Chi tiết ngoài kịch bản
Làm các tác phẩm Truyền hình, việc xây dựng được một kịch bản chi tiết là rất quan trọng. Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp, sự nhạy cảm nghề nghiệp của người phóng viên khi tác nghiệp tại hiện trường, lại đem đến cho tác phẩm những chi tiết, những câu chuyện, hình ảnh thú vị, góp phần rất lớn vào thành công của tác phẩm.
Năm 2012, tôi đang làm Trưởng phòng Chuyên đề thì được Giám đốc Trần Duy Ngoãn yêu cầu cùng anh em phóng viên đi Côn Đảo để thực hiện loạt Ký sự do chính anh Ngoãn viết ý tưởng Kịch bản. Từng nghe về địa danh Côn Đảo, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến hòn đảo thiêng liêng này của Tổ quốc. Bởi vậy, đoàn làm phim chúng tôi ai cũng phấn chấn.
Đạo diễn Trần Ngọc và MC tác nghiệp tại Côn Đảo (Ảnh: Trần Duy Ngoãn) |
Từ thành phố Vũng Tàu, khoảng 6h chiều, chúng tôi cùng vài trăm hành khách lên tàu Côn Đảo 09 để ra Côn Đảo. Suốt đêm hôm đó, anh em chúng tôi hầu nhưng không ai chợp mắt. Ai cũng mong ngóng để đến sáng sớm hôm sau, được lên boong tàu, ngắm Côn Đảo hiện lên trong ánh bình minh giữa biển trời bao la của Tổ quốc. Một cảnh tượng hùng vĩ làm dấy lên những cảm xúc tự hào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Sau ít phút chìm đắm trong suy tư, linh cảm nghề nghiệp mách bảo tôi rằng, đây sẽ là bối cảnh đẹp nhất, ý nghĩa nhất để chúng tôi sẽ sử dụng xuyên suốt trong các tập phim Ký sự Côn Đảo.
Tôi cùng phóng viên Tô Giang và quay phim Hữu Dũng, Hồng Sơn cố len lỏi trong hàng trăm hành khách đổ lên boong tàu tàu ngắm cảnh bình minh , chạy đôn chạy đáo, tìm đủ các góc độ để cố gắng thu vào ống kính những khuôn hình ưng ý, những chia sẻ cảm xúc của những hành khách trên tàu. Từ cảnh mặt trời nhô lên khỏi mặt biển, đỏ ối như một quả cầu lửa, đến cảnh tượng những đàn chim hải âu sải cánh bay dập dờn trên những con sóng. Xa xa, Côn Đảo dần hiện lên như một chú cá voi khổng lồ bơi trên mặt biển dát bạc, dát vàng óng ánh. Tận mắt chứng kiến những cảnh tượng này, mới cảm nhận được sự bao la hùng vĩ của đại dương, vẻ đẹp huyền ảo, như thực như mơ của Côn đảo vốn được mệnh danh là Đảo ngọc. Đây cũng chính là chi tiết ngoài kịch bản đầu tiên mà chúng tôi tận dụng một cách tối đa, để sau này, 9 tập Ký sự Côn Đảo có được những khuôn hình đắt giá.
Phỏng vấn ông Lê Xá - Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo (Ảnh: Trần Duy Ngoãn) |
Một kỷ niệm rất đáng nhớ nữa trong những ngày tác nghiệp ở Côn Đảo, đó là hôm đoàn làm phim chúng tôi đang ghi hình tại di tích trại giam Phú Hải thì tôi được chị Yến, hướng dẫn viên của BQL di tích Côn Đảo giới thiệu một người đàn ông vóc dáng cao gầy, mắt sáng, tuổi ngoài bảy mươi nhưng vẫn còn tinh anh lắm. Ông là cựu tử tù Lê Hồng Tư, một trong 4 thủ lĩnh của phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn xuống đường biểu tình đấu tranh với Mỹ Ngụy những năm 60. Ngày 23/5/1965, ông bị chính quyền Sài Gòn kết án tử hình và đày ra Côn Đảo để chuẩn bị thi hành án. Không khuất phục gông cùm, xiềng xích của kẻ thù, ông đã cùng với các đồng chí của mình tổ chức vượt ngục thành công, trốn về đất liền. Ngày đó, cái tên Lê Hồng Tư được nhắc đến rất nhiều và trở thành một biểu tượng của giới trẻ Việt Nam về tinh thần anh dũng trong đấu tranh cách mạng. Từ Thủ đô Hà Nội năm 1965, một thầy giáo đã lấy tên ông đặt tên cho đứa con gái đầu lòng của mình. Hòa bình lập lại, qua thư từ liên lạc, 2 gia đình kết thân với nhau, và cô gái lê Hồng Tư đã nhận cựu tù Côn Đảo là bố nuôi của mình.
Hôm chúng tôi đến Côn Đảo, cũng là lần đầu tiên, 2 gia đình đưa con cháu ra thăm lại Côn Đảo để được chính ông Lê Hồng Tư kể lại những ngày tháng bị giam cầm, đấu tranh và lần vượt ngục hy hữu của ông. Mừng như bắt được vàng, vì đây là những chi tiết, những câu chuyện đặc biệt thú vị mà trong kịch bản ban đầu không thể nào có được, chúng tôi bám riết lấy cả gia đình ông, cùng theo ông đến tận căn xà lim, nơi ông cùng đồng chí của mình tổ chức vượt ngục, cùng ông và gia đình rảo bước trên con đường Côn Đảo rợp bóng bàng xanh để thấy dược hình ảnh của một Côn Đảo thanh bình hôm nay... Đặc biệt, chúng tôi cũng ghi lại được những giọt nước mắt đầy xúc động của một người chiến sĩ cộng sản, khi được thăm lại, nhớ về những đồng đội của mình đã ngã xuống, hòa tan xương thịt vào đất trời Côn Đảo.
Đoàn làm phim có mặt tại vị trí cao nhất của Côn Đảo (Ảnh: Trần Duy Ngoãn) |
Những chi tiết, những câu chuyện ngoài kịch bản này đã góp phần tạo nên dấu ấn trong lòng khán giả khi xem tập 3 “Ngọn lửa bất diệt” trong seris 9 tập Ký sự Côn Đảo, được NTV, VTV và nhiều Đài PTTH trong cả nước phát sóng. Đây cũng chính là tác phẩm để lại thật nhiều những cảm xúc không thể nào quên trong chặng đường 25 năm làm báo của tôi.
(Trần Ngọc - Phó Giám đốc Đài PTTH Nghệ An)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin