Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thờ cá Ông - phong tục đẹp của người vùng biển

11:09, 24/01/2017

Dọc theo tuyến biển Diễn Châu, nhiều làng có miếu, hoặc lăng thờ cá Ông (tức tục thờ cá Voi). Đây được xem là nét tiêu biểu đặc trưng nhất của văn hoá cư dân miền biển Diễn Châu được truyền từ đời này qua đời khác. Đến các vùng biển Diễn Châu vào dịp tết đến, xuân về, mọi người sẽ cảm nhận được rõ nhất nét văn hóa độc đáo này.

Bà con ngư dân xã Diễn Ngọc đến với miếu cá ông dịp cuối năm
Bà con ngư dân xã Diễn Ngọc đến với miếu cá ông dịp cuối năm

Với quan niệm khi gặp cá Ông chết và dạt vào bờ, ngư dân nơi đây xem đó là điềm lành, là phúc đến, bởi mảnh đất này được thần cá chọn làm nơi yên nghỉ, được thần cá tin tưởng phó thác việc an táng.

Theo kinh nghiệm của bà con ngư dân, mỗi lần có cá Ông dạt vào bờ thì bà con đánh bắt thuận lợi, ra khơi vào lộng an toàn. Vì vậy, trong những ngày cận kề bước sang năm mới, tại 3 lăng thờ cá Ông tại bờ biển Diễn Thịnh được người dân trang hoàng, sửa sang, quét lại sơn thêm phần tôn kính.

Không chỉ bà con ngư dân Diễn Thịnh mà rất nhiều ngư dân trong huyện về đây bày đồ lễ hương đăng, hoa quả cúng Ngư Ông. Anh Phạm Việt Long – người dân xóm 2, Diễn Thịnh khi đến tạ lễ tại Lăng cá ông cho biết: Diễn Thịnh đã có 4 cá voi dạt vào bờ biển, trong đó, 1 con được nhân dân cứu sống trở về biển, còn 3 con chết được xây lăng thớ cúng chu đáo. Theo kinh nghiệm thì năm nào có cá mà về thì nghề được hơn, vạn chài ở trong huyện đến thắp hương coi như đó là vị thánh thần.

Chị Hoàng Thị Hương chia sẻ: Cuối năm đến nay tạ ơn ngư ông đã che chở,phù hộ cho một năm chống con ra khơi an toàn, cuộc sống ấm no.

Những bộ xương khổng lồ của cá ông vẫn được bà con lưu giữ cẩn thận tại miếu
Những bộ xương khổng lồ của cá ông vẫn được bà con lưu giữ cẩn thận tại miếu

Người dân Diễn Ngọc ngày nay vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện huyền bí thiêng liêng về cá Ông với những điềm báo mộng và che chở cho con người trên biển như huyền thoại giữa đời thường. Năm 1984, một người dân địa phương ra khơi vớt được con cá Ông khá lớn, trên mình còn có chữ nho và những hàng tóc rất lạ, ngư dân đã đưa về và cùng bà con ở đây lập miếu thờ phụng.

Miếu thờ Ngư ông ở xã Diễn Ngọc được ngư dân dựng lên, nằm ngay sát cửa sông Lạch Vạn nhìn ra biển. Và cứ thế theo thời gian, bà con ngư dân đã mang về miếu đến hơn chục bộ cốt cá Ông. Để rồi mỗi người dân trước khi bước lên tàu ra biển, họ đều sắm lễ vật, dâng nén nhang thành kính kêu lên các vị Thần hộ mạng, cầu mong cho thần linh giúp sóng yên biển lặng, mùa cá bội thu. Sau khi về, lại mua lễ vật, đến miếu thờ cá Ông để trả lễ biết ơn. Đến với miếu cá

Ông ngày cuối năm, ngư dân Nguyễn Văn Chính – xóm Ngọc Văn, Diễn Ngọc cho hay: Cá voi mà về thì không thấy bão gió, cuối năm chúng tôi đến thắp hương cầu cho một năm làm ăn thắng lợi, đánh bắt được mùa, lăm ăn may mắn.

Những câu chuyện huyền bí thiêng liêng về cá Ông được bà con ngư dân truyền tụng tại Miếu thờ
Những câu chuyện huyền bí thiêng liêng về cá Ông được bà con ngư dân truyền tụng tại Miếu thờ

Huyện Diễn Châu có 6 miếu, lăng mộ cá Ông trải dọc các xã ven biển, tập trung chủ yếu ở các xã Diễn Thịnh, Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Kim. Mỗi nơi đều gắn với một câu chuyện, giá trị lịch sử, có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân. Để tỏ lòng thành kính đối với cá Ông, hằng năm vào các dịp đầu năm mới, ngư dân vùng biển Diễn Ngọc đều tổ chức lễ hội cầu ngư một cách trang trọng, mang đậm chất tâm linh với mong muốn cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt đạt năng suất cao. Đây còn là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương gần gũi nhau hơn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Vận – Phó chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc: Lễ cầu ngư hàng năm tại đền của xã, trong quá trình tổ chức đều được cán bộ, nhân dân, các chủ tàu thuyền họ đồng tình ủng hộ. Lễ cầu ngư diễn ra trong 2 ngày, là động lực rất lớn để ngư dân vượt qua rủi ro, đem lại sự may mắn.

Phong tục thờ cúng cá Ông đã thể hiện sự tri ân, khát vọng no đủ, thanh bình của ngư dân Diễn Châu. Nét sinh hoạt truyền thống tốt đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh đã làm cho không khí vui xuân đón tết của bà con vùng biển Diễn Châu thêm vui tươi, giàu ý nghĩa.

(Mai Giang)