếc khăn Piêu cũng trở thành vật trao duyên của đôi trai gái. Bà Lộc Thị Nhất chia sẻ: với vai trò là một người mẹ, người phụ nữ trong gia đình thì bà mong muốn các con cháu tự thêu các sản phẩm thổ cẩm để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

 

Sắc màu của váy áo thổ cẩm, của trang sức hoà lẫn sắc màu của thiên nhiên đã thể hiện nét độc đáo rất riêng của vùng đất Quỳ Châu vào mỗi dịp xuân về. Nét đẹp và chiều sâu văn hoá ẩn chứa trong mỗi nụ cười của con người vùng cao, trên mỗi trang sức mà họ mang trên người. Tất cả đều đáng tự hào bởi đó là biểu tượng của văn hoá Thái. Nó chứng tỏ, bài học về bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái vẫn còn nguyên giá trị.

 

(Như Trang)