Đất và người Xứ Nghệ

Khám phá ngôi đình cổ hơn 400 năm ở Anh Sơn

16:54, 01/05/2020
Trải qua hơn 400 năm, đình Hữu Lệ ở thôn 3 xã Tào Sơn được biết đến là một trong những ngôi đình cổ nhất ở huyện Anh Sơn. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử lâu đời với kiến trúc khá độc đáo, hiện nay đình là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương. 

Đình Hữu Lệ được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XVII. Trải qua hơn 400 năm với biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng hiện nay đình vẫn giữ được những nét nguyên sơ. Cụ Đào Văn Nhượng 90 tuổi ở thôn 3 xã Tào Sơn chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tào Sơn, từ nhỏ cụ đã gắn bó và được nghe cha ông đi trước kể nhiều về đình Hữu Lệ nên đối với cụ ngôi đình là một phần máu thịt của mình. Theo cụ Nhượng, tuy đình Hữu Lệ là một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng nhưng trong thời kỳ chiến tranh, đình còn là cơ sở hoạt động cách mạng của cán bộ địa phương, là nơi cất giấu vũ khí của quân đội phục vụ kháng chiến. 

Trải qua hơn 400 năm, đình Hữu Lệ ở thôn 3 xã Tào Sơn được biết đến là một trong những ngôi đình cổ nhất ở huyện Anh Sơn.

Ngày trước đình Hữu Lệ có cổng tam quan, trên bờ giải có 2 con nghê chầu lại, 4 rồng chầu 4 góc theo kiểu long - ly - quy - phượng, rồng cuộn hổ ngồi. Khởi nguồn, đình nằm tại vị trí nhà ông Nguyễn Văn Thường và Hoàng Văn Diện thuộc thôn 3 ngày nay; đến khoảng năm 1978, 1980, đình Hữu Lệ được sử dụng làm kho chứa lương thực của hợp tác xã. Sau đó đình Hữu Lệ đã được chuyển tới khuôn viên Ủy ban nhân dân xã Tào Sơn cũ (thuộc thôn 4 ngày nay). Đình Hữu Lệ được xây dựng với quy mô gồm 2 tòa Bái đình và Hậu đình bằng gỗ lim, kết cấu theo kiểu chữ Nhị, có Nghi môn uy nghi, được chạm khắc công phu, tinh tế với các họa tiết linh vật rồng, phượng. Tòa bái đình gồm 3 gian 2 hồi, nền lát gạch đất nung, mái ngói âm dương. Tòa hậu đình gồm 1 gian 2 hồi, kết cấu theo kiểu ván mê, kẻ chuyền. Nhà Hậu bái đình Hữu Lệ bài trí gian thờ vị thần Cao Sơn Cao Các. 

Đình Hữu Lệ được xây dựng với quy mô gồm 2 tòa Bái đình và Hậu đình bằng gỗ lim.

Theo truyền thuyết dân gian lưu truyền: “Xưa, ở gần bản xã có ba ngọn núi cao nhô lên, cây cổ thụ um tùm, dòng nước bao bọc xung quanh, cảnh vật rất đẹp. Khoảng tháng 6 năm Quý Mùi 1703, trời bỗng tối đen, mưa to gió lớn, nhân dân trong xã nghe ở trong núi có tiếng sấm râm ran ba ngày mới hết. Dân vào núi xem, thì thấy có tấm gỗ dài ba thước ba tấc đề bốn chữ “Cao Sơn đại vương” trôi ngược theo dòng nước, đến chân núi thì dừng lại, rồi trong xã sinh ra ba tai ách. Biết là có thần thiêng, dân đem cờ trống ra rước và lập miếu thờ. Từ đó mới hết tai ách, người và vật đều khỏe mạnh, làm ăn sung túc. Đến khi vua Lê Thái Tổ dẹp giặc Minh, đem quân đi qua vùng này dừng lại nghỉ chân. Đến nửa đêm hôm đó, Thần ứng vào người trong xã. Người này tiến lại gần nhà vua nói rằng: “Ta là Cao Sơn đại vương, khi sống phụng mệnh xuống nước Nam, đến nơi này bị con lân tía tranh giành. Thượng đế thương ta là người trung trực, phong cho làm Nam quốc Thượng đẳng phúc thần. Nay nghe bệ hạ xuất chinh, xin đến giúp”. Nhà vua biết là thần Cao Sơn linh thiêng, liền sai người đem lễ đến miếu cúng. Ngày hôm sau, quân nhà vua đến phía dưới huyện Nam Đường nay là huyện Nam Đàn và đánh thắng giặc Minh ở núi Thiên Nhẫn. Khi vua lên ngôi, nghĩ đến sự linh thiêng của thần, phong sắc và thưởng rất hậu, cấp tiền để dân sửa sang lại miếu, tiếp tục thờ cúng”.

Sắc phong của Vua Đồng Khánh cho ngôi đình.

Những năm đầu thế kỷ XIX, do thời gian, thiên tai, nên miếu thờ thần Cao Sơn không còn, chính quyền, nhân dân địa phương đã xây dựng đình Hữu Lệ và rước long ngai bài vị thần về đình để thờ phụng, hương khói. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, sữa chữa, di tích vẫn cơ bản giữ được nguyên gốc bộ khung nhà bằng gỗ lim. 

Ngày 26/10/2015, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 4873 /QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Hữu Lệ.

Di tích Đình Hữu Lệ xã Tào Sơn là nơi ghi dấu các sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931, đình là cơ sở hoạt động bí mật của các cán bộ xã Tào Điền. Cây đa trước đình là nơi treo cờ Đảng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đình là trụ sở làm việc của nhiều đơn vị bộ đội, kho chứa lương thực, sản xuất vũ khí phục vụ cho kháng chiến, là trường học dạy chữ Quốc ngữ cho con em trong xã, nơi hội họp của các tổ chức Đảng bộ cấp. Sau này hòa bình lập lại, đình Hữu Lệ là nơi sinh hoạt, hội họp và tổ chức các lễ trọng của làng. Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ nguyên vẹn 16 đạo sắc phong của các triều vua: Minh Mệnh, Tự Đức, Khải Định, Duy Tân, Đồng Khánh, Thành Thái. Hàng năm tại đình diễn ra ba kỳ lễ lớn: lễ Khai hạ (ngày 7/1 âm lịch), lễ Tất niên (ngày 23/12 âm lịch) và lễ Kỳ phúc (15/6 âm lịch). 

Ngày nay vào các ngày lễ Đình Hữu Lệ là nơi để giáo dục truyền thống cho các học sinh xã Tào Sơn và các xã lân cận.

"Năm 2011 Ủy ban nhân dân xã Tào Sơn đã tổ chức vận động nhân dân đóng góp ủng hộ được gần 500 triệu đồng xây dựng khôi phục lại di tích lịch sử đình làng Hữu Lệ. Năm 2012, được sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và UBND huyện Anh Sơn, đình Hữu Lệ đã được chuyển về địa điểm mới, tại khuôn viên trụ sở UBND xã Tào Sơn. Đình có khuôn viên rộng 5.612m2, bao gồm các công trình: Cổng, Sân trước, vườn, Bái đình, sân lộ thiên, Hậu đình" - ông Phan Sỹ Quỳ, Phó chủ tịch UBND xã Tào Sơn cho biết.

Đón Bằng công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đình làng Hữu Lệ. (Tư liệu)
Ngày 26/10/2015, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 4873 /QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Hữu Lệ để ghi nhận công lao của chính quyền và nhân dân xã Tào Sơn về gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn. Hiện nay Đình Hữu Lệ là nơi cố kết cộng đồng của cả thôn Hữu Lệ xưa và cả xã Tào Sơn ngày nay. Qua đó nhằm bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của cha ông để lại, bồi đắp thêm niềm tự hào của các thế hệ người dân nơi đây và giáo dục truyền thống cho con cháu sau này.
 Thái Hiền

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện