Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bão số 9 đi vào 14 tỉnh từ Quảng Nam đến Vũng Tàu và Tây Nguyên

18:49, 22/11/2018

Dự kiến khả năng cao, đêm và sáng 24/11, bão số 9 sẽ vào bờ với cường độ cấp 9-10, giật cấp 12, ảnh hưởng nghiêm trọng tới 14 tỉnh, thành.

Theo dự báo xa của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vị trí vùng tâm bão sẽ đổ bộ trong khoảng Nha Trang-Bình Thuận và vùng gió mạnh sẽ trải dài từ Bình Định trở vào.
 
Kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 24-26/11, có mưa rất lớn từ khu vực Đà Nẵng-Bình Thuận-Nam Tây Nguyên, với lượng mưa trung bình dự kiến 300-500mm, có nơi trên 600mm.
Ảnh mây vệ tinh.
Ảnh mây vệ tinh.
Tất cả các vùng núi đều có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Các vùng đô thị, vùng trũng ven sông có nguy cơ ngập lụt cao. Tại Nam Trung Bộ, thủy triều đang ở mức cao. Đỉnh triều rơi vào khoảng 20-23h. Cơn bão số 9 được dự báo đổ bộ vào bờ lúc rạng sáng, do đó, thời gian đỉnh triều vào đêm hôm trước đến khi bão vào lúc sáng sớm sẽ gây nguy cơ ngập lụt cao nửa đêm và sáng ở các khu vực ven biển.
 
Kiên quyết cưỡng chế di dời đảm bảo tính mạng người dân
 
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến ứng phó với áp thấp nhiệt đới-bão diễn ra sáng 22/11, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khu vực vừa hứng chịu những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng từ hoàn lưu bão số 8, khẳng định bên cạnh nỗ lực khắc phục hậu quả và hỗ trợ người dân sau đợt bão vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đang khẩn trương có biện pháp đối phó với cơn bão số 9 sắp tới.
 
Trước đó, cơn bão số 8 với lượng mưa lớn khiến địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Có 19 người chết, 28 người bị thương, một người còn mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị sập, hư hại và 4 tàu chìm, nhiều tuyến đường sạt lở…
 
Theo ông Vinh, hiện trên địa bàn có hơn 900 địa điểm xung yếu, cần phải sơ tán 2.800 dân, ngoài ra có 41.000 lồng bè với 8.000 dân cần sơ tán.
 
“Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến, căn cứ phương án của tỉnh, của huyện, của xã, để chỉ đạo quyết liệt người dân di dời, sơ tán người dân khỏi các khu vực xung yếu trước khi thiên tai xảy ra. Đặc biệt, tại các vị trí dễ bị lũ quét, sạt lở đất, các khu vực nuôi trồng thủy sản lồng bè trên biển. Kiên quyết cưỡng chế những hộ dân không chịu di dời, sơ tán và tăng cường kiểm tra không để người dân trở lại vùng nguy hiểm”, ông Vinh nhấn mạnh.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết tỉnh cũng đã có phương án sơ tán, di dời để đảm bảo an toàn tại  37 điểm xung yếu, dễ sạt lở trên toàn tỉnh.
14 tỉnh theo dõi sát sao tình hình bão số 9
 
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 9 di chuyển chậm (10km/h) và liên tục mạnh lên. Bộ trưởng NN&PTNT - Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, cơn bão số 9 sắp đổ bộ vào đất liền mang theo mưa lớn, với trọng tâm đi vào 14 tỉnh từ Quảng Nam đến Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, lũ quét, sạt lở dễ xảy ra ở khu vực 9 tỉnh từ Quảng Nam đến Vũng Tàu, Tây Nguyên.
 
Theo đại diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, qua rà soát tại 9 tỉnh từ Quảng Nam đến Vũng Tàu có khoảng 29.000 tàu cá đang đánh bắt. Trên khu vực này có 27 điểm neo đậu tàu thuyền nhưng chỉ đáp ứng được 76% nhu cầu nên tàu thuyền phải đậu nơi khác.
 
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh rà soát lại các phương án 4 tại chỗ, tích cực quyết liệt hơn nữa để ứng phó với bão số 9 sắp tới.
 
Tại TP HCM, UBND thành phố đã họp và triệu tập lãnh đạo các quận huyện, trong đó chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm để chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, tổ chức sơ tán, di dời dân, gia cố nhà cửa và đặc biệt là các công trình đang thi công.
 
Thành phố đang theo dõi chặt chẽ diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp để ban hành ngay lệnh cấm tàu thuyền ra khơi… Các khu vực nuôi trồng thủy sản tại TP HCM đã được thông báo và người dân sẽ được di dời  khi cần thiết./.
Theo VOV