Linh thiêng Đền thờ thủy tổ họ Trần xứ Nghệ
Đền Pháp Độ được xây dựng từ cuối thế kỷ 16 ở thôn Phú Hữu. Đến năm 1679 được chuyển về thôn Đan Trung như ngày nay. Vị thần tổ được thờ ở đền là Tướng công Trần Pháp Độ. Ông làm quan dưới triều Lê, từng giữ chức Thiết chế lễ tướng công.
Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), dưới triều vua Lê Thánh Tông, ông xin hưu quan, đưa vợ là bà Lê Thị Từ Quang cùng ba con trai là Trần Công Sủng, Trần Đạo Tín và Trần Thiện Tính về ở Tống Sơn, nay thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Sáu năm sau, ông để bà Từ Quang và con thứ Trần Đạo Tín ở lại Tống Sơn, còn ông và 2 con Trần Công Sủng, Trần Thiện Tính đi vào Nghệ An. Ông chọn chùa Liên Hoa, làng Phì Cam để ở, làm nghề Thuần danh nội đạo. Sau khi ổn định cuộc sống, ông đưa con trưởng Trần Công Sủng trở lại định cư tại chùa Sải, thôn Kim Cốc, xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, ông vào Nghệ An cùng con út Trần Thiện Tính tổ chức khai dân, lập xứ Nương Mao, nay là vùng đất thuộc các xã Vĩnh Thành, Nhân Thành, Hợp Thành, huyện Yên Thành và một số xã thuộc huyện Diễn Châu (giáp với huyện Yên Thành).
Trần Pháp Độ không chỉ là vị thủy tổ của họ Trần ở vùng Nghệ Tĩnh mà còn là vị “Thành Hoàng bản thổ” của nhân dân trong tổng Thái Xá, người có công chiêu dân, lập ấp, khai phá nhiều vùng hoang vu thành đồng ruộng, mở mang nghề nghiệp, xây dựng nên các làng Phú Hữu, Trường Lai, Thanh Xá, Nội Đồng, Nội Hạp…
Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, đền Pháp Độ- Trần Quốc Duy luôn được vua ban sắc phong: “Hách trạc tướng công hộ quốc tỷ dân, dực bảo trung hưng trung đẳng thần”. Khi Tổ Trần Pháp Độ qua đời (không rõ ngày mất), mộ ông táng tại xứ Tường Lai, Hào Kiệt, nay là xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Đền chính thờ Tổ Trần Pháp Độ được xây tại thôn Đan Trung, xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm Khải Định thứ 2 (1917), đền được sắc phong “Pháp Độ Trung đẳng thần”. Ngày 20/5/1997, đền được cấp Bằng công nhận “Di tích lịch sử văn hóa” cấp Quốc gia.
Trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19, đền thờ Pháp Độ là nơi tụ nghĩa, hội họp, trao đổi, liên lạc giữa các thủ lĩnh trong nghĩa quân. Những ao xung quanh đền là nơi cất giấu vũ khí của nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã…
Năm 1928-1929, đền là nơi hội họp và hoạt động bí mật của tổ chức thanh niên Đan Trung. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), cơ sở Thanh niên ở Ngọc Thành - Đan Trung đã nhanh chóng trở thành chi bộ cộng sản hoạt động dưới sự chỉ đạo của Phủ ủy Diễn Châu. Ngày 18/9/1930, cuộc họp Hội nghị mở rộng toàn huyện Diễn Châu đã tổ chức tại đền Pháp Độ nhằm củng cố tổ chức Đảng, đồng thời phát động phong trào đấu tranh rộng lớn trong toàn huyện.
Ngày 22/10/1930, Ban chấp hành Phủ ủy họp mở rộng tại đền Pháp Độ. Hội nghị kiểm điểm lại phong trào thời gian qua, bàn biện pháp đấu tranh trong thời gian tới, nhằm góp phần cùng các huyện đưa phong trào cách mạng Nghệ An lên đỉnh cao mới… Từ giữa năm 1931, đền Pháp Độ là nơi Phủ ủy Diễn Châu rút lui vào hoạt động bí mật. Từ năm 1932 đến năm 1935, di tích này là cơ sở hoạt động của Phủ ủy và Tỉnh ủy Nghệ An, nơi hội họp, in truyền đơn, sách báo, tài liệu của Đảng, nơi làm việc của Xứ Ủy Trung Kỳ do đồng chí Võ Nguyên Hiến phụ trách.
Trong cách mạng tháng 8/1945, đồng chí Nguyễn Tất Thắng đại diện Tổng bộ Việt Minh đã về Đan Trung treo cờ đỏ sao vàng trước đền Pháp Độ và tập trung nhân dân đi cướp chính quyền, thành lập UBND cách mạng lâm thời Đan Trung. Đền Pháp Độ trở thành trụ sở tổ chức giành chính quyền các địa phương xung quanh.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đền Pháp Độ là nơi cấp phát và điều chế thuốc phục vụ cho các chiến trường, nơi cất giấu vũ khí, quân khí, lương thực cho tiền tuyến.
Với những đóng góp cho cách mạng ngay từ khi Đảng mới ra đời và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc nên đền Pháp Độ được tặng thưởng huy chương kháng chiến hạng nhất vào ngày 19/12/1986.
Không chỉ mang nhiều giá trị về mặt lịch sử, đền Pháp Độ còn là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật. Đền Pháp Độ giữ chặt chẽ niêm luật theo kiến trúc cổ truyền dựa trên thuyết phong thủy của người xưa. Di tích có kết cấu tổng thể theo kiểu chữ “Tam”, gồm 3 tòa: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện với những nét chạm trổ thanh thoát, nhẹ nhàng, tinh tế của kiến trúc cổ.
Đặc biệt, những nét chạm khắc ở những hiện vật cổ như long ngai, án thư, kiệu đòn rồng… đều đạt đến độ tinh xảo. Ngoài ra, những bút tích xưa để lại như: các bức đại tự, hoành phi, câu đối, chúc văn bằng chữ Hán… đều thấm sâu tư tưởng và triết lý nhân văn sâu sắc. Điển hình như bức đại tự ở chính điện ghi 4 chữ: “Hiếu nghĩa tương truyền”. Trên đỉnh nóc ngôi đền có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, dưới mặt nguyệt là 3 chữ: “Tối Linh Từ”, nghĩa là ngôi đền rất linh thiêng.
Theo lệ xưa, cứ đến ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm, nhân dân quanh vùng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, báo công, dâng lên vị thần “bảo hộ” của mình những kết quả đã đạt được sau một năm lao động, sản xuất. Qua lễ hội, tinh thần học tập, lao động, hăng say sản xuất của nhân dân được động viên, khuyến khích, tính cộng đồng của cư dân địa phương ngày càng thêm gắn bó. Đây là một lễ hội điển hình của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở xứ Nghệ. Từ năm 1945 đến nay, lễ hội hàng năm tại đền Pháp Độ đã được tổ chức cộng nhập với ngày tết Độc lập của dân tộc, tức ngày 2 tháng 9 dương lịch, tạo nên không khí lễ hội sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân cùng du khách tham dự.