Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế kiến nghị cho bệnh nhân COVID-19 (F0) không có triệu chứng, đã tiêm đủ hai mũi vaccine chỉ phải cách ly tại khu cách ly hoặc bệnh viện (BV) bảy ngày thay vì 14 ngày như trước.
Kiến nghị này xuất phát từ thực tế, từ khi áp dụng hướng dẫn chẩn đoán điều trị do Bộ Y tế ban hành ngày 6-10, đặc biệt sử dụng thuốc Molnupiravir kháng virus, đã có nhiều F0 hoàn toàn không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và mất hẳn các triệu chứng chỉ sau một tuần cách ly, có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Phù hợp thực tiễn phòng và trị bệnh
Đến nay, toàn TP đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên với mũi 1 đạt hơn 99% và mũi 2 đạt 83%. Còn đối với trẻ em 12-17 tuổi, mũi 1 đạt 95% và dự kiến tiêm mũi 2 vào tuần cuối tháng 11.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bày tỏ ủng hộ quan điểm và kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly F0 của TP.HCM.
PGS-TS Nguyễn Huy Nga cho rằng với người mắc COVID-19 đã tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19, xét nghiệm tải lượng virus SARS-CoV-2, thể hiện qua chỉ số CT thấp có thể giảm thời gian cách ly xuống còn bảy ngày.
Với F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ sau một tuần điều trị hầu như đã không còn hoặc chỉ còn rất ít nguy cơ lây nhiễm, thậm chí có thể đã khỏi bệnh.
Xét trên thế giới cũng như tại TP.HCM mấy tháng qua, F0 điều trị tại nhà và sử dụng thuốc kháng virus đã rất quen thuộc. Phần lớn F0 này đều đã khỏi bệnh mà không gặp phải triệu chứng nặng nào đáng kể.
“Thực tế, các F0 không có triệu chứng điều trị tại nhà đến ngày thứ ba, thứ tư đã cho kết quả âm tính, muộn nhất là ngày thứ bảy. Khi đó bệnh nhân gần như đã khỏi bệnh, nếu bắt họ ở lại khu cách ly sẽ bất tiện. Vì vậy để F0 không có triệu chứng cách ly bảy ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe, tuân thủ các giải pháp 5K sẽ hợp lý và rất hiệu quả” - ông Nga nói.
“Để việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà và giảm thời gian cách ly hiệu quả cần bổ sung và chuẩn bị đầy đủ thuốc kháng virus Molnupiravir. Vì thế, nếu người bệnh được sử dụng thuốc Molnupiravir, thời gian khỏi bệnh sẽ nhanh hơn” - PGS-TS Nga cho hay.
Nhân viên Trạm y tế lưu động đến tận nhà thăm khám cho người mắc COVID-19 tại phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM. |
Phải chú ý các dấu hiệu hô hấp bất thường
BS Nguyễn Hoàng Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, lưu ý không riêng gì các F0 kết thúc thời gian cách ly phải theo dõi sức khỏe mà tất cả người dân đều phải chú ý các dấu hiệu bệnh hô hấp bất thường để làm xét nghiệm, phát hiện bệnh sớm, tránh nguy cơ lây lan dịch.Cần thiết để giảm tải cho cơ sở cách ly và điều trị
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho rằng việc TP.HCM xem xét đề xuất rút ngắn thời gian cách ly bệnh nhân F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đã tiêm đủ hai mũi vaccine xuống còn bảy ngày phù hợp với bối cảnh TP.HCM xác định thích ứng với dịch, hơn 80% dân số đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo BS Hùng, việc rút ngắn thời gian cách ly tập trung không còn xa lạ, hiện Indonesia và một số nước Đông Nam Á cũng quy định chỉ cách ly tập trung bảy ngày, người bệnh không còn triệu chứng lâm sàng như sốt, sổ mũi thì được cho về. Indonesia thậm chí còn không xét nghiệm lại đối với những trường hợp này trước khi cho về.
BS Hùng cho biết theo các nghiên cứu khoa học, khi không còn triệu chứng, tải lượng virus của người bệnh thấp, bệnh nhân F0 hết triệu chứng lâm sàng ba ngày rất ít có nguy cơ lây bệnh, người xung quanh nếu được tiêm ngừa đầy đủ thì khả năng lây lan bệnh hoặc mắc bệnh nặng cũng thấp hơn.
BS Phạm Gia Thế, phụ trách BV dã chiến số 3 (TP Thủ Đức), cho biết hiện BV còn lực lượng nhân sự khá mỏng đang duy trì điều trị COVID-19 cho 400-500 bệnh nhân, thay vì công suất trước đây có thể điều trị hơn 2.500 bệnh nhân.
BS Thế đồng tình với xu thế khuyến khích F0 cách ly, điều trị tại nhà hoặc rút ngắn thời gian cách ly tập trung sẽ góp phần giúp giảm quá tải cho các cơ sở cách ly và BV vì nhân sự đang rút dần.
BS Thế cho biết theo ghi nhận thực tế ở BV dã chiến số 3, các bệnh nhân không triệu chứng và đã được tiêm hai mũi vaccine có chỉ số CT (nồng độ virus) không quá thấp (chỉ số CT càng thấp, lây nhiễm càng cao), khả năng lây lan virus ra môi trường rất thấp. Có những bệnh nhân không triệu chứng dù xét nghiệm còn dương tính nhưng không lây virus cho người khác, có khả năng đó chỉ là xác virus hoặc có những trường hợp dương tính kéo dài cũng có khả năng lây bệnh rất thấp, điển hình một bệnh nhân người Anh có 45 lần xét nghiệm vẫn dương tính dù không có triệu chứng.
BS Nguyễn Hoàng Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, cho biết khu cách ly tập trung của quận đang quản lý nhiều ca F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Qua theo dõi, các F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, đã tiêm hai mũi vaccine, sau khi được cho uống thuốc kháng virus thì 2-3 ngày sau đã có kết quả âm tính, ăn uống ngon miệng như người bình thường. Như vậy, nếu sau bảy ngày uống thuốc điều trị mà người bệnh không còn triệu chứng, có kết quả xét nghiệm test nhanh âm tính thì hầu như không có khả năng lây bệnh.
Các đối tượng không đủ điều kiện cách ly tại nhà thường là người lao động, công nhân xí nghiệp. Việc rút ngắn thời gian cách ly đối với các trường hợp này tạo điều kiện cho họ trở lại công việc sản xuất sớm nhất, đồng thời giúp các y bác sĩ dành thời gian tập trung theo dõi, chăm sóc các ca bệnh có triệu chứng.
Mang lại lợi ích cho cả ngân sách, đơn vị và tổ chức PGS-TS Nguyễn Huy Nga cho rằng thời gian cách ly, điều trị ngắn sẽ khiến tâm lý người bệnh bớt nặng nề, bệnh nhân sẽ thoải mái tư tưởng hơn và từ đó dễ khỏi bệnh. Bên cạnh đó, PGS-TS Nga cho rằng nếu giảm thời gian cách ly F0 xuống còn bảy ngày sẽ mang lại lợi ích cho cả ngân sách và đơn vị, tổ chức. Chính sách này sẽ mang đến nhiều tác động tích cực cho công tác phòng chống dịch.
|
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin