Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bánh thờ ngày tết của người Thái huyện Quỳ Châu

12:01, 01/02/2011
Trong ngày tết cổ truyền, bà con dân tộc Thái ở Qùy Châu không thể thiếu trong mâm cúng gia tiên các loại bánh đặc sắc của dân tộc mình bới nó chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc.

 

Bánh cúng tết của người Thái ở Qùy Châu có 5 loại, gồm: Bánh “tôm pê”, bánh “Tôm hom”, bánh “hau quai”, bánh “còn tụ”, bánh “phắc vánh”. Mỗi chiếc bánh đều mang một ý nghĩa khác nhau, bánh được làm ra thổi vào đó là cả mong ước năm mới an lành, hạnh phúc.

 

Bánh “tôm pê” giống như một chiếc túi, hình bánh vuông nhưng người dân tộc Thái cho rằng bánh “tôm pê” tượng trưng cho chiếc gùi của phụ nữ thường gùi thóc gạo. Vì vậy, bánh “tôm pê” mang ý nghĩa sẽ nhiều thóc gạo được gùi về, cuộc sống no ấm.

 

Bánh “phắc đạp” (tượng trưng cho kiếm), bánh “phắc vánh” (tượng trưng cho dao) hình cũng tương tự nhau nhưng bánh “phắc đạp” nhỏ mà dài hơn. Dao và kiếm là 2 vật dụng quan trọng của nam giới vào rừng, bánh mang ý nghĩa năm mới sẽ có nhiều điều may nắm, cũng như dao và kiếm tiếp thêm sức mạnh trong sản xuất.

 

Bánh “còn tụ” giống như gậy cho nên được người dân cúng để làm gậy cho ông cố đi lại ban phát hạnh phúc cho con cháu trong gia đình và chăm nom, gìn giữ của cải.

 

Bánh “sừng trâu” hình giống sừng của con trâu, bánh quan trọng nhất ở mâm cúng thần trâu, nhằm cúng cho thần trâu chăm lo giữ gìn vật nuôi trong gia đình nhất là trâu bò, đây là tài sản quý giá của gia đình.

 

Bánh tết thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên, với ông bà cha mẹ. Những chiếc bánh chưng xanh căng tròn, vuông vức, muốn nói rằng, năm qua gia đình làm ăn phát đạt, có nếp thơm làm bánh cho mâm cúng ngày tết.  Ông Lô Văn Hội ở bản Chạng, xã Châu Thuận cho biết: Các loại bánh được làm từ nếp đen và nếp trắng. Bên cạnh đó, mâm cúng còn có các loại cá, hò moọc và có thêm gà hoặc thịt lợn tùy theo từng gia đình. Khi dọn mâm xong thì cả nhà đến đặt lên bàn thờ, khi cúng xong cả nhà đều nếm các món trong mâm để lấy lộc đầu xuân của tổ tiên ban phát, cho gia đình con cháu sang năm mới làm ăn phát đạt.

 

Ông Vi Ngọc Duyên – Chủ tịch UBND xã Châu Thuận cho biết thêm: Cứ sang tháng chạp, gia đình người Thái đều chuẩn bị các lễ vật trong mâm cúng ngày tết. Trong mâm cúng không thể thiếu được các loại bánh thờ thần trâu, có tôm hòm, tôm còn tú, phắc đạp, bánh làm từ gạo đen, gạo tắng để cúng tổ tiên…

 

Tự thân mỗi chiếc bánh trong ngày tết của đồng bào Thái Qùy Châu đã có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Đó là, thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Những chiếc bánh trong ngày tết như nhắc nhở con cháu  phải sống tốt đẹp hơn, mỗi thành viên phải biết vun vén, biết chăm lo cho hạnh phúc gia đình và xã hội.

 

(Bế Vinh)