Thạc sĩ Võ Tuấn Linh, Phó Khoa Xét nghiệm Chẩn đoán hình ảnh Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết tải lượng virus là số lượng virus có trong máu hay dịch tiết của người bệnh. Tải lượng cao có nghĩa là số lượng virus nhiều, đang nhân lên và khả năng lây truyền cao. Tải lượng virus cao thấp trong xét nghiệm Covid-19 thường được biết thông qua giá trị CT của RT-PCR.
Trong đó, giá trị CT được gọi là giá trị chu kỳ ngưỡng trong xét nghiệm sinh học phân tử, là số chu kỳ mà máy xét nghiệm mới phát hiện được sự có mặt của vật chất di truyền của virus. Giá trị càng CT càng cao thì số lượng virus trong mẫu xét nghiệm càng thấp, khả năng lây truyền càng giảm.
Trong quá trình mắc Covid-19 và điều trị tại nhà đối với F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, tải lượng virus trong cơ thể tăng lên và sau đó giảm đi theo diễn biến bệnh tự nhiên của virus.
Các giai đoạn của diễn biến bệnh Covid-19 và tải lượng virus. Ảnh: HCDC |
Các giai đoạn diễn tiến bệnh phản ánh tải lượng virus gây bệnh Covid-19 như sau:
Giai đoạn phơi nhiễm: Người bệnh mới tiếp xúc với virus. Giai đoạn này xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ không thể phát hiện. Thời gian của giai đoạn này có thể 24-48 giờ kể tính từ lúc tiếp xúc với mầm bệnh.
Giai đoạn ủ bệnh: Virus đã bắt đầu xuất hiện trong dịch tiết mũi họng, xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể phát hiện được. Tải lượng virus tăng dần từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 của bệnh, vạch T của xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ đậm dần lên. Giai đoạn này người bệnh lây nhiễm cho những người xung quanh, bắt đầu thời kỳ lây truyền bệnh.
Giai đoạn lây nhiễm: Khả năng lây lan của virus là cao nhất vào thời điểm ngày thứ 5, thứ 6, vạch T đậm hơn vạch C của xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Giai đoạn này kéo dài đến ngày thứ 10. Tải lượng virus giảm dần từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10. Quan sát kết quả xét nghiệm nhanh thấy vạch T nhạt màu dần so với vạch C.
Giai đoạn hậu lây nhiễm và phục hồi: Sau ngày thứ 10, là giai đoạn mà ngưỡng phát hiện của xét nghiệm nhanh kháng nguyên không phát hiện được virus, đồng nghĩa lúc này người nhiễm không còn khả năng lây lan. Xét nghiệm kháng nguyên nhanh lúc này cho kết quả âm tính.
Tải lượng virus tăng dần được thể hiện qua vạch T của xét nghiệm nhanh kháng nguyên, trong đó vạch T là vạch test thể hiện vạch của người bệnh, vạch C (Control) là vạch chuẩn của test, N (Negative) là kết quả âm tính, P (Positive) là kết quả dương tính. Ảnh: HCDC |
Theo ông Linh, người test nhanh âm tính, xét nghiệm RT-PCR dương tính với CT 31-36 thì không nên hoang mang, lo lắng. Kết quả này cho thấy dương tính do xác của virus và không có khả năng lây lan cho người khác. Người mắc Covid-19 đã khỏe mạnh nhưng xác virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể kéo dài đến hơn ngày thứ 25 hoặc có thể lâu hơn.
Bộ Y tế cuối tháng 1 hướng dẫn F0 điều trị tại nhà kết thúc cách ly khi đã điều trị đủ 7 ngày và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính. Trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm nhanh vẫn còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine. Không cần thiết phải xét nghiệm lại.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin