Gìn giữ tinh hoa võ cổ truyền Xứ Nghệ
Võ cổ truyền Xứ Nghệ - Nhìn từ cội nguồn
Mảnh đất Xứ Nghệ như một khúc ruột của miền Trung, và còn như là một phần của chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước qua nhiều cuộc kháng chiến, kiến quốc từ thời thời lập quốc đến nay. Nơi đây, điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt, nhưng lại là vùng đất phên dậu, là “tường thành” giữ vững lãnh thổ, mở rộng biên cương của bao triều đại nên chồng chất gian nan. Và chính những điều đó đã hun đúc, tạo nên nhân cách con người xứ Nghệ: rất cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó mà nghĩa hiệp, chân tình. Trên mảnh đất này, thời nào cũng có danh nhân, vùng nào cũng có những bậc hào kiệt hùng tài, chí lớn, làm rạng danh dòng tộc, quê hương, đất nước. Trải qua bao đời, người xứ Nghệ không chỉ có nhiều đóng góp quan trọng vào tiến trình lịch sử dân tộc mà đã xây dựng nên cho mình thành một vùng văn hoá độc đáo với bản sắc hài hòa, riêng biệt.
Ngoài sự hiện diện một nền văn hoá đương đại sống động, trên vùng đất Xứ Nghệ ngày nay còn có một kho tàng di sản do cha ông để lại rất phong phú. Đó là hơn 1000 di tích lịch sử văn hoá và rất nhiều giá trị văn hoá phi vật thể như: Văn học dân gian, âm nhạc dân gian, múa dân gian, các phong tục tập quán…thì đang còn một “đặc sản” khởi phát từ xứ Nghệ, đó là môn Võ “Hét” Nhất Nam – môn võ cổ truyền đã được phát triển rộng rãi và hiện có nhiều nước trên thế giới tổ chức tập luyện.
Trong lịch sử, Nghệ An đã từng là tiền đồn, là hậu phương, là căn cứ cho nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, vì vậy nền võ thuật đặc biệt được chú trọng. Võ thuật đã giúp người xứ Nghệ khởi nghĩa chống lại nhà Đường, xây thành Vạn An và tôn Mai Thúc Loan làm Hoàng đế. Thời nhà Lý, Nghệ An là phên dậu của nhà nước Đại Việt, nhờ có công chăm lo vỗ về của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang mà đất đai được khai phá, dân tình no ấm, không chỉ ngăn chặn được giặc ngoài mà còn là điểm tựa quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Thời nhà Trần, xứ Nghệ là hậu cứ quan trọng, đóng góp nhiều sức người, sức của cho ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông ở phương Bắc và là tiền đồn ngăn chặn giặc phương Nam, mở mang bờ cõi, và là điểm tựa vững chắc cho các triều đại, như Vua Trần Nhân Tông đã từng thốt lên đầy tự hào và tin tưởng về sự trung dũng của con người xứ Nghệ khi nhà vua đang ở trên chiến thuyền lui về bến Vạn Kiếp trước sự tấn công ồ ạt của giặc Nguyên Mông:
Nguyên văn:
"Cối Kê cựu sự quân tu ký
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh."
Dịch nghĩa:
Cối Kê, việc cũ ngươi nên nhớ
Hoan, Diễn ta còn chục vạn quân
Nghệ An cũng là vùng đất tụ hội của nhiều dòng họ nổi danh về võ học. Đó là: dòng họ Hồ, tổ tiên của Tây Sơn tam kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ); dòng họ Đinh Bạt có Đinh Bạt Tụy, là đại võ tướng, Khai Quốc công thần thời Lê Trung Hưng; dòng họ Trương có Trương Văn Hiến, đại công thần trung liệt, là thầy dạy cả văn lẫn võ cho ba anh em nhà Tây Sơn và một số võ tướng, võ quan lừng danh của Vương triều Tây Sơn; dòng họ Nguyễn Sĩ (có Nguyễn Sĩ Sách); dòng họ Đậu có Đậu Yên, Đậu Khâm, hai danh tướng giỏi võ nghệ đã trực tiếp chỉ huy nghĩa binh đánh hạ đồn Ngọc Hồi, mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng Thăng Long; rồi dòng họ Phan, dòng họ Võ, dòng họ Ngô Xuân...
Phải chăng, với đặc điểm nổi bật của một vùng đất có truyền thống về võ học, đặc biệt là những đóng góp về đội quân tướng mạnh, binh hùng trong các cuộc huyết chiến của dân tộc mà nơi đây đã được các Vương triều và nhân dân cho xây dựng đền thờ các bậc Tiên Đế uy nghiêm để thờ tự, tôn vinh công trạng của các bậc anh hùng dân tộc, đại võ công?! Hoàng đế Quang Trung đã chọn một vùng đất Nghệ An để xây dựng “ Phượng Hoàng Trung Đô” mang tầm chiến lược, tính kế lâu dài. Sau này, nhà Nguyễn còn cho dựng tòa Võ Miếu khang trang, tọa lạc tại phường Hồng Sơn, TP Vinh mà nhân dân vẫn quen gọi là Đền Hồng Sơn. Và mới đây nhất, UBND thành phố Vinh đã hoàn thành Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tại phường Đội Cung...
Với những chứng tích bề mặt lịch sử như thế, có thể xem đây là bước đường để nghiên cứu, đối sánh, lần dở từ trong thư tịch cũ, trong các gia phả dòng họ. Quan trọng hơn, trong chính những con người là cháu, chắt hiện thời của các dòng họ ấy còn sử dụng, luyện tập các bài, thế võ đó như thế nào, để có thể “ gom góp” thêm những nét đặc trưng của võ học cổ truyền trên vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh.
Nhiều người còn nhớ, vào đầu những năm 1980 của thế kỉ 20, tại Văn miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, lần đầu tiên một môn võ lạ được ra mắt với cái tên: võ Nhất Nam, do vị võ sư trưởng môn Ngô Xuân Bính đặt tên với hàm ý cùng vun vén về cội nguồn dưới bầu trời nước Nam ta. Chữ “ Nhất” ấy có nghĩa là quy tụ, là thống nhất tên gọi các gia phái trên khu vực Thanh – Nghệ mà ông đã được học và nghiên cứu, luyện tập. Bởi lẽ, tự xa xưa, môn võ này chỉ có một cái tên chung: Võ Hét, hay là “Thét”, phù hợp với đặc điểm phong thổ, khí hậu, tức: “thổ khí tất khai thanh” - bật ra thành tiếng! Dòng võ hét này chứa đựng những điểm riêng biệt về quyền, cước, về binh khí, về tâm pháp đặc thù định hướng phương pháp tập luyện hiệu quả theo những yếu lý của nó.
– Học lấy tinh, không cần nhiều
– Hiểu cần nhiều, nhưng luyện ít
– Học lõi không học vỏ, học vỏ để chứa lõi
– Giác đầu thành tay, thành chân
Và đó chính là “cái riêng” của võ học, rộng hơn là di sản văn hóa cổ truyền trên vùng đất Thanh Hóa - Nghệ An và Hà Tĩnh mà thế hệ hôm nay và mai sau cần có sự chung tay, tiếp nối và phát triển môn võ “Hét”.
“Nhịp cầu” nối truyền thống với đương đại
Ý thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ, phát triển võ cổ truyền như một loại hình văn hóa phi vật thể đã “ hội tụ” tinh thần, ý chí quật cường, nghệ thuật đánh giặc của cha ông, đầu năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành QĐ thành lập Hội Võ thuật Cổ truyền, với tôn chỉ mục đích hết sức rõ ràng.
Do đó, để việc bảo tồn và phát triển nền võ học xứ Nghệ có hiệu quả, những bước đi đầu tiên đã được định hình. Đó là việc mở rộng các câu lạc bộ võ cổ truyền tại các huyện, thị, thành( đến nay đã có hàng chục võ đường, CLB võ cổ truyền định hình và hoạt động) ; tổ chức thành công các giải thi đấu võ thuật cổ truyền cấp tỉnh mở rộng. Điều này đã kịp thời động viên, khích lệ những người yêu thích võ thuật, khơi dậy phong trào tập luyện võ thuật, rèn luyện sức khỏe, khả năng tự vệ , tu dưỡng nhân cách sống trong thời đại mở rộng và hòa nhập với thế giới.
Hội Võ thuật cổ truyền đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý văn hóa các cấp, tìm hiểu truyền thống võ thuật của những địa phương có thế mạnh, đặc biệt là tìm hiểu về nguồn cội nơi đã phát sinh những dòng họ lớn có truyền thống võ học đóng góp sức người, sức của cho quê hương, cho đất nước trong các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước như: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quế Phong... Từ đây, Hội sẽ kết nối với Ban quản lý các khu di tích, đền thờ các vị Hoàng đế, các vị danh thần, võ tướng được nhân dân tôn kính thờ tự để tìm hiểu, kêu gọi, động viên xây dựng lại các nghi lễ biểu diễn võ thuật trong các lễ hội truyền thống. Việc này cần có sự chung tay của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, đặc biệt là cần sự góp sức, tham gia cùng tập luyện từ nội tộc những “NGƯỜI” đang được thờ tự, kết hợp với nhân dân ngay tại địa phương thì mới có được tính uy nghiêm, tính bền vững.
Có thể nói, nền võ học cổ truyền của mỗi dân tộc không chỉ là sắc thái văn hóa riêng biệt trong nền văn hóa của mỗi quốc gia, mà đó còn là sức mạnh của đến từ cội rễ; là “ nguồn sinh khí” để tu thân và nuôi dưỡng tinh thần Việt. Dù rằng, chặng đường Bảo tồn & Phát triển võ cổ truyền Việt Nam nói chung và xứ Nghệ nói riêng trong “thế giới phẳng” hiện nay sẽ còn gặp nhiều khó khăn, từ những cám dỗ đời thường về vật chất, những tác động xấu đến từ những luận điệu xuyên tạc về tiến trình lịch sử của nước nhà; từ những giáo phái tuyên truyền những bài tập nâng cao một phần sức khỏe nhưng tinh thần thì quay lưng lại với truyền thống tốt đẹp có tự bao đời của dân tộc Việt Nam.
Để góp phần bảo tồn tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam, Hội Võ thuật Cổ truyền Nghệ An hiện đang đưa vào giới thiệu, giảng dạy các bài quyền quy định của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại nhiều võ đường, CLB, trường học. Tuy nhiên để giữ gìn bản sắc võ học mang tính vùng miền, thì cần phải có sự chung tay của các cấp chính quyền, ban ngành hữu quan. Bên cạnh đó, các cấp quản lý liên quan cũng cần chung sức với Hội Võ thuật Cổ truyền tỉnh, vận động các dòng họ tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa kết hợp biểu diễn võ cổ truyền gắn liền với “lễ, hội” về các bậc tiền nhân trong dòng tộc, để tưởng nhớ, tôn vinh. Có như vậy, các “lễ, hội” mới không chỉ dừng lại ở hoạt động tín ngưỡng tâm linh, mà còn còn mang tính giáo dục từ nền tảng văn hóa vốn mang đậm tinh thần nhân văn, thượng võ của dân tộc Việt Nam, như cố thi sĩ Huy Cận đã đúc kết: “ Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa.”
Dương Cầm - Công Minh