Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Trải nghiệm du lịch cộng đồng bản Thái Minh

16:07, 01/05/2020
Bản Thái Minh xã Tiên Kỳ, nằm cách trung tâm Thị trấn Tân Kỳ khoảng chừng 27 km, nay gọi là bản Phẩy Thái Minh, nơi đây có 100% dân số là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Năm 2015, bản Phẩy Thái Minh đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề dệt thổ cẩm. Dịp nghỉ lễ năm nay, chúng tôi may mắn được trải nghiệm làng nghề cũng như các món ăn truyền thống nơi đây.

Nhận thấy những thế mạnh và lợi ích từ phát triển loại hình du lịch cộng đồng, xã Tiên Kỳ đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc lưu giữ những giá trị, sắc thái văn hóa dân tộc, coi đây là bước đột phá trong phát triển du lịch của địa phương. Đến nay, Phẩy Thái Minh là bản duy nhất của huyện Tân Kỳ đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề dệt thổ cẩm vào năm 2015. Tại mỗi nếp nhà sàn trong bản đều có khung cửi, chị em miệt mài cần mẫn khéo léo để tạo ra nhiều sản phẩm thổ cẩm đẹp về mẫu mã, kiểu dáng, đảm bảo chất lượng nào là váy áo, khăn thêu, chăn, túi xách...

Chị Vi Thị Đình đã gắn bó nhiều năm nay với nghề dệt thổ cẩm.

Không chỉ phục vụ nhu cầu cho các thành viên trong gia đình mà nó đang từng bước trở thành hàng hóa có giá trị thương mại gắn với du lịch cộng đồng. Đến đây du khách sẽ được tìm hiểu, trải nghiệm và lựa chọn cho mình những sản phẩm phù hợp để sử dụng và làm quà lưu niệm.

Nguyên liệu làm cơm lam gồm nếp rẫy, bà con còn sử dụng gấc, lá cẩm để tạo màu sắc.

Chị Vi Thị Đình - người đã gắn bó nhiều năm nay với nghề dệt thổ cẩm ở bản PhẩyThái Minh, vui mừng chia sẻ: “Ngày nhỏ thấy mẹ và bà làm nên cũng tự học hỏi, nhờ dệt thổ cẩm mà hàng tháng có thêm thu nhập, làm thì chủ yếu tranh thủ thời gian nhàn rỗi, cứ dệt xong là bán hết. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi người phụ nữ kiên trì, dẻo dai, khéo léo, sáng tạo trong mỗi sản phẩm”.

Chị em bỏ nếp vào ống nứa để làm cơm lam.

Điều ấn tượng là đến đây, chúng tôi còn được trải nghiệm làm và thưởng thức các món ăn độc đáo của bà con đồng bào Thái. Điển hình là món cơm lam.

Gạo nếp sau khi bỏ vào ống nứa đưa nướng bên bếp lửa.

Đang cùng chị em nhanh tay chuẩn bị món cơm lam, chị Vi Thị Thúy cho biết: “Để làm được món cơm lam thì cần các nguyên liệu gồm gạo nếp làm trên nương rạy, ống nứa, lá chuối chặt trên rừng, sau đó vò sạch nếp, bỏ vào ống nữa rồi bỏ nước vào ngâm vài giờ đồng hồ rồi nút lá chuối rừng kín ống nứa, đưa nướng bên bếp lửa. Quá trình nướng thì trở ống nứa thường xuyên để cơm lam chín đều ngon dẻo. Đặc biệt bỏ vào ống nữa có vị thơm đặc trưng, xôi dẻo hơn, nóng được lâu hơn, ăn rất ngon”.

Món thịt nướng đặc trưng của đồng bào Thái bản Phẩy Thái Minh.

Món cơm lam được bà con kết hợp ăn với món cá, thịt gà nướng và 1 số món ăn khác như canh bồi, măng đắng, đặc biệt bà con làm món chẻo chấm xôi rất đặc trưng hương vị thiên nhiên núi rừng. 

Mâm cơm đã hoàn thành với các món mang đắc trưng của bà con dân tộc Thái nơi đây.

Đến với Bản Phẩy Thái Minh xã Tiên Kỳ, chúng tôi còn được khám phá phong cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ và người dân bản địa mộc mạc chân thành, nồng hậu, thân thiện, được hòa mình vào các lễ hội của bà con dân tộc Thái và có thể nghỉ lại trên những nếp nhà sàn nằm dưới chân núi. Một không gian thật tuyệt, một địa điểm lý thú cho mỗi kỳ nghỉ lễ cũng như hành trình khám phá về phong cảnh con người cũng như nét đẹp độc đáo của bà con đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

Bản Thái Minh xã Tiên Kỳ có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng làng nghề.

Đặc biệt nếu có dịp đến đây vào dịp 19, 20 tháng 8 âm lịch hàng năm đều tổ chức lễ truyền thống Bươn Xao (tiếng đồng bào dân tộc Thái gọi là “Trăng ngày 20”) nhằm để tưởng nhớ và tri ân công lao của nghĩa quân Lê Lợi và các bậc tiền nhân đồng bào nơi đây đã có công lao chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước.

Bà con dâng mâm cúng tại lễ hội Bươn Xao.
Bà con dâng mâm cúng tại lễ hội Bươn Xao.

"Được sự cho phép của cấp trên về phát triển du lịch cộng đồng tại bản Thái Minh nay sáp nhập là Bản Phẩy Thái Minh, cấp ủy chính quyền xã đã quan tâm mở các lớp về tập huấn làm du lịch cộng đồng như ẩm thực, lễ hội, văn hóa ứng xử cho người dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và công tác thu hút đầu tư để đẩy nhanh việc chung tay phát triển du lịch cộng đồng" - ông Trương Công Thạch, Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ trao đổi.

Bản Phẩy Thái Minh đã chủ động phục dựng lại một số lễ hội truyền thống, tạo tiền đề cho việc xây dựng làng du lịch cộng đồng.
Bản Phẩy Thái Minh đã chủ động phục dựng lại một số lễ hội truyền thống, tạo tiền đề cho việc xây dựng làng du lịch cộng đồng.
Với sự kết hợp nhiều yếu tố, bản Phẩy Thái Minh xã Tiên Kỳ là 1 trong 9 làng của tỉnh Nghệ An đang phát triển du lịch cộng đồng kết hợp các giá trị văn hóa gồm: Bản Xiềng xã Môn Sơn, Khe Rạn Bồng Khê, Yên Thành xã Lục Dạ, bản Nưa xã Yên Khê (Con Cuông), bản Na Xai, Hủa Mương xã Hạnh Dịch, bản Hữu Văn xã Châu Kim (Quế Phong), Thái Minh (Tiên Kỳ, Tân Kỳ).., 9 làng này đủ điều kiện để xây dựng thành công làng du lịch cộng đồng, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của từng dân tộc
Cẩm Tú - Trọng Hùng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm