Y tế

Khó đạt miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc sẽ làm gì sau Zero Covid-19?

16:22, 03/11/2021
 Sự xuất hiện của những biến thể có khả năng lây nhiễm cao như Delta khiến mục tiêu miễn dịch cộng động và trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch vẫn nằm ngoài tầm với. Trong khi nhiều nước đã lựa chọn sống chung với dịch bệnh, Trung Quốc vẫn kiên định chiến lược loại bỏ Covid-19.

Khi các loại vaccine ngừa Covid-19 bắt đầu được sử dụng ở Trung Quốc đầu năm nay, người ta hy vọng đã tìm ra con đường thoát khỏi đại dịch. Một khi có đủ số người được tiêm vaccine và đạt được miễn dịch cộng đồng, các đợt bùng phát dịch sẽ được hạn chế và đất nước có thể mở cửa trở lại an toàn với thế giới.

Hiện tại khoảng 76% dân số Trung Quốc đã được tiêm chủng đầy đủ, nhưng miễn dịch cộng đồng – cùng với hy vọng về việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch và mở cửa biên giới – vẫn nằm ngoài tầm với. 

Trong khi nhiều nước đã lựa chọn sống chung với dịch bệnh, Trung Quốc vẫn kiên định chiến lược loại bỏ Covid-19. Ảnh: Reuters
Trong khi nhiều nước đã lựa chọn sống chung với dịch bệnh, Trung Quốc vẫn kiên định chiến lược loại bỏ Covid-19. Ảnh: Reuters

Do virus đột biến và có khả năng lây lan cao hơn, chương trình tiêm chủng được mở rộng cho các nhóm trẻ nhỏ tuổi hơn và việc tiêm mũi tăng cường cũng được đề xuất trong bối cảnh hiệu quả bảo vệ của vaccine sẽ suy giảm sau 6 tháng.

Các biện pháp chặt chẽ như kiểm dịch, cách ly xét nghiệm diện rộng và truy vết tiếp xúc vẫn được áp dụng nhanh chóng ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên về sự bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng.

Biến thể Delta thách thức mục tiêu miễn dịch cộng đồng

Trung Quốc vẫn chưa chính thức đặt ra tỷ lệ tiêm chủng cụ thể để đạt miễn dịch cộng đồng, mặc dù một số chuyên gia nước này nói rằng cần phải có 80-85% dân số tiêm chủng đầy đủ mới đạt được mục tiêu này.

“Với một biến thể có khả năng lây lan cao như Delta, tôi không nghĩ miễn dịch cộng đồng là khả thi với các loại vaccine hiện có. Những người chưa tiêm chủng không nên dựa vào sự bảo vệ của miễn dịch cộng đồng”, Tiến sỹ Jeff Kwong, chuyên gia về dịch tễ học tại Đại học Torronto cho biết.

“Ngay cả những người đã tiêm chủng vẫn có thể mắc bệnh và mục tiêu đặt ra là phần lớn nhóm này chỉ có các triệu chứng vừa phải, không trở thành gánh nặng cho các bệnh viện khi họ mắc Covid-19”, ông Kwong nói thêm.

Miễn dịch cộng đồng trước một dịch bệnh lây nhiễm chỉ đạt được khi có đủ số người có cơ chế miễn dịch với dịch bệnh đó, thông qua tiêm chủng hoặc đã từng mắc bệnh, và ngưỡng miễn dịch cộng đồng của chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu ước tính là 70%.

Tuy nhiên, các biến thể mới như Delta đã làm thay đổi tỷ lệ này.

Delta là biến thể nổi trội hiện nay, có thể khiến nhiều người lây nhiễm hơn so với chủng virus gốc ban đầu. Một số người từng nhiễm chủng virus ban đầu vẫn có thể nhiễm tới 3 biến thể khác. Với biến thể có khả năng lây lan cao như Delta, con số này có thể lên tới 6. Điều này có nghĩa là cần phải có tỷ lệ dân số lớn hơn được tiêm chủng và ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng cũng bị đẩy lên cao hơn.

Ashley St John, giáo sư liên kết tại Trường y khoa Duke-NUS nói rằng, trên thực tế, tỷ lệ tiêm chủng đủ cao để đạt miễn dịch cộng đồng khó có thể đạt được.

“Tỷ lệ tiêm chủng trên 85-90% sẽ gần hơn với các kỳ vọng của chúng ta về giảm thiểu nguy cơ lây lan. Điều này có thể khó đạt được ở một số nơi do những rào cản như do dự tiêm vaccine, nhưng đó vẫn là mục tiêu của chúng ta”, giáo sư St John nói.

Tiêm chủng cho trẻ em là chìa khóa?

Việc đạt được miễn dịch cộng đồng có thể phụ thuộc vào nhóm người có nguy cơ có tiêm chủng hay không. Nhóm này bao gồm cả trẻ em, nhóm có ít có nguy cơ bị bệnh nặng hơn nhưng vẫn có thể lây truyền virus.

Hầu hết các nước bắt đầu chiến dịch tiêm chủng với các nhân viên y tế, người già, người cao tuổi, trong khi những người trẻ hơn vẫn chưa phải là đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng. Theo bà Penelope Ward, tại Khoa Y Dược và là giáo sư thỉnh giảng tại King College London, điều này khiến các mục tiêu kể trên càng khó đạt được hơn.

“Trẻ em dưới 12 tuổi vẫn chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng ở hầu hết các nước và việc tiêm chủng đối với thanh thiếu niên cũng rất khác nhau. Do đó, chưa nước nào đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng có thể giảm nguy cơ lây lan, ngay cả với chủng virus ban đầu chứ chưa nói đến các biến thể lây nhiễm cao hơn như Delta”, bà Ward giải thích.

Ở những nước trẻ em dưới 12 tuổi chiếm từ 15% dân số, miễn dịch cộng đồng là không thể đạt được cho đến khi nhóm này được tiêm chủng hoặc có được miễn dịch tự nhiên do đã mắc bệnh.

Tại Trung Quốc, 91% trẻ em 12-17 tuổi đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Nhóm trẻ em 3-11 tuổi cũng trở thành nhóm đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng và hiện đang được đề nghị tiêm vacicne ở hơn 12 tỉnh. Nhóm này chiếm khoảng 20% dân số Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự kết hợp giữa một biến thể có khả năng lây nhiễm cao và cơ chế miễn dịch suy giảm khiến việc đạt được miễn dịch cộng đồng trở nên khó khăn hơn, theo giáo sư Ward.

Khi nào Trung Quốc từ bỏ Zero Covid-19?

Dù không đạt được miễn dịch cộng đồng, một số nước từng theo đuổi chiến lược Zero Covid-19 (đưa số ca mắc Covid-19 về 0) đã lựa chọn một hướng đi khác và đặt ra các kế hoạch mở cửa trở lại biên giới.

New Zealand theo đuổi chiến lược Zero Covid-19 gần 2 năm nhưng tháng trước đã đặt mục tiêu nới lỏng các biện pháp hạn chế khi 90% dân số đủ điều kiện (những người trên 12 tuổi) được tiêm chủng đầy đủ. Nước này đã bắt đầu mở cửa với một số quốc đảo Thái Bình Dương mà không cần kiểm dịch từ tháng 10. Việc cho phép những người đến từ những nước có nguy cơ thấp nhập cảnh vào New Zealand cũng sẽ được xem xét vào đầu năm 2022.

Nước láng giềng Australia cũng thực hiện các bước đi dần mở cửa biên giới trở lại sau khi đã tiêm chủng cho gần 80% dân số đủ điều kiện.

Singapore, quốc gia cũng từng theo đuổi chiến lược loại bỏ Covid-19, đã quyết định chuyển hướng sang “sống chung với Covid-19”, đưa Covid-19 trở thành dịch bệnh đặc hữu khi hơn 77% sân số nước này được tiêm chủng hồi tháng 8 vừa qua.

Trung Quốc hiện vẫn chưa có kế hoạch tương tự. Thay vào đó, các quan chức cấp cao nhiều lần nhấn mạnh rằng chiến lược “ngăn chặn bùng phát dịch do các ca nhập cảnh” phải được thực hiện chặt chẽ, các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát cũng chưa thể được nới lỏng.

Cơ quan ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc tháng trước nói rằng bất cứ sự thay đổi chính sách nào về việc mở cửa trở lại cũng cần phải dựa trên “diễn biến dịch Covid-19 và tình hình tiêm chủng”.

“Tôi nghĩ một quyết định như vậy cần phải dựa trên việc có đủ tỷ lệ dân số miễn dịch, có thể nhờ tiêm chủng hoặc đã từng mắc bệnh. Như vậy các cơ sở y tế sẽ không bị quá tải nếu tất cả những người chưa có cơ chế miễn dịch mắc bệnh”, giáo sư Kwong tại Đại học Toronto nói.

Tháng 10 vừa qua, ông Zheng Zhongwei, một quan chức cấp cao tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết nước này sẽ không từ bỏ chính sách loại bỏ Covid-19 cho đến khi chắc chắn có thể ngăn ngừa dịch bùng phát.

Giáo sư Leo Poon Lit-man tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Hong Kong cho biết, Zero Covid-19 sẽ không được áp dụng “mãi mãi”, nhưng một chiến lược như vậy có thể giúp kéo dài thời gian để Trung Quốc đại lục và Hong Kong tìm ra cách chuyển sang giai đoạn tiếp theo của đại dịch.

“Nếu bạn không kiểm soát virus, nó sẽ lây lan và rất nhiều người sẽ phải nhập viện và cần chăm sóc đặc biệt. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ y tế cho những người này. Đó là một sự đánh đổi”, giáo sư Poon nói.

“Nó có thể giúp chúng tôi có thời gian để tiêm chủng cho nhiều người nhất có thể và để chúng tôi có được thuốc kháng virus hiệu quả - loại thuốc có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh hoặc ngăn ngừa nguy cơ tử vong, hoặc có thể là các chiến lược tốt hơn để kiểm soát Covid-19. Cuối cùng chúng tôi có thể nghĩ ra một cách rất hiệu quả, nhưng chắc chắn sẽ mất một thời gian nhất định”, ông Poon cho biết thêm./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện