Phép học của La sơn phu tử Nguyễn Thiếp
>> Phần 1: La sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Ngay từ thời kỳ đầu dấy cờ khởi nghĩa, Nguyễn Huệ sai Trần Văn Kỷ, một cận thần của mình ra Bắc Hà chiêu mộ sĩ phu về với Tây Sơn. Khi gặp Nguyễn Nghiễm, một bậc nguyên lão thời bấy giờ thì được giới thiệu: "Đạo học sâu xa thì Lạp Phong Cư Sỹ, văn phong phép tắc thì Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, còn thiếu niên đa tài đa nghệ chỉ có Nguyễn Huy Tự". Nhân vật mà "đạo học sâu xa", danh hiệu Lạp Phong Cư Sỹ chính là Nguyễn Thiếp, người đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp của nhà Tây Sơn.
Nguyễn Thiếp, lúc thiếu thời đã nổi tiếng văn tài lỗi lạc, năm 21 tuổi lần đầu thi Hương đậu ngay giải Nguyên, đến đây ông dự định không đi thi nữa, nhưng rồi bạn bè và thầy giáo vốn là Thúc phụ giục giã nên đến năm 26 tuổi Nguyễn Thiếp đi thi Hội, "một khoa vào Tam trường". Đến đây ông đoạn tuyệt với thi cử vì lối học theo ông là không ích nước, lợi nhà. Ông về quê dạy học với chủ trương giáo dục riêng, theo lời ông thì nên theo lối dạy và học của Chu Hi đời Tống. Ông chỉ làm việc thiết thực, để mong đưa nước tới một cái đạo có thể làm cho dân, nước thịnh cường. Đến năm 34 tuổi, bị ràng buộc bởi tục lệ “thi đậu thì ra làm quan giúp nước”, nhưng rồi thấy rõ thế đạo suy vi, nhân tâm phân hoá trong cuộc nội chiến kéo dài, nên ông xa lánh người đời, cáo quan xin về ở ẩn tại trại núi Bùi Phong để vui riêng với nếp sống thanh cao tự tại của mình, đóng cửa đọc sách, làn thơ hay du ngoạn đó đây xem thiên văn, nghiên cứu địa lý.
Cũng như các vị tiền bối đạo hạnh cao niên, Nguyễn Thiếp được người đương thời tôn làm Phu tử, uy tín lừng lẫy. Ông không có địa vị khoa bảng cao, chỉ dạy học, rồi lui về ở ẩn. Tiếng tăm của ông do phẩm chất cao thượng và quá trình tu dưỡng mà thành. Bởi thế Quang Trung Nguyễn Huệ đã "Chiếu cho La Sơn Phu tử được biết: Ông tuổi, đức đều cao, tất cả sĩ phu đều trông ngóng... nay trong nước đã yên, trẫm toan hưng khởi chính học. Ông đã lấy học thuật hiện rõ bên tà, bên chính trong phép học trẫm rất vui lòng. Trẫm định đặt Sùng chính thư viện ở Vinh Kinh tại núi Nam Hoa, ban cho ông chức Sùng chính viện viện trưởng chuyên coi việc dạy học. Nhất định theo phép học Chư Tử khiến cho nhân tài có thể thành tựu, phong tục trở lại tốt đẹp. Từ nay, phàm trong các viên tư nghiệp, đốc học, mỗi năm nếu có ai học hay, hạnh tốt thì kê quê quán, tên họ đề đạt đến thư viện giao cho ông khảo sát đức nghiệp và hạnh nghệ tâu lên triều đình để bổ dụng. Ông nên gắng giảng rõ đạo đức, rèn đúc nhân tâm để cho xứng với ý của Trẫm khen chuộng người tuổi cao, đức lớn".
Trong những năm ra giúp nhà Tây Sơn, ngoài việc thống nhất với Quang Trung thần tốc đánh quân Thanh. Nhận chức viện trưởng Viện Sùng chính, chỉ đạo việc dịch các sách chữ Hán sang chữ Nôm. Tìm đất ở Nghệ An để xây dựng Phượng Hoàng trung đô. Ông còn là một người khởi xướng cải cách nền giáo dục thời bấy giờ. Ông đề xuất việc chính học, nhấn mạnh việc giảng dạy đạo đức. "Đạo là những lẽ thường theo để làm người. Kẻ đi học là học điều ấy vậy. Nước Việt ta từ khi lập quốc đến bây giờ, chính học lâu ngày mất. Người ta chỉ tranh nhau đua tập việc học từ chương, cầu công lợi và quên bẵng cái giáo tam cương - ngũ thường. Chúa tầm thường tôi nịnh hót. Quốc phá gia vong, những tệ kia đều ở đó mà ra cả" . Nguyễn Thiếp đề ra phép học: "Học cho rộng, rồi ước lược cho gọn, theo điều học biết mà làm. Họa may nhân tài mới có thể thành tựu, nhà nước nhờ nó mà yên".
Theo La Sơn Phu Tử, người đi học là học đạo, học cách đối nhân xử thế hàng ngày, học cách ăn, cách ở, cách phò vua giúp nước chứ không phải học để mưu cầu danh lợi như lũ tiểu nhân mạt hạng. La Sơn Phu Tử đã so sánh: “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”. Vậy trước tiên là phải học. Học là phải học từ thấp đến cao, từ Tứ thư, Ngũ kinh rồi đến Chư sử. Nhưng trước khi học, người đi học phải biết rõ mục đích của việc học. Mục đích của người đi học, từ đầu, phải xác định là không học để mưu cầu danh lợi, không chỉ học cho cá nhân mình và cho gia đình nhỏ bé, như ông bà ta thường nói chỉ để vinh thân, phì gia, mà phải nghĩ xa hơn, sâu hơn là học để “lập đức”, “lập công”, để phò vua giúp nước theo như nền chính học thì lúc âý “triều đình ngay ngắn, thiên hạ thịnh trị”. Nếu ta chỉ học mà không có mục đích thì sẽ biến việc học thiêng liêng thành nấc thang danh vọng tầm thường, thành công cụ để mưu cầu danh lợi như bọn tiểu nhân hay thành một thứ để khoe khoang. Lối học không hành thì sẽ chỉ đào tạo ra một lũ “nịnh thần” làm suy đồi triều chính, dân trí. Đó là lối học hình thức, học hòng mưu cầu danh lợi, học để hướng đến những nhân cách đồi bại, những mục đích tầm thường và thậm chí là ích kỉ, hại dân. La Sơn Phu Tử nhấn mạnh “Đạo học thành thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị”. "Một Quốc Gia có càng nhiều hiền tài thì Quốc Gia ấy mới mong được vững mạnh, hưng thịnh; triều đại ấy, mới mong được lâu dài".
Sách Lê Mạc tiết nghĩa lục chép: "Cách dạy của cụ là trước học tiểu học để bồi đắp lấy gốc, sau học kinh truyện đỗ hiểu đến ngành. Kẻ theo học đều cảm hóa cả, lại đem điều học được về giảng lại cho làng xóm. Cho nên cái luồng gió lễ nghĩa lan khắp cả vùng".
Có một điểm đáng chú ý, Nguyễn Thiếp tỏ ra vừa chú trọng học đạo đức vừa chú trọng lao động. Trong bài Sơn cư tác Nguyễn Thiếp viết:
Thế sự chi bằng đọc với cày
Lụt thì ta nghỉ, ráo ra tay
Học đừng vụn vặt nên suy rộng
Sách chẳng cần nhiều, cốt tinh hay.
Quan điểm truyền thống của Nho giáo là coi trọng lao động trí óc mà coi khinh lao động chân tay. Nguyễn Thiếp lại coi ngang cày ruộng với đọc sách, là một quan điểm tiến bộ, độc đáo vượt ra ngoài khuôn khổ của Nho gia. Thực tế thì cuộc sống của ông cũng gắn bó với nông thôn, và việc giảng dạy đạo lý của ông chủ yếu là làm cho con người tự bồi dưỡng nâng cao để xây dựng cuộc đời thường cho trong sạch, tiến bộ. Ông dạy như thế, và đã tự mình sống như thế.
Tại triều Tây Sơn, để đạt được những mục tiêu về "sự học" La Sơn phu tử cùng các cộng sự ở Viện Sùng Chính soạn thảo “Chiếu Lập học” để Hoàng đế Quang Trung đưa ra Sắc dụ. "Chiếu cho quan viên và trăm họ trong nước được biết: Dựng nước lấy việc học làm đầu, muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc, trước đây nhiều việc, việc học không sửa sang được, khoa cử bỏ dần, nhân tài ngày càng ít. Phàm hết loạn thành trị, lẽ tuần hoàn là thế, sau loạn càng cần sửa sang hưng khởi, lập giáo hóa, lập khoa cử là quy mô lớn để chuyển loạn thành trị...Vậy ban chiếu xuống cho dân các xứ cần lập học xã chọn nho sĩ học thức, có đức hạnh đặt làm thày học giảng dạy cho học trò xã mình. Hẹn năm nay mở khoa thi Hương. Những tú tài thi Hương đỗ hạng ưu được đưa lên trường Quốc học, đỗ hạng thứ thì đưa vào trường Phủ học. Những Hương Cống ở triều cũ chưa làm chức nhiệm gì nay tới chầu thì bổ các chức huấn đạo, tri huyện. Nho sinh và sinh đồ đợi kỳ thi vào thi lại, đỗ hạng ưu thì tuyển dụng, hạng kém thì bãi về trường xã học tiếp. Còn những "sinh đồ ba quan" nhất thiết bắt về làm dân, cùng dân chịu sưu hạch".
La Sơn Phu Tử có nhiều đóng góp quan trọng đối với nhà Tây Sơn và Quang Trung nói riêng. Với cương vị Viện trưởng Viện Sùng Chính, Nguyễn Thiếp đã đề ra những cải cách về văn hóa, giáo dục của nước nhà cuối thế kỷ 18. Trong đó, công lao lớn nhất của Nguyễn Thiếp là thực hiện chủ trương của Quang Trung: chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước Việt. Cùng với các đồng sự ở Viện Sùng Chính, La Sơn Phu Tử đã dịch nhiều bộ sách quan trọng từ Hán tự sang Nôm, như các bộ: Tiểu Học, Tứ Thư (gồm 32 tập) và các bộ Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch… Đồng thời, La Sơn Phu Tử còn là một nhà giáo có công lớn đối với nền giáo dục nước nhà. Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm Chánh Chủ khảo. Đáng lưu ý, La Sơn Phu Tử đã được Quang Trung tin tưởng giao cho việc thẩm định đức độ và tài năng của những người mới ra hợp tác với nhà Tây Sơn. Đặc biệt, ngoài Viện Sùng Chính, La Sơn Phu Tử còn được vua Quang Trung giao phó một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng. Đó là việc chọn địa điểm để xây dựng kinh đô mới của triều đại nhà Tây Sơn tại khu vực giữa núi Dũng Quyết, thành phố Vinh, Nghệ An. Kinh đô mới được đặt tên Phượng Hoàng Trung Đô. Tiếc rằng công việc đang tiến hành dang dở thì vua Quang Trung đột ngột qua đời. Gia Long lên ngôi đã cho triệt phá tất cả những gì mà triều đại Tây Sơn gây dựng. Bởi vậy, những tác phẩm có giá trị như thơ, phú, kinh nghĩa, tứ lục bằng chữ Nôm của La Sơn Phu Tử đều bị tiêu hủy. Tuy nhiên cả một đất nước lúc bấy giờ đều nhận thấy ở Nguyễn Thiếp một vị thầy đạo cao đức trọng. Một người có đường lối xuất xử độc đáo, có phong cách riêng biệt. Cuộc sống ẩn dật của ông - và cách ông ra giúp nước - lại khiến cho ông vượt lên trên tất cả mọi người. Cuộc sống ấy cũng là một bài học để cảnh tỉnh được những tư tưởng và hành vi thoái hóa của những người cùng thế hệ. Ngay thời đại ông sống, người ta đã nhận ra điều này.
Chỉ với hai câu thơ Tiến sĩ Bùi Bật Trực viết về ông, trực tiếp dành cho ông: Tứ hải ngưỡng cao Thiên Nhẫn đỉnh
Cửu trùng trọng vọng Lục Niên quan
(Cả bốn biển đều cúi trông lên đỉnh Thiên Nhẫn.
Từ chín bệ (nơi ngự của nhà vua) rất tôn vinh cửa thành Lục Niên)
Một người thầy được suy tôn như vậy, quả là xưa nay có một.
Nguyễn Thiếp mất năm 1804, hưởng thọ 81 tuổi. Lăng mộ ông và dấu tích nơi gia đình ông ẩn cư gần trọn cuộc đời thuộc xã Nam Kim dưới chân dãy Thiên Nhẫn. Trước mộ ông là hồ nước Nam Kim trong xanh, nơi đây là một trong những điểm đến nổi tiếng của quần thể di tích lịch sử - văn hoá vùng đất Lam Hồng...
(Thanh Hùng)