Y tế

Ngày 15-4, hộ chiếu vắc-xin được cấp đồng loạt trên toàn quốc

18:15, 14/04/2022
Từ ngày 15-4, Bộ Y tế bắt đầu cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân. Nếu các thông tin tiêm chủng thiếu, sai sót người dân sẽ chưa được cấp hộ chiếu vắc-xin.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, ngày 15-4, Bộ Y tế sẽ thực hiện ký tập trung để cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân. Trước đó, từ ngày 8-4, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương thực hiện xác nhận thông tin tiêm chủng bằng chữ ký số. Cơ sở nào nhập dữ liệu mũi tiêm thì chịu trách nhiệm ký duyệt thông tin tiêm chủng.

Biểu mẫu hộ chiếu vắc-xin đã được Bộ Y tế ban hành từ tháng 12-2021 gồm 11 trường thông tin, gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, bệnh dịch, số mũi tiêm, ngày tiêm, liều số, sản phẩm vắc-xin... Thông tin được hiện thị bằng mã QR Code để bảo mật, tránh sai sót lộ, lọt thông tin cá nhân. 

Mẫu hộ chiếu vắc-xin hiển thị trên ứng dụng PC Covid-19 - Ảnh: Bộ Y tế
Mẫu hộ chiếu vắc-xin hiển thị trên ứng dụng PC Covid-19 - Ảnh: Bộ Y tế

Hộ chiếu vắc-xin sử dụng kết hợp với giấy tờ định danh như căn cước, hộ chiếu... Đây là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Châu Âu (EU) ban hành. Hộ chiếu vắc-xin sẽ hiển thị thông tin tiêm loại vắc-xin, số mũi vắc-xin đã tiêm.

Thời hạn của hộ chiếu vắc-xin điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.

Hộ chiếu vắc-xin điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do WHO và EU ban hành, hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.

Theo ông Đỗ Trường Duy, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vắc-xin mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm.

Trong văn bản mới nhất về chuẩn bị tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế bắt buộc 100% cơ sở tiêm chủng triển khai tiêm, nhập dữ liệu đầy đủ, chính xác, thực hiện ký số chứng nhận trên nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19, hoàn thành ngay trong ngày. Với quy định này, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng sẽ được cấp hộ chiếu vắc-xin như đối tượng tiêm chủng vắc-xin Covid-19 khác.

"Người dân sẽ không được cấp hộ chiếu vắc-xin nếu các thông tin tiêm chủng sai sót, thiếu mũi tiêm, ngoài ra không cần thực hiện thêm thủ tục gì khác. Với người dân chưa được cấp hộ chiếu vắc-xin do thiếu, sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn để được bổ sung, cập nhật"- đại diện Bộ Y tế khuyến cáo.

Hộ chiếu vắc-xin được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế bằng cách nhập 4 thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân, ngày tiêm gần nhất, sau đó khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu.

Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành biểu mẫu, quy trình và thực hiện cấp hộ chiếu vắc-xin. Tuy nhiên, để biết hộ chiếu vắc-xin được công nhận và sử dụng ở những quốc gia nào, người dân cần theo dõi thông tin từ Bộ Ngoại giao.

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đến nay cả nước đã tiêm gần 209 triệu liều vắc-xin Covid-19. Tỉ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 1 và mũi 2 là gần 100%, và tỉ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt trên 51%. Đối với người từ 12 đến dưới 19 tuổi, mũi 1 là 99,9% và mũi 2 là 95,3%.

Bộ Ngoại giao cho biết đến nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vắc-xin lẫn nhau với 19 nước. Các nước công nhận hộ chiếu vắc-xin Việt Nam gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.

Người mang hộ chiếu vắc-xin được Việt Nam và các nước công nhận được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vắc-xin ở sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.

Hộ chiếu vắc-xin được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực…

 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện