Hình ảnh về quá trình virus HIV (màu xanh lá cây) lây nhiễm một tế bào miễn dịch. Ảnh: CDC/New Scientist. |
Người đàn ông 53 tuổi, được gọi là "bệnh nhân Dusseldorf", đã dương tính với HIV vào năm 2008. Năm 2011, ông mắc bệnh bạch cầu và đã dùng hóa trị, nhưng bệnh tái phát một năm sau đó, New Scientist đưa tin ngày 20/2.
Vào năm 2013, tế bào gốc tạo máu trong tủy xương, vốn đã bị tiêu diệt do hóa trị, đã được thay bằng tế bào từ người hiến tặng.
Điều đáng chú ý là các bác sĩ phát hiện trong tế bào gốc tạo máu từ người hiến tặng có chứa một đột biến làm vô hiệu hóa thụ thể CCR5 - thứ giúp virus HIV lây nhiễm các tế bào miễn dịch.
Việc cấy ghép đã giúp hệ thống miễn dịch của "bệnh nhân Duseldorf" có thể kháng HIV.
Năm 2017, các bác sĩ đã dừng cho bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch, và dừng hoàn toàn điều trị bằng thuốc kháng virus vào năm 2018. Đến nay, bệnh HIV không tái phát và bệnh nhân trong tình trạng sức khỏe tốt.
"Tôi càng thêm tự hào về đội ngũ bác sĩ đã chữa khỏi bệnh HIV cho tôi, cũng như bệnh bạch cầu", người này nói.
Trước trường hợp của bệnh nhân Dusseldorf, đã có hai người được chữa khỏi HIV khi điều trị ung thư, bằng phương pháp tương tự là cấy ghép tế bào gốc (ở Berlin và London).
Tuy vậy, việc cấy ghép có rủi ro cao, do đó không được áp dụng chỉ để điều trị HIV, mà chỉ được dùng khi điều trị những căn bệnh đe dọa tính mạng, theo Sky News.
Một phương pháp khác đang được nghiên cứu là chỉnh sửa gene, để biến đổi gene CCR5 có trong hệ miễn dịch của những người dương tính với HIV.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin