Ùn tắc do sự gia tăng xe cá nhân quá nhiều trên đường phố Hà Nội (Ảnh chụp tháng 6/2021) |
Các phương án sở hữu biển số
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (đơn vị soạn thảo), Bộ Công an cho biết, mục đích của việc thực hiện đề án là phục vụ người dân có nhu cầu sở hữu những biển số mà cá nhân cho là đẹp, phù hợp với mình. Điều này cũng tránh việc có ý kiến cho rằng, đang có sự “đi đêm” hoặc tiêu cực từ cấp biển số xe số đẹp. Cùng với đó, khi cấp biển số xe thông qua đấu giá, sẽ thu về cho ngân sách nhà nước một khoản thu không nhỏ.
Đề án đấu giá biển số Bộ Công an đang xây dựng đưa ra hai phương án chính. Một là biển số phương tiện được cấp sẽ gắn với người sử dụng trọn đời và được xem như là tài sản của người sở hữu; khi bán phương tiện, chủ sở hữu có thể giữ lại biển số, hoặc có thể mua, bán, cho, tặng, thừa kế. Hai là, cho phép đấu giá biển số, nhưng quy định sử dụng biển số giữ nguyên như lâu nay - bán xe không được giữ lại biển số.
Lãnh đạo Cục CSGT cho biết, khi đề án được thông qua, Cục sẽ chọn ra một số tỉnh, thành phố để làm thí điểm. Kho số được công bố công khai trên mạng để người dân biết, lựa chọn. Với những biển số có từ 2 người lựa chọn trở lên sẽ tiến hành đấu giá, người nào trả số tiền cao nhất và đáp ứng các quy định thì sẽ được sở hữu biển số đó. “Toàn bộ việc thực hiện này CSGT sẽ không tham gia mà ủy quyền cho một Công ty đấu giá độc lập đảm nhiệm và thực hiện công khai”, ông Bình nói.
Về lộ trình thực hiện, ông Bình cho biết, biển số xe chưa được xem là tài sản công, do vậy, sau khi dự thảo xây dựng xong và trình Chính phủ xem xét. Sau đó, Chính phủ sẽ đưa ra Quốc hội thảo luận, thông qua. Khi được Quốc hội thông qua, các bộ, ngành liên quan sẽ bổ sung, hoàn thiện các cơ sở pháp lý để việc đấu giá được thực hiện. Nếu các công việc này diễn ra theo đúng lịch trình, việc đấu giá biển số xe sẽ được thực hiện từ năm 2022.
“Giải pháp thép” quản lý, giảm xe cá nhân
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đầu tiên để đấu giá được, phương tiện, vật dụng được đưa ra đấu giá phải được xem là tài sản. Biển số xe hiện nay chưa được xem là tài sản nên rất khó mang ra để đấu giá. Hơn nữa, do đấu giá để sung công quỹ nhà nước thì biển số xe còn phải được xem là tài sản công. Trong khi đó, chưa có luật, quy định nào xem biển số xe là tài sản công.
Hình thức đấu giá biển số xe đã được đưa ra hàng chục năm nay, có một số tỉnh thành như Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An… được CSGT thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, sau đó phải dừng lại do có một số bất cập.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng, tại các thành phố phát triển, việc đấu giá biển số xe đang được xem là “giải pháp thép”, giúp quản lý giao thông và hạn chế xe cá nhân. Theo ông Liên, một số thành phố ở Nhật Bản và Singapore, để hạn chế xe cá nhân gia tăng, giảm ùn tắc, mỗi quý họ chỉ cấp “quota” vài chục nghìn biển số ô tô để đăng ký mới. Trong khi nhu cầu của người dân rất nhiều. Để sòng phẳng, công bằng, họ tổ chức đấu giá, ai đấu được biển số xe mới dám nghĩ đến việc mua xe. Có thể, chi phí cho biển số xe còn cao hơn cả chiếc xe mua mới. “Đây là mục tiêu mà việc đấu giá biển số xe ở Việt Nam cần hướng đến. Cần có giải pháp để ngăn chặn từng bước sự gia tăng của xe cá nhân. Đấu giá biển số xe nếu áp dụng như nước ngoài cũng là giải pháp mang lại hiệu quả cao”, ông Liên nói.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin