Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

La sơn phu tử Nguyễn Thiếp: Tam cố thảo lư

14:40, 02/04/2011
Sinh ra trong một gia đình thuộc hàng vọng tộc ở xứ Nghệ, một nơi có truyền thống lâu đời về khoa bảng, có nhiều tay chữ xuất chúng là bằng hữu; Lúc thiếu thời ông đã nổi tiếng văn tài lỗi lạc.Chỉ vì thấy lối học từ chương, khoa cử không phù hợp nên ông quyết tâm dứt bỏ con đường sĩ tử. 16 năm ra làm quan cho triều Lê, ông về ở ẩn trên núi Bùi Phong, vui vầy cùng sông núi,


>> Phần 1: La sơn phu tử Nguyễn Thiếp

 

  Ba anh em nhà Tây Sơn dấy cờ khởi nghĩa, rồi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đánh họ Trịnh với danh nghĩa "diệt Trịnh phò Lê", lúc đi qua vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, nghe đại danh của Nguyến Thiếp, bèn sai người mang thư đến mời Nguyễn Thiếp. Bức thư có đoạn: "Đã lâu nay nghe tiếng Phu tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính tôi muốn tới nhà gặp mặt, để thỏa lòng tìm kiếm khó nhọc…". Vốn là một ẩn sĩ, lại chưa hiểu Nguyễn Huệ, nên lần đầu nhận thư, Nguyễn Thiếp đã khéo léo lấy cớ là thần tử nhà Lê để từ chối. Tháng 8 năm 1787 khi dẹp tan quan quân chúa Trịnh, trả quyền lại cho vua Lê, trên đường trở về miền trung, qua Nghệ An Nguyễn Huệ lại cử người đưa thư mời La Sơn Phu Tử. Lời lẽ trong thư lần này thống thiết, chân tình nhưng La Sơn Phu Tử lại từ chối. Tháng 9 năm 1787, Nguyễn Huệ lại sai quan Thượng thư bộ Hình là Hồ Công Thuyên dâng lá thư thứ ba lên Nguyễn Thiếp. Phần kết của lá thư có đoạn: "Mong Phu tử soi xét đến tấm lòng thành, vụt dậy mà đổi bụng; lấy lòng vì Nghiêu Thuấn quân dân mà ra dạy bảo, giúp đỡ. Quả đức xin im nghe lời dạy bảo, khiến cho quả đức thỏa được lòng ao ước tìm thầy, và đời này được nhờ khuôn phép của kẻ tiên giáo. Thế thì may lắm lắm". Nhưng, một lần nữa La Sơn Phu Tử vẫn chối từ.  

Nguyễn Huệ không nản lòng. Năm 1788 Bắc Bình Vương ra Bắc lần thứ hai để trị tội Vũ Văn Nhậm cậy thế lộng quyền. Theo sách Lê mạt tiết nghĩa lục Nguyễn Huệ đặt đại bản doanh nghỉ lại ở núi Lam Thành, đồng thời cho người đưa thư mời và rước La Sơn Phu Tử tới. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp gặp nhau, hai người cùng bàn luận nhân tình thế sự, Nguyễn Huệ đã phải thốt lên: "Người ta đồn rằng Tiên sinh là kẻ sĩ của thiên hạ. Tiếng ấy thật không ngoa". Trước khi chia tay một lần nữa Nguyễn Huệ ngỏ ý khẩn thiết mời La Sơn Phu Tử chung tay giúp việc nước. Thế nhưng La Sơn Phu Tử vẫn chưa đồng ý ra giúp Nguyễn Huệ, phụng sự nhà Tây Sơn.

  Đến cuối năm 1788, đang ở Thuận Hoá nghe tin 20 vạn quân Thanh theo chân Lê Chiêu Thống kéo vào Thăng Long. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Quang Trung, lập tức cất quân ra Bắc đối phó với giặc ngoại xâm. Khi vua tới vùng Nghệ An, Nguyễn Thiếp xuống núi đón rước rồi cùng về Lam Thành hội kiến.

   Theo cuốn La Sơn Phu Tử của Hoàng Xuân Hãn. Khi dẫn đại quân tiến ra Bắc, dù vô cùng gấp rút, Nguyễn Huệ vẫn dành thời gian để cho mời Nguyễn Thiếp tới hỏi ý kiến. Tuy quyết chí xa lánh công danh và hoạn lộ, nhưng Nguyễn Thiếp vẫn luôn theo dõi mọi diễn biến của thời cuộc; bởi vậy, ý kiến của bậc ẩn sĩ sắc sảo đến lạ lùng. Trong buổi hội kiến, Khi thảo luận đến việc đánh quân nhà Thanh, Quang Trung hỏi: "Hay tin Vua Lê Chiêu Thống sang Nhà Thanh cầu lụy, Vua Thanh cho quân sang đánh, tôi sắp đem quân ra chống cự, mưu đánh và giữ nước được hay thua, Tiên Sinh nghĩ thế nào?".Nguyễn Thiếp nói: "Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã, quân Thanh thì ở xa tới mà lòng bọn tướng sói thì hênh hoang tự đắc chúng không cần biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, binh lương và trận chiến sẽ xảy ra như thế nào, còn quân lính thì phân vân không biết là sang đánh hay đến giữ theo sự khẩn khoản của Vua Lê..." Phân tích tỉ mỉ thế ta, thế giặc và khẳng định "Số quân của Hoàng đế kéo từ miền trong ra chưa đủ để chống đối với quân giặc, mà trở lại chiêu mộ thêm binh thì thời gian không cho phép. Vậy Hoàng đế phải tuyển mộ ngay quân lính ở đất Thanh Nghệ, vì nơi đây là đất thượng võ xưa nay, anh hùng nhiều, mà hảo hán cũng nhiều". Khi đề cập đến cách đánh giặc, ông trình bày với vua Quang Trung: "Quân Thanh vừa kéo sang nước ta, chúng đang kiêu căng ngạo mạn và khinh địch. Doanh trại, chúng chưa thiết lập xong. Vậy quân ta phải hành quân mau chóng rồi tốc chiến ngay trong dịp tết". Với các kế lớn “xuất sư chính danh”,“ bổ sung quân Thanh Nghệ”,“hành binh thần tốc”,“xuất kỳ bất ý”,“đánh trong dịp Tết”. Nguyễn Thiếp lại nói: "Người Thanh ở xa tới mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào. Vả nó có bụng khinh địch. nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được nó”. Theo Hoàng Lê nhất thống chí. Nhận định của Nguyễn Thiếp phù hợp với ý định đánh nhanh thắng nhanh của Nguyễn Huệ. Từ niềm tin đó, Quang Trung tuyển mộ thêm quân đủ 10 vạn trai tráng, cùng hai trăm voi chiến, ông chia làm năm đạo quân, duyệt binh ngay tại Nghệ An khích lệ chí khí quyết chiến thắng giặc Thanh. Nguyễn Huệ dõng dạc tuyên bố với quân sĩ: Nay ta tới đây thân đốc việc binh, kế chiến thủ ra sao đều đã có phương lược định sẵn. Chỉ nội 10 ngày nữa, thế nào ta cũng quét sạch giặc Thanh”. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, khi quân sỹ ra đến Tam Điệp Quang Trung khao quân và nói với tướng sỹ: “Nay hãy ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến mồng 7 tháng giêng, vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng như vậy không. Quả nhiên, nhận định của La Sơn Phu Tử giống như lời tiên tri, chưa đầy một tuần lễ, 20 vạn quân Thanh đã bị quân Vua Quang Trung đánh tan tác, Tôn Sĩ Nghị sợ hãi ném cả ấn tín, bỏ cả yên cương, áo giáp mà chạy thoát thân về nước. Giữa trưa ngày Mồng Năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789. Vua Quang Trung cưỡi voi mình mang chiến bào nhuộm đen vì khói thuốc súng dẫn đoàn quân đại thắng tiến vào Thăng Long đã sạch bóng quân thù.

 

Diễn biến của trận quyết chiến với quân Thanh xâm lược quả đúng như dự biến thiên tài của Nguyễn Huệ cũng như nhận định chính xác và sâu sắc của Nguyễn Thiếp. Bởi lý do này, Nguyễn Huệ càng trân trọng và đánh giá cao tài năng của Nguyễn Thiếp. Về phần mình, Nguyễn Thiếp cũng khâm phục Quang Trung Nguyễn Huệ cả về đức độ lẫn trí dũng phi thường; Vì thế, ông đã từ bỏ cuộc sống ẩn dật để ra giúp Quang Trung.

 

Sau khi đại thắng quân Thanh về đến Nghệ An vua Quang Trung lại mời Nguyễn Thiếp đến bàn quốc sự. Từ đây Nguyễn Thiếp được nhà vua tôn làm quân sư, vị cố vấn tối cao của triều đình. Năm Tân Hợi 1791 tiếp chiếu của vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân, dâng tấu lên nhà vua bàn ba việc mà ông cho là thiết yếu nhất đó là: "quân đức - nhân tâm và học pháp". Sau cuộc hội kiến Nguyễn Thiếp được Quang Trung Nguyễn Huệ tin cậy, trao phó cho hai nhiệm vụ lớn, thành lập Sùng Chính viện ở Hoa Nam và tìm đất đặt đô ở Nghệ An.

 

 

Với cương vị Viện trưởng Viện Sùng Chính, Nguyễn Thiếp đã đề ra những cải cách về văn hóa, giáo dục của nước nhà cuối thế kỷ thứ XVIII. Trong đó, công lao lớn nhất của Nguyễn Thiếp là thực hiện chủ trương của Quang Trung: chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước Việt. Tại triều đình, La Sơn phu tử chủ trương dùng chữ Nôm trong các hạng sắc dụ thay chữ Hán. Hơn nữa, ông cùng với các cộng sự dày công ở Viện Sùng Chính dịch nhiều bộ sách quan trọng từ Hán tự sang Nôm các bộ sách Đại học, Luận ngữ, Mạnh tử, Trung dung trong bộ Tứ thư và Kinh Thi, Kinh Thượng Thư, Kinh Lễ ký, Kinh Xuân Thu và Kinh Chu dịch trong bộ Ngũ kinh. Tiếc rằng, vì vua Quang Trung mất sớm, triều Nguyễn Gia Long lên ngôi đã đốt, phá tất cả những gì của nhà Tây Sơn tạo dựng. Những chỉ dụ, sắc phong của Tây Sơn, các tác phẩm của La Sơn phu tử về thơ, phú, kinh nghĩa, tứ lục, bằng chữ Nôm có giá trị đều bị tiêu hủy. Đồng thời, La Sơn Phu Tử còn là một nhà giáo có công lớn đối với nền giáo dục nước nhà. Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm Chánh Chủ khảo. Đáng lưu ý, La Sơn Phu Tử đã được Quang Trung tin tưởng giao cho việc thẩm định đức độ và tài năng của những người mới ra hợp tác với nhà Tây Sơn để làm cơ sở cho việc bổ dụng.

 

 

Đặc biệt, ngoài Viện Sùng Chính, La Sơn Phu Tử còn được vua Quang Trung giao phó một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng. Đó là việc chọn địa điểm để xây dựng kinh đô mới cho triều đại nhà Tây Sơn tại Nghệ An.    

 

 

Đích thân Nguyễn Huệ viết thư bằng chữ Nôm gởi cho Nguyễn Thiếp để đốc thúc việc thực hiện quyết định quan trọng này. Thư có đoạn: “Hành cung sao cho hậu cận sơn, kỳ chính địa, phỏng tại dân cư ư gian, hay là đâu cát địa khả đô, duy Phu Tử đạo nhãn giám định. Tảo tảo bốc thành. Ủy cho Trấn thủ Thận tạo lập cung điện, kỳ tam nguyệt nội hoàn thành, đắc tiện giá ngự”. Tạm dịch nghĩa:Nơi vua ở sao cho phía sau thì gần núi, đất được chọn hoặc là ở giữa chốn dân cư, hoặc là đâu đất tốt có thể làm kinh đô được, tùy con mắt tinh tường của Phu Tử xét và định đoạt. Chọn nhanh nhanh lên. Ủy cho quan Trấn thủ Thận xây dựng cung điện, nội trong 3 tháng phải xong để tiện cho vua ra ở”.  Nguyễn Thiếp chọn địa điểm đóng đô mới cho Quang Trung Nguyễn Huệ ở núi Dũng Quyết vùng Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An ngày nay. Kinh đô mới này được đặt tên là Phượng Hoàng Trung Đô. Công cuộc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô đang tiến hành dở dang thì Nguyễn Huệ đột ngột qua đời. Vua kế vị là Quang Toản không tiếp tục cho xây dựng nên Phượng Hoàng Trung Đô bị bỏ dở. Ngày nay, Phượng Hoàng Trung Đô vẫn còn dấu tích. 

  

Quang Trung qua đời, Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi, mọi quyền bính rơi vào tay Bùi Đắc Tuyên, nội bộ của triều đại Tây Sơn ngày càng rạn nứt. Trước bối cảnh đó La Sơn Phu Tử lại lần nữa xin trả lại lộc dưỡng lão mà Quang Trung ban cho trước đây rồi trở về với vùng núi Thiên Nhẫn làm một ẩn sĩ. "Cụ ở lại trên núi, tự lấy làm vui, không bận lòng đến việc trần ai nữa".

 

 

(Thanh Hùng)

 

 

>> Phần 3: Phép học của Nguyễn Thiếp