Y tế

Lý do Covid thường tấn công thận

08:15, 08/03/2022
Ngoài phổi và đường hô hấp, thận là mục tiêu tấn công của nCoV, làm tổn thương các tế bào, gây đông máu khiến thận bị viêm, dẫn đến suy thận nhanh chóng.

Theo bác sĩ Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, khi tấn công cơ thể người, nCoV thường tập trung ở vùng hầu họng từ đó đi vào phổi, gắn với thụ thể (protein) ACE 2 và đi khắp cơ thể. Thận là nơi thụ thể ACE 2 nhiều nhất, nên là mục tiêu tấn công của nCoV.

nCoV bám vào thành ống thận, màng cầu thận và tấn công trực tiếp các tế bào thận. Chúng làm phổi bị tổn thương, gây thiếu oxy cho các cơ quan, bao gồm cả thận. Khi vào cơ thể, virus kích hoạt phản ứng viêm gây ra "cơn bão cytokine" phá hủy thận và các cơ quan nội tạng khác. Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng khác của Covid-19 lên sức khỏe của thận chính là gây đông máu thận, khiến cho thận bị viêm, dẫn đến suy thận nhanh chóng, thậm chí phải lọc máu.

Biểu hiện tổn thương thận do Covid-19 thể hiện qua tình trạng tổn thương thận cấp (tổn thương thận do ly giải cơ vân); bệnh cầu thận gồm tiểu máu (do bệnh lý đông máu, viêm thận, phá vỡ hàng rào cầu thận) hay tiểu đạm (do tổn thương tế bào nội mô, màng đáy cầu thận, chân giả...); bệnh thận mạn khi chức năng thận càng giảm thì tình trạng tăng nồng độ cytokine tiền viêm và monocyte viêm càng nặng.

Một bệnh nhân đang được chăm sóc tích cực. Những người mắc Covid-19 càng nặng thì nguy cơ gặp di chứng càng nhiều.
Một bệnh nhân đang được chăm sóc tích cực. Những người mắc Covid-19 càng nặng thì nguy cơ gặp di chứng càng nhiều.

Thận là bộ phận đặc biệt quan trọng của cơ thể. Mỗi ngày, thận người trưởng thành phải hoạt động liên tục để lọc khoảng 180-200 lít máu, tương đương 1,5-2 lít máu mỗi phút. Theo sinh lý bình thường, khi bước vào độ tuổi 40-50 là lúc thận bắt đầu suy giảm chức năng. Trong trường hợp người bị mắc Covid-19, dù có hay không có bệnh thận trước đây thì thận cũng bị ảnh hưởng. "Bệnh nhân Covid có thể không có triệu chứng rõ ràng, nhiều trường hợp thận đã bị tổn thương nghiêm trọng", bác sĩ Dung nói.

Bà cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau khi mắc Covid-19, F0 dù không có biểu hiện nặng, protein của virus đã xuất hiện trong nước tiểu. Kiểm tra máu của một số người tử vong do Covid-19 phát hiện kháng nguyên tích tụ trong tế bào biểu mô thận. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet, theo dõi hơn 70.000 người tại 302 bệnh viện ở Anh, biến chứng phổ biến nhất hậu Covid-19 là tổn thương thận. Tình trạng này ảnh hưởng đến 1/4 bệnh nhân Covid-19 thể nặng.

Tổn thương thận ít khi được nhận biết và thường không thể nhận biết bằng mắt thường, mà cần phải thông qua các kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu... Do đó, bác sĩ Dung khuyến cáo người bệnh nên quan tâm kiểm tra chức năng thận thường xuyên hơn, như khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Người không có tiền sử bệnh thận, 3-6 tháng nên kiểm tra chức năng thận một lần. Nếu có bệnh thận nền, người bệnh nên kiểm tra chức năng thận hàng tháng.

Người có bệnh thận và F0 sau khi khỏi phải tích cực theo dõi sức khỏe của thận. Những bất thường liên quan tới thận - niệu, như tiểu đỏ, tiểu bọt, sưng phù chân, tay, mặt, thậm chí là toàn thân; hoặc khi có kết quả xét nghiệm máu hay nước tiểu có bất thường như tăng BUN (chỉ số xét nghiệm ure máu), độ thanh thải creatinin, xuất hiện đạm - hồng cầu...

"Người bệnh, bao gồm cả người bệnh thận hậu Covid-19, không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào lan truyền trên mạng, trong dân và cả toa thuốc của người khác để tránh làm thận bị tổn thương do những tác dụng phụ không mong muốn", bác sĩ Dung nói.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện