Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

La sơn phu tử Nguyễn Thiếp

17:32, 29/03/2011
La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là một người thiên tư sáng suốt, học rộng, hiểu sâu “nhất cử thành danh”. Nhưng vì thế đạo suy vi, nhân tâm phân hoá do cuộc nội chiến kéo dài, ông đã nhất quyết dứt bỏ con đường thi cử, rồi bỏ luôn cả chốn quan trường. Đến khi đất nước bị nạn ngoại xâm, ông tự nguyện đứng ra gây dựng cuộc phục hưng nhưng đành lực bất tòng tâm. Một lần nữa, bậc

 

 

 

 

 La Sơn Phu Tử là tên hiệu mà người đời thường gọi về Nguyễn Thiếp, nhưng ông còn có nhiều tên hiệu, tên tự khác do ông tự đặt, hoặc do người đương thời xưng tặng như: La Giang phu tử, Lam Hồng Dị Nhân, Khải Xuyên, Khải Chuyên, Nguyệt Úc, Lạp Phong cư sĩ, Hạnh Am, Hầu Lục niên, Lục niên Tiên sinh, Điên ẩn, Cuồng ẩn. Ông được người đời coi là bậc thầy hiền sĩ thức thời, danh tiết thanh cao, biết người biết mình, không màng danh lợi. Nguyễn Thiếp sinh năm Quý Mão tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, nay thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông vốn có tên là Nguyễn Minh, nhưng sau vì húy Minh Đô Vương tức Chúa Trịnh Doanh nên mới đổi gọi là Nguyễn Thiếp. Ông sinh trưởng trong một gia đình thuộc dòng dõi vọng tộc, là con cháu Lưu Quận công, cao tổ là Nguyễn Bật Lạng đậu Bảng nhãn triều Lê Thần Tông niên hiệu Thịnh Đức nguyên niên năm 1633. Bên ngoại là họ Nguyễn “Trường Lưu”, một dòng họ khoa bảng nổi tiếng “văn phái Hồng Sơn”.

  

Được sinh trưởng trong một gia đình thuộc hàng vọng tộc ở xứ Nghệ, một nơi có truyền thống lâu đời về khoa bảng và văn học, có nhiều tay chữ xuất chúng là bằng hữu; Nguyễn Thiếp, lúc thiếu thời đã nổi tiếng văn tài lỗi lạc, năm 21 tuổi thi đậu giải Nguyên. Từ đây, ông thề không đi thi nữa, và quyết tâm dứt bỏ con đường sĩ tử, chỉ vì ông thấy rõ lối học từ chương, khoa cử không phù hợp cho bản thân và quốc gia, mà còn có thể di hại cho tiền đồ Tổ quốc. Nhưng đến năm 26 tuổi, vì thầy dạy là cụ Nguyễn Nghiễm mà ông gọi là Thúc phụ và bạn bè thúc giục ông mới đi thi Hội, "một khoa vào Tam trường". Thời bấy giờ phần nhiều sĩ phu chỉ mong chiếm được khoa bảng để tiến thân, mưu cầu phẩm tước bổng lộc, quyền thần. La Sơn phu có đủ điều kiện để tiến thân trên con đường thi cử như những người khác. Nhưng Nguyễn Thiếp thấy rõ thế đạo suy vi, nhân tâm phân hoá trong cuộc nội chiến kéo dài, nên ông xa lánh người đời, để vui riêng với nếp sống thanh cao tự tại của mình, đóng cửa đọc sách, làn thơ hay du ngoạn đó đây xem thiên văn, nghiên cứu địa lý. Đến năm ông 34 tuổi, bị ràng buộc bởi tục lệ “thi đậu thì ra làm quan giúp nước”, nên năm 1756, Nguyễn Thiếp ra nhậm chức ở huyện Lương Sơn (tức vùng Anh Sơn ngày nay). Làm chức Huấn đạo 6 năm, đến năm 1762, ông được bổ làm chức Tri huyện Thanh Chương. Ở chốn quan trường ông không hề nguôi chí ở ẩn, ông tìm đất lập trại trên núi Thiên Nhẫn. Khi phải làm quan, ông là một người muốn đem sở học giúp dân nhưng sống cái thời nhiễu nhương “vua thánh lâu chẳng hiện, loạn lạc cứ tràn lan”, buồn nản vì cảnh triều đình mục ruỗng, với cảnh tượng vua Lê suy nhược, chúa Trịnh lộng quyền, bọn hoạn thần chuyên chính, Lê Duy Mật dấy loạn, Trịnh Giang giết Lê Duy Phương, rồi cảnh giặc giã liên miên, cảnh đen bạc của nhân tình thế thái, làm Nguyễn Thiếp ngày càng chán ngán. Bởi vậy, năm 1768 khi 46 tuổi ông quyết định rũ áo, từ quan, về trại Bùi Phong trên núi Thiên Nhẫn bắt đầu sống cuộc đời ẩn cư với hiệu là La Sơn Phu Tử. Ông lại vui với cái sống thanh cao đạm bạc, không vì hoàn cảnh đó mà thay đổi sơ tâm hoài bão của một con người hiền sĩ.

 

 

               (Ảnh minh họa)

 

  

Sau khi treo áo mũ từ quan lui về ẩn dật ở trại Bùi Phong trên dãy Thiên Nhẫn nơi có thành Lục Niên, nơi Lê Lợi dùng làm nơi xuất phát để công phá trấn trị Lam Thành, có ghềnh suối ẩn kín cảnh đẹp nên thơ, lại còn cho xây dựng “Vọng Vân Đình” trước cửa sơn trại để ngắm mây trời và cảnh đẹp thiên nhiên sông nước. Ông còn đi chơi nay đây mai đó, từ núi này sang núi nọ xem xét địa thế như một tiên ông giáng thế. Ông lên núi Hồng Lĩnh thăm “Cổ Nguyệt Linh Quang” (chùa Hương) có từ đời Trần nơi nguồn thiêng sông núi. Ông lên núi Chung khảo sát vượng khí của nước Nam và đã để lại cho hậu thế hai câu thơ lạ:

 

"Chung sơn tại đỉnh hình vương tự, Kế thế anh hùng vượng tử tôn"  (Trên đỉnh núi Chung có hình chữ vương, con cháu nơi này tiếp bước nhau là những anh hùng).

 

 

Ông còn đến am Bạch Vân trên núi Côn sơn, thăm đền cũ Trạng Trình và có bài thơ “Quá Trình tuyền mục tự” (Qua thăm đền cũ Trình tuyền), ca ngợi Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có tài "huyền cơ tham tạo hóa" (nắm được huyền vi của tạo hóa). Ông nghiên cứu kỹ về hình thế núi sông, cửa biển và các đường sá giao thông.

 

Tuy La Sơn phu tử đã về ở ẩn, nhưng tiếng tăm của ông thì ai cũng biết, vang động đến cả kinh kì, Chúa Trịnh nhiều lần mời ông ra làm quan, ông ra Thăng Long can gián chúa Trịnh đừng tiếm vị vua Lê, nhưng không thành, ông từ chối giúp Trịnh Sâm rồi trở về trại núi. Ngay cả khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lấy danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh, kéo quân ra bắc, lúc đi qua Nghệ An, Hà Tĩnh, nghe danh của La Sơn phu tử, thân hành tới nơi cầu hiền đến ba bốn lần và khẩn thiết mời ông ra giúp nước, nhưng ông cũng nhất định từ chối, lấy lẽ vì mình là thần tử nhà Lê. Chỉ đến khi Lê Chiêu Thống rước voi về giày mả tổ; Bắc Bình Vương, sau khi lên ngôi Hoàng đế, cất quân ra bắc đối phó với 20 vạn quân Thanh; Lúc này, lại chính La Sơn Phu Tử xuống núi, đón vua Quang Trung ở bến đò Phù thạch rồi lên hội kiến với nhà vua trên núi Lam Thành tìm phương án đánh giặc.

   

Sau khi giúp vua Quang Trung đánh bại quân Thanh, Nguyễn Thiếp được nhà vua tôn làm quân sư của triều đình. Những sự cải cách rộng lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trong triều đại nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ, phần lớn đều do Nguyễn Thiếp hoạch định. Tiếc rằng vua Quang Trung mất sớm, sự nghiệp của La Sơn phu tử chưa thành. Người đời truyền lại, hôm vua Quang Trung băng hà, Nguyễn Thiếp tiên sinh thở dài não nuột: “Đại sự hưu hỹ” nghĩa là “đại cuộc thế là hỏng cả”.

  

Quang Trung qua đời, Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi, mọi quyền bính rơi vào tay Bùi Đắc Tuyên. Nội bộ triều đại nhà Tây Sơn ngày càng rạn nứt. Trước bối cảnh đó La Sơn Phu Tử xin trả lại lộc dưỡng lão mà Quang Trung ban cho trước đây, rồi lại trở về vùng núi Thiên Nhẫn làm một ẩn sĩ. Gia phả họ Nguyễn ở Mật Thôn - Nguyệt Ao, chép rằng: "Cụ ở lại trên núi, tự lấy làm vui, không bận lòng đến việc trần ai nữa".

 

Sinh ra và lớn lên trong chế độ phong kiến, như La Sơn phu tử không hề bị ràng buộc bởi ý thức hệ phong kiến trung quân một cách mù quáng. Nghĩa là khi Lê Chiêu Thống nhẫn tâm rước quân Thanh về giày xéo đất nước, thì Nguyễn Thiếp quyết dứt khoát hẳn với nhà Lê để đứng hẳn về lập trường dân tộc, và hết mình giúp vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh giặc cứu nguy đất nước. Khi ông mất người ta làm văn tế: " Kịp khi quốc vận suy đồi. Tây Sơn chiếm cứ. Tiên sinh lại vì giỏi giang mà bị mời ra. Kẻ cho là phải, mừng tiên sinh ra làm. Kẻ cho là hay, sợ tiên sinh mang tiếng/ Một mình tiên sinh nhận lễ và ra, rồi từ chức lại về. Giúp Tây Sơn mà không trái đạo. Tây Sơn lấy bình dân Nguyệt Ao để ban lộc, đặt thư viện Nam Hoa để trọng đãi/ Tiên sinh ung dung tiến thoái, thật là kẻ khác thường muôn vạn bậc/ Ôi! Người đời chê tiên sinh. Mấy ai đã hiểu tiên sinh. Chí tiên sinh chưa kịp thi hành, Tây Sơn đã mất. Tiên sinh cũng mất theo. Thực là tiên sinh không thể không có điều giận, mà người ta cũng không thể không tiếc cho tiên sinh. Nếu không thế thì với thực học ấy, anh phong ấy gặp thời đắc dụng, há chỉ có thế mà thôi sao".

  

Những người có chức trọng quyền cao thường là những người có phẩm chất thanh cao, có tư cách gương mẫu, nhưng không nhiều thì ít, có người vẫn vướng với bụi trần. Chỉ có Nguyễn Thiếp có đường lối xuất xử độc đáo, có phong cách riêng biệt. Cuộc sống ẩn dật của ông và ông kiên trì với lối sống này lại khiến cho ông vượt lên trên tất cả mọi người. Cuộc sống ấy cũng là một bài học để cảnh tỉnh những tư tưởng và hành vi thoái hóa của những người cùng thế hệ.Hoàng giáp Bùi Huy Bích, vị quan đầu tỉnh, quan trên của Nguyễn Thiếp đã viết cho ông những lời ca ngợi: "… Ngẩng trông am núi cách vời/ Núi cao rừng thẳm, tột trời mây xanh/ Muốn lên thăm hỏi sự tình/ Lại e một nỗi ông khinh người phàm Và: "…Khác người chỉ có một ông/ Ấn quan trao trả, non sông thỏa tình/ Người ta trỏ Lục Niên thành Nam Sơn cạnh núi, náu hình am ông".

 

(Thanh Hùng)

 

>> Phần 2: Tam cổ thảo lư

 

>> Phần 3: Phép học của La sơn phu tử Nguyễn Thiếp