Y tế

Triệu chứng có thể gặp ở 70% bệnh nhân ung thư

07:44, 28/03/2022
Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, triệu chứng này ảnh hưởng từ 5 đến 7 người trong số 10 bệnh nhân ung thư.

Các triệu chứng ung thư thường không xuất hiện đột ngột mà diễn ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Nâng cao nhận thức về các dấu hiệu cảnh báo bệnh rất quan trọng vì phát hiện sớm sẽ đem đến kết quả điều trị tốt hơn.

Một số triệu chứng chỉ xảy ra ở một loại ung thư nhất định. Bên cạnh đó, có những biểu hiện phổ biến ở các loại ung thư khác nhau, chẳng hạn như chứng khó thở.

Đó là khi bạn không nhận đủ oxy và phổi phải cố gắng hút nhiều không khí hơn để bù đắp. 

(Ảnh minh họa: Safarmedical)
(Ảnh minh họa: Safarmedical)

Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, 50 tới 70% bệnh nhân ung thư khó thở vào một thời điểm nào đó trong thời gian bị bệnh. Con số này tăng lên tới 90% đối với những người mắc ung thư phổi giai đoạn cuối.

Bạn có nhiều khả năng gặp vấn đề về hô hấp nếu bị ung thư phổi, u trung biểu mô, ung thư đã di căn đến phổi.

Hụt hơi có thể rất khó chịu và đáng sợ vì dễ khiến bạn lo lắng và hoảng sợ. Điều này thường khiến bạn khó thở hơn. Những người bị ung thư có thể khó thở vì nhiều lý do khác nhau nên bác sĩ cần tìm nguyên nhân để có phương pháp điều trị phù hợp.

Các triệu chứng chung của nhiều loại ung thư:

- Mệt mỏi

- Sờ thấy khối u hoặc vùng dày lên dưới da

- Thay đổi cân nặng, bao gồm cả giảm hoặc tăng ngoài ý muốn

- Thay đổi trên da, như vàng da, sạm đen hoặc đỏ da, vết loét không lành hoặc nốt ruồi có biến đổi

- Thói quen đi vệ sinh thay đổi

- Ho không ngừng

- Khó nuốt

- Khàn tiếng

- Khó tiêu hoặc khó chịu dai dẳng sau khi ăn

- Đau cơ hoặc khớp kéo dài

- Sốt lâu, không rõ nguyên nhân hoặc đổ mồ hôi ban đêm

- Chảy máu hoặc bầm tím không rõ nguyên nhân.

Cách giảm nguy cơ

Thực hiện một số thay đổi đơn giản trong lối sống có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư.

Khoảng 1/3 số ca ung thư phổ biến nhất có thể ngăn ngừa bằng cách ăn uống lành mạnh, giữ cân nặng hợp lý và năng động hơn. Theo cơ quan y tế, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ giúp giảm nguy cơ ung thư ruột.

Trong một số nghiên cứu, thịt đỏ và thịt đã qua chế biến có liên quan đến nguy cơ ung thư ruột và tuyến tiền liệt cao hơn.

Các loại thịt đỏ bao gồm thịt bò, lợn, cừu và bê. Các loại thịt đã qua chế biến bao gồm xúc xích, thịt xông khói, thịt đóng hộp.

Nhiều nghiên cứu ghi nhận hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ ung thư.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện