Biết về ông - một người Nghệ nổi tiếng từ lâu qua nhiều bài viết, cuốn sách của ông, qua nhiều bài phỏng vấn ông của nhiều tờ báo. Được gặp và phỏng vấn ông lần đầu vào cuối năm 2015, sau đó là những lần gặp, mời ông tham gia một số chương trình của NTV, phỏng vấn, tìm hiểu từ ông những kiến giải về một số vấn đề của đời sống. Lần nào được gặp ông cũng một cảm nhận mình đang đứng trước một người khổng lồ, am tường nhiều lĩnh vực: Văn học, luật, kinh tế, tư vấn đầu tư...
Học giả Nguyễn Trần Bạt - Nguồn: internet |
Nguyễn Trần Bạt sinh năm 1944 trong một gia đình trí thức ở huyện Hưng Nguyên. Những sóng gió của thời cuộc để ông phải rời quê từ lúc 9 tuổi, cùng gia đình ra Hà Nội kiếm sống bằng bán dạo thuốc lá ở ga Hàng Cỏ. Có lần ông chia sẻ: dường như từ những năm tháng tuổi thơ khó nhọc, lam lũ ấy đã giúp ông luôn quan sát, suy nghĩ những vấn đề của cuộc sống, tìm cách lý giải hoặc suy đoán về sự vận động của nó.
Học đến lớp 9, cảm thấy trường học quá chật chội với khát vọng tìm tòi của mình, ông xin vào Thanh niên xung phong. Một thời gian sau, ông tình nguyện vào bộ đội với niềm tin môi trường quân ngũ sẽ giúp ông thực hiện được hoài bão của tuổi trẻ. Tại đây ông đã tự học xong kiến thức phổ thông.
Bị thương sau những trận chiến đấu, do sức khoẻ yếu, ông trở về học Đại học. Rồi từ vị trí lãnh đạo một cơ quan cấp bộ, năm 1989 ông ra lập Công ty Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong bối cảnh đất nước vừa mở cửa hội nhập, Công ty của ông đã có vai trò như người mở đường, tích cực trong các vấn đề tư vấn pháp lý, quy trình thực hiện dự án, tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài vào làm ăn ở Việt Nam.
Từ một Doanh nhân rất thành công, với bề dày của tri thức qua nỗ lực tự học tập và trải nghiệm đời sống, ông ngày càng toả sáng với vai trò là nhà nghiên cứu, một học giả giàu bản lĩnh, sâu sắc nhiều lĩnh vực. Nhiều bài viết, bài nói, trả lời phỏng vấn nhiều báo trong và ngoài nước của ông luôn là tiếng nói có trách nhiệm cao trước những vấn đề khó khăn, trọng yếu, nóng bỏng với tất cả tấm lòng, tình yêu tha thiết cuộc sống.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt (ngoài cùng bên trái) trong tọa đàm "Nghệ An làm gì để trở thành một trong những tỉnh khá nhất" do NTV thực hiện. |
Tôi nhớ mỗi lần được gặp ông để phỏng vấn, hỏi về vấn đề nào ông cũng trả lời thẳng thắn, rành mạch, khúc chiết, với tư duy độc đáo, giàu tính thực tiễn. Ông nói về lịch sử dân tộc và trách nhiệm của hiện tại: “Bất chấp tất cả những thất bại, bất chấp tất cả mọi khủng hoảng hiện nay, dân tộc chúng ta vẫn đáng kính trọng bởi chính những giá trị đặc trưng của nó là một nền văn hoá lâu đời và một lịch sử dũng cảm. Vấn đề của chúng ta, những người thừa kế là làm gì để tiếp nối những giá trị ấy”.
Trước vụ một đại biểu Quốc hội có hộ chiếu nước ngoài, ông thẳng thắng: Tại sao phải đổi giá trị của đất nước mình để lấy một giá trị của ai đó. Nếu có tài thì hãy làm cho mình trở thành người Việt Nam sang trọng hơn. Con người mà không tin cha mẹ mình có giá trị, không tin tổ tiên họ hàng có giá trị thì tin đảo Sip để làm gì?
Năm ngoái, tại diễn đàn “Nghệ An cần làm gì để trở thành một trong những tỉnh khá nhất” do NTV tổ chức, Nguyễn Trần Bạt có nhận xét thật mới mẻ: “Xứ Nghệ ko chỉ có truyền thống cách mạng, mà còn có truyền thống lãng mạn, những giá trị tinh thần sâu sắc, thú vị và rất độc đáo”. Ông gợi mở: “Tỉnh cần kiên nhẫn hướng dẫn liên tục các yếu tố của văn hoá, từng bước làm cho người Nghệ duyên dáng hơn, hấp dẫn hơn trong đời sống hội nhập. Nghệ An cần nhanh chóng lập một viện nghiên cứu chiến lược về kinh tế - xã hội. Tỉnh cần gì, tôi sẵn sàng giúp đỡ”.
Tác giả trao đổi cùng học giả Nguyễn Trần Bạt (bên phải) tại nhà riêng. |
Lần giở lại những cuốn sách ông tặng: “Không gian tinh thần”, “Con người là tinh hoa của nhau”, “Suy tưởng”, “Tình thế và giải pháp”; “Đối thoại với tương lai”;… xem, nghe lại một số chương trình, bài phỏng vấn ông... tất cả là sự trĩu nặng suy tư, khát vọng của người trí thức lớn luôn đau đáu câu trả lời làm thế nào để đất nước phát triển trong bối cảnh hội nhập với thế giới nhiều biến động.
Vậy là từ nay trên nhiều trang báo lớn không còn nữa những bài viết, bài trả lời phỏng vấn của ông về những vấn đề nóng bỏng, khó khăn của đời sống xã hội. Bạn đọc, các nhà nghiên cứu cũng không còn được đón đọc những cuốn sách dày dặn, chất chứa bao ưu tư và những kiến giải uyên bác của ông nữa. Khán giả NTV từ nay không còn được nghe tiếng nói của một học giả người Nghệ xa quê, rất hiểu về văn hoá, con người quê hương và luôn đau đáu với quê nhà qua những ý kiến cởi mở, sắc sảo và chia sẻ. Xin kính cẩn vĩnh biệt học giả Nguyễn Trần Bạt với tất cả lòng kính trọng, tiếc thương./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin