Có lần tại Hà Nội cách đây chưa lâu, tôi mách với một vị lãnh đạo mới về nhận công tác tại ngành giao thông rằng, từ nhiều năm nay, các bác, các chú thế hệ đi trước, mỗi khi nhận nhiệm vụ mới đều không quên về lại chiến trường xưa thăm lại anh em, đồng đội trong chiến tranh ở vùng khu 4 cũ, viếng các liệt sỹ ở nghĩa trang Đường 7, nghĩa trang Chiến thắng Truông Bồn, nghĩa trang Đồng Lộc… và thực hiện nhiều công việc đền ơn, đáp nghĩa khác.
Phần mộ chung của 13 anh hùng liệt sỹ |
"Vật thiêng" của người ngã xuống
Tôi cũng còn nhớ rõ lần gặp mặt, chuyện trò thân tình với nhau, một số đại biểu các cơ quan, ban ngành trung ương và địa phương khi nghe kể chuyện 12 cô gái Truông Bồn đã không thể cầm lòng, rưng rưng xúc động và hứa nhất định sẽ tìm về xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) trong một dịp sớm nhất có thể.
Có người ghi chép cẩn thận những việc cần làm trước khi đi, chẳng hạn như đồ lễ viếng giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa: những chiếc nón trắng, cái kẹp tóc, chùm bồ kết, quyển vở…
Dụng cụ các chiến sĩ thanh niên xung phong dùng san lấp hố bom được trưng bày tại nhà bảo tàng của khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn. |
Và gần như lập tức, tôi biết, họ đã đến Truông Bồn, mang theo tấm lòng biết ơn và những “vật thiêng” gắn liền với cuộc sống đời thường của những người con trai, con gái trong chiến tranh, dâng lên bàn thờ chung tưởng niệm những người đã anh dũng hy sinh vì quê hương, đất nước; đồng thời bằng trách nhiệm của những người được thừa hưởng cuộc sống hòa bình chung tay, góp sức cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục tôn tạo, xây dựng công trình Truông Bồn Chiến thắng…
Để rồi, dù đã lâu nhưng không hiểu sao tôi cứ nhớ, cứ nhắc mãi về một hình ảnh bất ngờ mà không hề xa lạ về Truông Bồn trong bản tin thời sự của một đồng nghiệp trẻ giàu tâm huyết.
Ấy là lần người phóng viên kiêm biên tập viên theo chân một đoàn cán bộ lên Mỹ Sơn thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ Truông Bồn như thường lệ. Như thường lệ vẫn là những hình ảnh xúc động với đôi mắt biết ơn, rưng rưng, những bó hương nghi ngút, cay xè.
Nhưng bất ngờ xuất hiện sau tượng đài cao vút, tuổi tên những người ngã xuống và khói hương trầm mặc, là một chùm hoa mua nở tím lặng lẽ trong gió sớm bay thơm, trên đất mẹ Mỹ Sơn trơ cằn sỏi đá.
Chỉ thoáng một khuôn hình 2-3 giây trong bản tin, nhưng hình ảnh hoa mua tím Truông Bồn tím lịm, bầm đỏ nở tươi, nở bung đã đem lại niềm xúc động lớn lao, gây ấn tượng bền lâu trong lòng mọi người.
Đồng hành cùng năm tháng
Và như từ đó, nghe đâu đây vang ngân lời bài hát “Hoa mua tím Truông Bồn” mà tác giả phần lời, ông Đoàn Sinh Hưởng từng là một người lính băng qua tọa độ lửa Truông Bồn những năm 1967-1968, từng nhìn rõ trong đêm chiến tranh những gương mặt, những nụ cười thanh niên xung phong, từng có những phút giây bồi hồi khi bắt gặp ánh mắt trẻ trung, những cánh hoa mua tím bồi hồi, sau khói bom là trời xanh Mỹ Sơn và chân trời màu thiếp.
Bài hát ấy, màu hoa ấy vẫn vang ngân, nở thắm nơi đây, đâu đây..
Bây giờ Truông Bồn là một khu di tích lịch sử, một công trình tưởng niệm được xây dựng công phu, giàu ý nghĩa. Tượng đồng, bia đá khắc ghi tên tuổi các chị, các anh. Những con đường rộng mở đón bà con xa gần đến với các chị, các anh, trong đó không thể thiếu những người đồng đội, đồng chí từ thời chiến tranh ác liệt, những thế hệ kế tiếp không chỉ của ngành giao thông.
Và trên những vuông đất, vuông cỏ được chăm sóc kỹ lưỡng, được trồng những cây hoa rực rỡ, giá như có cả những cây mua tím vẫn nở bung vào dịp nắng hè tháng 6 để đất và cây hoa Mỹ Sơn luôn ở bên các anh, các chị.
Và giá như bên cạnh những bó hoa tươi thắm từ mọi miền, những vật dụng thiêng liêng được mang về đây, còn có những bó hoa mua đủ các sắc màu từ mọi miền đất nước cũng hội tụ nơi này?
Toàn cảnh khu Di tích quốc gia Truông Bồn |
Vẫn còn nhiều việc phải làm để công trình phát huy giá trị đối với hôm nay và mai sau. Và vẫn còn câu hỏi, câu tìm, rằng, hoa mua tím Truông Bồn, màu tím ấy đã và đang ở đâu trong rất nhiều ánh mắt tìm về của những người đồng đội, người bà con, anh em máu thịt, người gần, người xa mỗi khi nhớ về Truông Bồn, tìm lại Truông Bồn lịch sử?
Hoa mua tím Mỹ Sơn, hoa mua tím Truông Bồn từng nở tím lịm trên đất mẹ cỗi cằn suốt thời tuổi trẻ của các chị, các anh và sau ngày 31/10/1968, vẫn một màu hoa thủy chung, bầm đỏ ấy bên ngôi mộ chung lồng lộng nắng gió. Màu tím ấy như hằn sâu trong tâm trí của mỗi chúng ta, đồng hành cùng thời gian, năm tháng, cõi người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin