Y tế

Tầm soát di chứng hậu Covid-19 có thể là "mảnh đất màu mỡ" để trục lợi

16:46, 10/02/2022
Nếu chưa có quy định rõ ràng về tầm soát di chứng hậu Covid-19, đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để một số người lợi dụng", bác sĩ Phạm Thanh Việt bày tỏ.

Ngày 9/2, Sở Y tế TP.HCM có văn bản chấn chỉnh tình trạng loạn giá dịch vụ khám và tầm soát di chứng hậu Covid-19. Trong khi đó, giới chuyên môn lo ngại hơn về việc lạm dụng các chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng, có thể ảnh hưởng sức khỏe và tốn kém không cần thiết cho người bệnh.

Theo tìm hiểu của Zing về gói khám tầm soát di chứng hậu Covid-19, một số bệnh viện, phòng khám "chào mời" nên mua gói khám hậu Covid-19 để có giá thành rẻ hơn khi thực hiện dịch vụ lẻ.

"Hiện tại, chúng tôi có chương trình giảm giá. Khuyến khích người bệnh nên cân nhắc mua theo gói vì giá sẽ rẻ hơn các dịch vụ lẻ", nhân viên tư vấn online của một bệnh viện nói.

Thực tế, sau làn sóng bùng phát dịch Covid-19 hồi tháng 7-10/2021, tình trạng F0 khỏi bệnh gặp các vấn đề Covid-19 kéo dài tăng cao. Các chuyên gia trong nước về thế giới cũng nhìn nhận hậu Covid-19 là vấn đề thực tế của xã hội sau đại dịch.

Từ một vài khoa điều trị hậu Covid-19 tại bệnh viện công lập và Trung ương đóng tại TP.HCM, các cơ sở quảng cáo dịch vụ điều trị hậu Covid-19 bắt đầu nở rộ khắp cả nước với nhiều gói dịch vụ, giá thành từ vài trăm đến vài triệu đồng.

Không được lạm dụng chỉ định cận lâm sàng

Trao đổi với Zing tối 9/2, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc loạn giá khám hậu Covid-19, lãnh đạo sở lập tức nhắc nhở các đơn vị, đề nghị không lạm dụng xét nghiệm mà cần thực hiện chỉ định để phục vụ cho việc chẩn đoán.

PGS.TS Phùng Thế Nguyên, Trưởng khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cũng nhận định rằng khi tâm lý người dân hoang mang do vấn đề hậu Covid-19, tình trạng lạm dụng các chỉ định và dịch vụ không cần thiết rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, việc chỉ định này phải thực hiện theo tùy tình trạng bệnh lý của người đến khám.

Người bệnh đến khám di chứng hậu Covid-19 tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Người bệnh đến khám di chứng hậu Covid-19 tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết việc chỉ định người bệnh thực hiện các cận lâm sàng như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... dựa vào nhiều yếu tố tình trạng khi mắc Covid-19, mức độ tổn thương, triệu chứng hậu nhiễm.

Nếu người bệnh có triệu chứng cụ thể, khám như bệnh lý thông thường, bảo hiểm y tế sẽ thanh toán theo quy định.

"Khi tâm lý người dân hoang mang do vấn đề hậu Covid-19, tình trạng lạm dụng các chỉ định và dịch vụ không cần thiết rất dễ xảy ra" - PGS.TS Phùng Thế Nguyên, Trưởng khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết.

Trường hợp bị tổn thương nhưng không biểu hiện ra bên ngoài và cần tầm soát, theo quy định hiện tại, bảo hiểm y tế lại không chi trả cho việc tầm soát bệnh.

"Nếu chưa có quy định rõ ràng về tầm soát di chứng hậu Covid-19, đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để một số người lợi dụng", bác sĩ Việt chia sẻ.

Một chuyên gia khác cũng nêu ý kiến người có biểu hiện ở cơ quan nào thì nên đến khám ở chuyên khoa đó. Điều này giúp người bệnh được khám chuyên sâu, hiệu quả hơn, tránh tình trạng lạm dụng chẩn đoán cận lâm sàng để tận thu, vừa gây lãng phí cho bệnh nhân, vừa ảnh hưởng sức khỏe không cần thiết.

Nhiều trường hợp điều trị hậu Covid-19 không cần dùng thuốc

ThS.BS Nguyễn Hải Công, Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi kiêm Trưởng phòng khám di chứng hậu Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), cho biết tại đơn vị này, mỗi ngày có khoảng 45 bệnh nhân đến khám do rối loạn hậu Covid-19.

Các vấn đề mà người bệnh khám hậu Covid-19 thường gặp nhiều nhất là rối loạn phổi, hô hấp, tâm thần kinh, tim mạch và cơ xương khớp. Bên cạnh trường hợp có triệu chứng nặng, cần cấp cứu và nhập viện, nhiều người có biểu hiện nhẹ hơn như mất ngủ, đau đầu, rối loạn tập trung.

"Có những người đến khám với tâm lý rất lo lắng, căng thẳng khi đọc các thông tin về di chứng hậu Covid-19 nặng" - ThS.BS Nguyễn Hải Công nói.

Bác sĩ Công cho biết có những bệnh nhân đến khám không cần dùng thuốc, mà chỉ cần nhân viên y tế hướng dẫn điều chỉnh chế độ ăn, vận động, tập luyện phục hồi. Các triệu chứng, rối loạn nhẹ có thể phục hồi theo thời gian.

"Có những người đến khám với tâm lý rất lo lắng, căng thẳng khi đọc các thông tin về di chứng hậu Covid-19 nặng. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn và lý giải, nhiều người đã giải tỏa tâm lý tốt hơn. Lo âu là tâm lý khi xuất viện triệu chứng bất thường hậu Covid-19. Khi đó, người bệnh nên đến khám để được tư vấn, chăm sóc đúng", bác sĩ Công chia sẻ.

Ông cũng cho biết hiện nay, nhiều bệnh viện tại TP.HCM và trực thuộc bộ, ngành đã có phòng khám hậu Covid-19. Tại đây, bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định cần thiết để đánh giá đúng, đủ tình trạng bệnh lý cho người bệnh.

"Các chỉ định xét nghiệm với bệnh nhân hậu Covid-19 được thực hiện nếu bác sĩ cần thông tin về xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, để được khám và điều trị tốt nhất, người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, thay vì nghe quảng cáo và đến những nơi kém chất lượng", bác sĩ Công khuyến cáo.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện