Virus hợp bào hô hấp RSV (màu xanh) và kháng thể RSV (màu vàng) |
Ngày 7/3, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết một phương pháp điều trị mới đạt hiệu quả 90% trong việc ngăn chặn nguy cơ phải nhập viện ở trẻ sơ sinh do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).
Kết quả nghiên cứu do CDC thực hiện cho thấy thuốc nirsevimab có hiệu quả ngăn chặn nguy cơ nhập viện ở 9/10 trường hợp trẻ sơ sinh nhiễm RSV - virus gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ.
Nghiên cứu trên theo dõi sức khỏe của 685 trẻ sơ sinh phải nhập viện do các bệnh hô hấp cấp tính từ tháng 10/2023 đến hết tháng 2/2024. Đây là dữ liệu công khai đầu tiên về hiệu quả của nirsevimab kể từ khi thuốc bắt đầu được lưu hành vào tháng 8/2023.
Nirsevimab là thuốc kháng thể đơn dòng có thể ngăn ngừa bệnh viêm đường hô hấp dưới do nhiễm virus RSV ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong mùa virus RSV đầu tiên đối với trẻ. Thuốc này được chỉ định sử dụng qua đường tiêm và có thể sử dụng cho trẻ em đến 2 tuổi nếu trẻ có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Trong thông báo, CDC khuyến nghị sử dụng loại thuốc kháng thể này đối với trẻ dưới 8 tháng tuổi mà mẹ chưa tiêm vaccine phòng RSV trong thời kỳ mang thai và trẻ bước vào mùa RSV đầu tiên - kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau tại Mỹ.
Tuy nhiên, CDC Mỹ lưu ý rằng họ đang tiếp tục xem xét phương pháp điều trị và cần nghiên cứu thêm để xác định hiệu quả của loại thuốc này trong suốt mùa RSV.
Hiện ở Mỹ cũng lưu hành vaccine ngừa RSV có tên abrysvo dành cho phụ nữ mang thai từ tuần thứ 32 đến 36.
Dữ liệu của CDC cho biết mỗi năm tại Mỹ, RSV là nguyên nhân khiến khoảng 58.000 đến 80.000 trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện, trong đó khoảng 100-300 trẻ tử vong./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin