Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

VHNT Nghệ An: Thiếu cây viết trẻ

08:53, 12/08/2015

(truyenhinhnghean.vn) Cùng với những nhà văn tên tuổi, những cây đại thụ trong nền văn học thì để đảm bảo tính kế thừa, tiếp nối luôn rất cần những cây viết trẻ nhằm mang đến hơi thở mới, luồng gió mới cho đời sống văn học. Với một Hội nghề nghiệp, việc bổ sung lực lượng trẻ để tăng thêm sức mạnh của Hội cũng là một câu chuyện đáng được quan tâm, đáng bàn ở Hội văn học nghệ

Nhà thơ Mai Chiên – Giáo viên trường Cao đẳng VHNT Nghệ An, một trong những cây viết trẻ đang được đánh giá cao tại Nghệ An thời gian gần đây đã ra 2 tập thơ và được công chúng ghi nhận, Mai Chiên đang được xem là thế hệ hệ kế cận cho nền văn học nghệ thuật Nghệ An đang bị già hoá hiện nay.

Mai Chiên đến với thơ ca khi đã khá ổn định về cuộc sống nhưng đã sớm định hình phong cách thơ ngay từ những bài thơ đầu tiên. Mai Chiên tâm sự: Trước khi sáng tác, tôi dành nhiều thời gian cho viện nghiên cứu, đọc sách, nuôi dưỡng cảm xúc để khi đến với thơ, cảm xúc ấy thực sự được khai phóng.

35 tuổi, thế nhưng với nền văn học nghệ thuật Nghệ An, những người như Mai Chiên được xem là trẻ. Và hiện nay, những cây bút trẻ như cô thì không phải là nhiều. Có thể kể đến một số cái tên đang được chú ý hiện nay như: nhà văn Nguyên Vũ; Lý Thu Thảo, Nguyễn Thị Luyến; Nhà văn Kha Thường - mảng đề tài văn học miền núi; mảng phê bình lý luận văn học: cô giáo Lê Hồ Quang, thầy giáo Lê Thanh Nga… Thế nhưng, tất cả họ đều đã ngoài 35. Và con số đó chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng số hội viên Hội văn học nghệ thuật Nghệ An hiện nay.

Nhà văn Nguyễn Thị Phước - Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Nghệ An nói: Việc phát hiện và bồi dưỡng các cây bút trẻ là việc khó đối với các Hội VHNT trên toàn quốc. Trước sự phát triển của CNTT, của các trang mạng xã hội nên thời gian dành cho văn chương của giới trẻ nói chung ngày càng phai nhạt. Các cây bút trẻ nhiều khi phải lo toan nhiều chuyện khác, bị phân tán thời gian nên sự đắm đuối  cho văn chương ít đi.

(Ảnh minh hoạ)

Làm sao để trẻ hoá đội ngũ nhà văn, từng bước trẻ hoá nền văn học thì đang là câu chuyện đầy trăn trở của nhiều thế hệ đàn anh, đàn chị. Ở đây chưa vội bàn đến chất lượng tác phẩm, vì nó phụ thuộc vào tài năng người cầm bút. Mà tài năng thì không liên quan nhiều đến yếu tố tuổi tác. Tuy nhiên, nếu có nhiều người cầm bút trẻ tham gia hội thì sức sáng tạo, đam mê, nhiệt tình đi và viết chắc chắn sẽ sung sức hơn.

Nhà văn Nguyễn Thế Quang: Lao động sáng tạo VHNT cực nhọc nhất nhưng cũng thú vị nhé. Một điều rất trăn trở, đó là tìm được người trẻ hiện nay toàn tâm toàn ý cho VHNT là rất hiếm. Chúng tôi luôn mong muốn được trao đổi với các cây viết trẻ như những đồng nghiệp nhưng quá khó!

PGS - Tiến sỹ Phan Huy Dũng, Phó trưởng Khoa sư phạm Ngữ văn - ĐH Vinh cho rằng: Khi đọc các sáng tác văn học của lớp trẻ, tôi cảm nhận thấy, những cây viết này quá ham đua vào tốc độ, cách ghi chép và nhận định là quá vội vàng, thiếu chiều sâu, sự nghiền ngẫm, cảm giác không được nuôi lớn. Tất nhiên những điều này khó có thể đòi hỏi ở họ nhưng cứ theo đà này, không có sự định hướng thì sau này, những tác phẩm của họ cứ sẽ trôi tuột theo và không hề có giá trị.  

Câu chuyện trẻ hoá nền văn học không chỉ dừng lại ở việc bổ sung đội ngũ nhà văn trẻ mà còn là vấn đề văn hoá, vấn đề kế thừa, tiếp nối truyền thống, trong đó có mạch nguồn văn hóa xứ Nghệ trong làng văn học nghệ thuật hiện nay.

(Cẩm Thuỳ - Chu Quý)