Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An nâng cao công tác quản lý di tích – danh thắng

10:17, 02/06/2011
Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, gọi chung là di tích - danh thắng, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Đặc biệt, các di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng còn là những trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều di tích mang tầm quốc gia, do đó, việc tổ chức tốt các hoạt động quản lý, bảo vệ

 

Theo Luật di sản văn hoá, các di tích được phân loại gồm: Di tích lịch sử - văn hoá, Di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ Di tích thắng cảnh. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đề cao vai trò, vị trí của di sản văn hóa trong đời sống xã hội, nhằm giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc, nhất là trong thời kỳ hội nhập sâu cùng thế giới như hiện nay. Bên cạnh ý nghĩa về mặt VH-LS, di tích, di sản văn hoá còn có sự gắn bó chặt chẽ với du lịch và vì thế có thể nói, vai trò của di tích, di sản VH trong thời kỳ hội nhập còn là 1 ngành kinh tế phi công nghiệp.

 

Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có gần 1.395 di tích, trong đó có 219 di tích được xếp hạng với 123 di tích cấp quốc gia, 96 di tích cấp tỉnh với những địa chỉ văn hoá đặc biệt như khu di tích Kim Liên, di tích khu mộ bà Hoàng Thị Loan, di tích cụ Phan Bội Châu, di tích Lê Hồng Phong… Thời gian qua, công tác quản lý di tích trên địa bàn Nghệ An đã được đẩy mạnh, góp phần phát huy giá trị di tích và nâng cao chất lượng trùng tu, tôn tạo di tích và tăng cường  XHH bảo vệ di sản văn hoá.

 

Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn sau khi được trùng tu, tôn tạo

 

Hệ thống di tích - danh thắng Nghệ An phong phú và đa dạng, từ di tích khảo cổ, di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, cách mạng, danh nhân, di tích - danh thắng. Trải qua biến thiên của lịch sử, nhiều di tích đã bị mai một xuống cấp hoặc chỉ còn là phế tích do sự tàn phá của thời gian, của thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh và của cả con người. Trong thời gian qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và nhà nước, nhiều di tích được nhân dân và chính quyền địa phương bảo vệ và tôn tạo chu đáo. Tiêu biểu có di tích đền Cuông, đền Cờn, đền thờ và miếu mộ Mai Hắc Đế, đền Quả Sơn, đền Bạch Mã, khu di tích Kim Liên…

 

Nhằm nâng cao công tác quản lý di tích và nâng cao chất lượng các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An đã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác quản lý di tích, gắn trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể ở huyện, xã trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tích cực kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cũng như phát huy trách nhiệm giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án trong quá trình bảo quản, tu bổ.

 

Hàng năm, ngoài ngân sách của TƯ, riêng ngân sách tỉnh trích 500 triệu đồng cho công tác chống xuống cấp di tích trên địa bàn toàn tỉnh. Do kinh phí có hạn nên chủ yếu xét duyệt ưu tiên cho những di tích xuống cấp nghiêm trọng, còn lại hầu như chỉ là sửa chữa nhỏ. Vì vậy, nhiều địa phương xác định, việc bảo tồn, tôn tạo các di tích trước hết là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân nơi có di tích. Một trong những huyện đầu tiên của tỉnh có nghị quyết dành ngân sách cho việc trùng tu, tôn tạo di tích là Thanh Chương. Mặc dù là địa phương còn gặp nhiều khó khăn nhưng hàng năm huyện vẫn trích ngân sách phân bổ về cho các địa phương để tôn tạo di tích. Bên cạnh đó, từ nguồn tiền công đức, lòng hảo tâm của nhân dân mà nhiều địa phương đã bảo vệ, tôn tạo di tích ngày càng tốt hơn. Nhờ vậy, thời gian qua, Thanh Chương là huyện có số lượng di tích trở thành phế tích ít nhất tỉnh và số di tích được xếp hạng các cấp ngày càng phát huy tác dụng.

 

Cũng với cách làm như huyện Thanh Chương, trong năm 2009, huyện Quỳnh Lưu cũng trích ngân sách 200 triệu đồng dành cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn. Công tác xã hội hóa đã vận động trùng tu bảo tồn di tích mang lại nhiều kết quả khả quan, được đông đảo bà con nhân dân trong và ngoài nước nhiệt tình hưởng ứng. Vì vậy, bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư qua chương trình chống xuống cấp di tích của Bộ Văn hóa - Thông tin; bằng tuyên truyền vận động của ngành, nhân dân đã đầu tư hàng ngàn ngày công, nhiều cá nhân đóng góp hàng tỷ đồng cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích.

 

Bên cạnh việc phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền rộng rãi về giá trị của di tích, lý do bảo quản, ngành VH-TT&DL có chủ trương trước khi triển khai, tu bổ, phục dựng di tích đều công khai nội dung dự án tu bổ di tích để nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến. Từ đó, công tác tu bổ, phục dựng luôn nhận được sự thống nhất từ nhân dân, đồng thời nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội về việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

 

Bên cạnh đó, hoạt động xã hội hoá không ngừng được đẩy mạnh đã góp phần đắc lực trong việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo lại các di tích. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân đã ủng hộ, đóng góp hàng tỷ, hàng trăm triệu đồng để bảo tồn, phục dựng lại các di tích. Nhiều di tích xuống cấp hoặc có nguy cơ tiêu vong nay đã khang trang, đẹp đẽ hơn, thu hút đông đảo nhân dân tới tham quan, là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tâm linh cho nhân dân và du khách gần xa. Điển hình như Đền Cả ở xã Nhân Thành – Yên Thành, Đình Làng Thượng xã Hạnh Lâm – Thanh Chương, Đình Đông Viên ở xã Nam Phúc –Nam Đàn...

 

Có thể thấy, với những giải pháp phù hợp và sự chỉ đạo tích cực, thời gian qua, công tác quản lý di tích trên địa bàn Nghệ An đã đạt nhiều nhiều kết quả. Việc xây dựng quy hoạch tu bổ, tôn tạo, phân cấp quản lý cho từng địa phương đã góp phần thực hiện tốt công tác trùng tu, tôn tạo, giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích danh thắng, mở rộng du lịch và giao lưu văn hoá.

 

Bên cạnh đó, thực hiện quy chế quản lý, bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh, việc khôi phục, phát triển các lễ hội truyền thống quy mô vùng tại các di tích tiêu biểu, hình thành các tua du lịch theo địa chỉ di tích - danh thắng cũng được đẩy mạnh. Các lễ hội được khôi phục tiêu biểu như lễ hội đền Cuông, đền Mai Hắc Đế, đền Cờn, đền Vạn Lộc, Hang Bua, Quả Sơn... Nhiều di tích được đầu tư tôn tạo lớn: đền thờ và miếu mộ Mai Hắc Đế, di tích Phan Bội Châu, Bảo tàng Quỳ Châu, Khu di tích Kim Liên, khu mộ bà Hoàng Thị Loan, đền thờ Nguyễn Xí…

 

Thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh, Sở VH-TT&DL Nghệ An đã tiến hành khảo sát, kiểm tra và phân loại các di tích danh thắng, từ đó, xây dựng phương án và tham mưu cho UBND tỉnh về công tác bảo tồn bảo tàng di tích kịp thời, đúng hướng trong thời kỳ mới. Đồng thời, ngành đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, Quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích và các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản khi triển khai các dự án tu bổ di tích.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải nhìn nhận một số tồn tại hiện nay là việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích danh thắng ở Nghệ An còn chưa được như mong muốn. Số di tích bị sức tàn phá của thời gian để thành phế tích còn nhiều. Nhân dân tuy có ý thức tôn tạo, bảo vệ, khai thác các giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống từ hệ thống di tích, song việc đầu tư cho hoạt động này chưa thỏa đáng. Công tác quản lý và hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích tại một số địa phương chưa được chặt chẽ, có nơi buông lỏng… Hệ thống nhà truyền thống cấp huyện và một số xã tiêu biểu chưa được quan tâm xây dựng đúng mức. Đặc biệt là đội ngũ làm công tác di tích ở cơ sở đã được bồi dưỡng nghiệp vụ nhưng trình độ vẫn còn bất cập so với yêu cầu. Một số nơi tu bổ hoặc sơn thếp di tích chưa tuân theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và tu bổ di tích... làm ảnh hưởng đến việc gìn giữ yếu tố gốc và tính tâm linh của di tích.

 

Có thể nói, di tích là những kết tinh, quy tụ của quá trình phát triển lịch sử, văn hoá một dân tộc. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần, có giá trị truyền thống mà trong thời kỳ hội nhập còn là mũi nhọn kinh tế thúc đẩy sự phát triển của địa phương, của quốc gia. Chính vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý di tích không chỉ nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy tác dụng di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh, mà còn để góp phần giữ gìn giá trị truyền thống và bản sắc văn hoá xứ Nghệ cho thế hệ mai sau trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay.

 

(Việt Anh)