Đất và người Xứ Nghệ

Hồn về Mường Đán chẳng về xuôi

11:02, 02/10/2020
Khi mặt trời nhô lên khỏi những rặng núi, những tia nắng đầu tiên hắt xuống, những mái nhà lợp bằng gỗ sa mu lấp lánh, Mường Đán lung linh. Lẫn trong tiếng hòa ca ngàn năm của dòng Nậm Việc, nơi thiên nhiên khéo xếp đặt ngọn thác Bảy Tầng, Mường Đán huyền ảo…
Một góc làng Thái cổ Mường Đán.
Một góc làng Thái cổ Mường Đán.

Chuyện lập Mường

Cụ Hà Thị Thiết (bản Na Xái, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong – Nghệ An), cười vồn vã đón khách. Bà nhắc đi nhắc lại rằng, đây là Mường Đán! Mới hay, Mường Đán xưa của bà đã được tách thành hai bản: Na Xái và Hủa Mương. Theo bà, dù được tách thành hai bản nhưng bà con vẫn cứ nói mình là người Mường Đán. “Không ai quên được tên mường mô” – bà Thiết khẳng định. Bà nói, Mường Đán có từ bao giờ, không ai biết nữa, chỉ biết là lâu lắm rồi, từ ngày xửa ngày xưa…

Và câu chuyện lập Mường được bà Thiết thủ thỉ kể: Ngày xửa ngày xưa, tổ tiên của bà, người Thái Thanh từ miền Tây Bắc, nghe đâu là từ Điện Biên, Lai Châu dắt díu nhau đi tìm vùng đất mới. Họ đi hết ngày này qua tháng khác, cứ theo hướng Nam mà đi, đi miết, chia thành từng nhóm để đi. Có những nhóm phải dừng lại vì không đủ sức đi tiếp. Đến miền Tây xứ Nghệ, tổ tiên bà đã men theo dòng Nậm Việc, xuôi về một thung lũng nho nhỏ, xung quanh bao bọc bởi nhiều ngọn núi, rừng mọc đầy cây sa mu. Thung lũng không lớn nhưng đất đai màu mỡ, có suối Nậm Việc trong xanh bốn mùa. Bà con quyết định dừng chân lập Mường. Mường Đán của bà ra đời từ đó.

Câu chuyện của bà Thiết đã giải đáp băn khoăn của tôi: nhà sàn người Thái ở Mường Đán được lợp bằng gỗ sa mu, một đặc trưng của người Mông mới phải. Bà nói, sa mu đầy rừng, lại chịu được nắng mưa, thế là ông cha đã dùng nó để lợp nhà. Mái nhà sa mu của người Thái ở Mường Đán khác hẳn với mái nhà người Mông, gỗ được cắt nhỏ, vuông vắn, nên lợp lên rất đẹp, ngay hàng thẳng lối như kẻ chỉ. Đúng là trong “cái khó nó ló cái khôn”, mái nhà gỗ sa mu là một sự sáng tạo của tổ tiên bà Thiết.

Người Thái ở Mường Đán vẫn giữ nguyên nghề xưa, trồng bông dệt vải, trồng cây quế và biết canh tác lúa nước từ rất sớm. Bà Thiết cũng không biết cây quế ở Mương Đán có từ bao giờ, chỉ biết lớn lên đã thấy bạt ngàn rừng quế. Nghề trồng bông dệt vải được mẹ, được bà dạy cho từ thời còn tấm bé. Từ bao đời nay, đêm Mường Đán không thể thiếu tiếng thoi đưa lách cách, tiếng cười nói rộn ràng. Nông nhàn, đàn bà con gái lại tỉ mẩn từng đường kim, mũi chỉ, từ đơn giản đến những hoạ tiết phức tạp được phụ nữ Mường Đán miệt mài thêu dệt. Vì thế mà thổ cẩm ở Mường Đán nức tiếng khắp các chợ.

Người Mường Đán rộng bụng, mến khách, thích giao lưu, nhưng không vì thế mà nhạt phai truyền thống cha ông. Theo anh Hà Văn Huy, cán bộ mặt trận xã Hạnh Dịch thì, Mường Đán còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các làn điệu dân ca, dân vũ cổ. Mỗi khi vào hội, già trẻ gái trai hết mình với những lời ca, điệu múa của dân tộc mình. Những điệu Khắp, Lăm, Nhuôm, Xuối Lai…vang lên như không bao giờ dứt cùng với tiếng cồng chiêng, khèn, pí…hoà trong tiếng gió, tiếng núi giữa đại ngàn Pù Hoạt và lâng lâng men rượu cần, Mường Đán như trở về với ngàn xưa…

Thác Bảy Tầng ngày càng thu hút nhiều du khách
Thác Bảy Tầng ngày càng thu hút nhiều du khách.

Về Mường Đán tắm thác Bảy Tầng

Ông Lô Văn Chiến - Bí thư Chi bộ bản Hủa Mương tỏ ra rất hãnh diện về Mường Đán. “Khó ở đâu có làng Thái cổ mà những nếp nhà sàn lại lợp bằng gỗ sa mu như ở Mường Đán” – ông Chiến nói với giọng đầy tự hào. Cũng theo ông Chiến, Mường Đán quê ông còn nổi tiếng với cây quế Quỳ. Một thời gian dài chạy đua với cái đói, người dân quê ông phải lãng quên cây quế để chạy theo những giống cây ngắn ngày. Nay đời sống khấm khá hơn, cây quế Quỳ lại được ươm trồng để phát triển kinh tế. So với các cây trồng khác thì quế Quỳ có thời gian sinh trưởng dài hơn, nhưng về hiệu quả kinh tế thì quế Quỳ ăn đứt. Mới vài năm trở lại đây, diện tích cây quế Quỳ đã tăng nhanh chóng, có đến 2/3 số hộ của hai bản Na Xá và Hủa Mương phát triển loại cây này. Đoạn ông chỉ tay về hướng Nậm Việc, nói: Có rất nhiều đoàn khách đến với thác Bảy Tầng và bản Thái cổ Mường Đán. Đoàn thì trải nghiệm, đoàn thì nghiên cứu, có cả khách ta lẫn khách Tây, chắc chắn Mường Đán sẽ thu hút được du khách muôn phương.

Mang những ước mong của ông Lô Văn Chiến trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lê Văn Giáp, chúng tôi được biết, huyện đã có kế hoạch phát triển du lịch và thương mại, dich vụ mà Mường Đán là một địa chỉ không thể thiếu. Ông Giáp nói: Huyện Quế Phong có nhiều danh thắng đẹp như thác Sao Va, thác Bảy Tầng, quần thể cây sa mu, cây pay sừng (đã được công nhận là cây di sản), đặc biệt làng Thái cổ Mường Đán với những nếp nhà sàn trên 100 năm tuổi…là những giá trị cần phải bảo tồn và cũng cần phải đánh thức. Năm 2017, huyện đã lập và phê duyệt đề án Phát triển du lịch, thương mại và dich vụ, trong đó xác định hình thành tua du lịch: Thác Xao va, thác Bảy Tầng, làng Thái cổ Mường Đán, quần thể cây pay sừng. Hiện công tác tập huấn cho bà con về du lịch và dịch vụ, nhất là du lịch cộng đồng đã và đang được tiến hành. “Huyện đã cho phép Công ty du lịch Lâm Khang kết nối, phục vụ du khách. Bước đầu bà con ta hào hứng lắm” – ông Giáp cho hay.

Trở lại với Mường Đán, đúng như lời cán bộ mặt trận xã Hạnh Dịch Hà Văn Huy: “Tắm thác Bảy Tầng, khám phá pay sừng, ngủ đêm Mường Đán… thì còn gì bằng”. Và, tôi phải lỗi phép nhà thơ Quang Dũng, xin được đổi địa danh trong thơ cụ để trả lời câu hỏi của người bạn đường: Hồn về Mường Đán chẳng về xuôi…

Phạm Việt Thắng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện