Y tế

Những tiêu chí để COVID-19 trở thành bệnh lưu hành

07:11, 10/03/2022
 Biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cơ bản là 5K đến thời điểm này vẫn "giữ nguyên giá trị hiệu quả". Giới chuyên gia cho rằng, ý thức bảo vệ bản thân trước tiên của người dân sẽ giúp phòng dịch hiệu quả, bên cạnh chiến dịch tiêm vaccine.

Chưa phải đỉnh dịch

Từ đầu tháng 3/2022, Việt Nam ghi nhận trung bình hơn 140.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày. Trong đó, Hà Nội vẫn dẫn đầu về số ca mắc trên cả nước và liên tục có những kỷ lục mới về số ca ghi nhận trong ngày. 

Đánh giá diễn biến dịch hiện nay, các chuyên gia cho biết, dịch bệnh vẫn đang lây lan mạnh ở các thành phố lớn và số ca bệnh được công bố chỉ là phần nhỏ so với thực tế vì nhiều người mắc không khai báo. Do vậy, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cơ bản như 5K đến thời điểm này vẫn luôn "giữ nguyên giá trị hiệu quả".

Thực tế, khi có ngày càng nhiều F0 không triệu chứng sẽ sinh tâm lý chủ quan và dễ mang mầm bệnh lây nhiễm cho nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, khiến hệ thống y tế quá tải và tỷ lệ tử vong tăng cao. Theo dự báo, dịch tại Việt Nam vẫn chưa lên tới đỉnh, do số ca mắc vẫn tiếp tục tăng cao không ngừng.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá: "Với bệnh tật, người dân không thể chủ quan, không thể đùa với sức khỏe, tính mạng của mình; phải nghiêm túc phòng dịch, nguyên tắc 5K vẫn phải thực hiện, bởi không ai biết được mình có bệnh nền gì, không ai biết được nếu bị nhiễm thì sẽ diễn biến thế nào, liệu có mắc không triệu chứng nặng hay bị tử vong không… Chúng ta không nên chủ quan, bởi bệnh có thể từ người trẻ khỏe mắc không triệu chứng nhưng khi lây sang người nhà, người ốm yếu sẽ rất nguy hiểm".

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, hiện nay, điều đáng quan tâm nhất là tỷ lệ tử vong và sức chịu đựng của hệ thống y tế. Cùng với đó, Bộ Y tế cần đổi mới và cập nhật khuyến cáo, đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn để các cơ quan y tế hoạt động hỗ trợ người bệnh hiệu quả trong điều kiện nhân lực mỏng và quá tải. 

"Cơ bản hiện nay, người dân có thể tự test và tự theo dõi sức khỏe. Các bệnh viện hiện chưa đến mức quá tải vì người dân chủ yếu điều trị tại nhà. Người bệnh chỉ cần nhập viện khi triệu chứng trở nặng và nguy hiểm. Chúng ta xác định sống chung với dịch và tập trung chăm sóc y tế cho những người bệnh có triệu chứng hoặc diễn biến nặng. Dần dần, chúng ta tiến tới coi COVID-19 như bệnh đặc hữu, như cúm, sởi…”, PGS.TS Huy Nga nhấn mạnh.

Tiêu chí để COVID-19 trở thành bệnh lưu hành

Để COVID-19 trở thành bệnh lưu hành, phải có những tiêu chí nhất định như: Số ca mắc và tử vong ổn định hằng năm; Khả năng đáp ứng của hệ thống y tế; Tính miễn dịch cộng đồng (mắc tự nhiên, tiêm chủng); Tâm lý người dân đã chấp nhận bệnh như là bệnh thường trực...

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: "Chúng ta không thể cản được sự lây nhiễm mà chỉ kiểm soát tốc độ lây chậm lại, chấp nhận có lúc số mắc cao nhưng không để chuyển nặng, không quá tải hệ thống y tế. Hiện vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh thông thường vì dịch vẫn diễn biến bất thường, có khả năng xuất hiện biến chủng, chưa kiểm soát được số mắc ổn định, hệ thống y tế vẫn có nguy cơ quá tải... Nhưng trong thời gian nữa, nó cũng có thể là bệnh lưu hành".

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 là đại dịch và quan ngại về khả năng tiếp tục có thêm các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. WHO dự báo, biến chủng Omicron đang lây lan rất nhanh nên năm 2022 tình hình dịch còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, Omicron có tốc độ lây lan gấp 2 lần so với chủng Delta và gấp 5 lần so với chủng ban đầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. Theo đó, việc F0, F1 không triệu chứng vẫn đi làm và tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ là điều bình thường. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, vẫn cần phải có điều kiện đi kèm chứ không thả nổi, như kiểm soát chặt yêu cầu đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

F0 đi làm phải là người không có triệu chứng, không có bệnh nền. Việc này cũng cần có các quy định cụ thể, phù hợp, kết hợp truyền thông giáo dục, hướng dẫn đi trước cho người dân và các cơ quan, tổ chức để đảm bảo F0 đi làm tập thể vẫn an toàn, xã hội vẫn an toàn trước đại dịch./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện