Theo lời ông Mo Một Hà Văn Nhàn người ở bản Tằm xã Châu Phong huyện Quỳ Châu cho biết: Hiện nay, đồng bào dân tộc Thái ở Quỳ Châu vẫn còn giữ phong tục làm lễ Ký Sa - Đây được coi là một nghi lễ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các ông Mo Một. Trong tín ngưỡng của mình, đồng bào Thái vốn rất coi trọng ông Mo, bởi từ xa xưa ông Mo được xem như cầu nối giữa người trần và các đấng bề trên. Vì vậy mà khi ốm đau hoạn nạn họ lại tìm đến ông Mo để nhờ ông làm lễ cầu đấng bề trên cho gia chủ được bình an mạnh khỏe, hay mong muốn công việc được thuận buồm xuôi gió.
Ông Mo chuẩn bị trang phục trước khi làm lễ cúng. |
Với một người dân tộc Thái thì để được chọn làm Mo Một, người đó phải là một người có duyên lắm với đấng bề trên, bởi khi một ông Mo Một qua đời để tìm người kế nghiệp, gia đình sẽ tổ chức lễ cúng để chọn Mo Một. Do phải trải qua vòng tuyển chọn của Ma Thiêng (theo cách gọi của người Thái) nên số lượng ông Mo Một có được ở các bản làng người Thái cũng không nhiều. Ông Mo Một là người am hiểu tường tận các phong tục của người Thái, cũng là người thường được bà con chọn làm lễ cúng trong các buổi lễ trọng của gia đình, bản làng. Do được bà con ưu ái, nể trọng nên hầu như các ông Mo Một đều rất bận rộn với công việc đi cúng của mình và phần nào họ cũng có được chút lộc lá từ công việc này. Từ lý do này, để tạ ơn Ma Thiêng đã phù hộ độ trì cho việc đi cúng được thuận lợi, cũng như cầu cho gia đình được bình an, mạnh khỏe, mọi việc trong nhà được thuận lợi thì ông Mo Một sẽ tổ chức lễ Ký Sa, đây cũng là một nghi lễ cần thiết bắt buộc phải có của ông Mo Một. Lễ Ký Sa thường được ông Mo chọn tổ chức vào các tháng 2,3,5,6,8,9,11,12 âm lịch hằng năm.
Ông Mo Một Hà Văn Nhàn đang làm lễ cúng cho gia đình. |
Trước tiên để làm lễ Ký Sa, gia đình ông Mo sẽ chuẩn bị một ống cá chua, một vò rượu cần đưa ra đặt giữa gian nhà rồi thắp hương vái, báo cho đấng bề trên biết là gia đình chuẩn bị làm lễ Ký Sa. Rồi gia đình ông mo mở vò rượu cần ra mời bà con, anh em, họ hàng đến cùng uống và có lời xin cá để tổ chức lễ. Bởi trong lễ cúng Ký Sa sẽ cần đến rất nhiều cá để làm đồ cúng. Đến ngày hành lễ, dân bản sẽ mang cá đến và nướng giúp ông mo. Tuy nhiên, để buổi lễ diễn ra trọn vẹn thì gia đình phải mời thêm các ông mo khác đến để cùng làm lễ và số lượng ông mo nhất định phải là số chẵn 6,8 hoặc 10 người. Trong đó, có một ông Mo trưởng chủ trì buổi lễ và phân công công việc cho các ông Mo khác. Đúng ngày làm lễ thì ông Mo trưởng đến trước đi cùng với hai cô gái, hai cô gái được chọn này phải là gái tân - là người sẽ phụ việc cho ông Mo trong suốt quá trình làm lễ. Với lễ Ký Sa không phải ông Mo nào cũng làm lễ được, mà lễ này chỉ áp dụng với các ông Mo Một người hay phải đi cúng nhiều.
Ngày nay, xã hội càng phát triển, những tục lệ mới cũng xuất hiện trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái, nhưng người Thái ở miền Tây Nghệ An vẫn còn nhắc nhau lưu giữ lấy nét văn hóa trong phong tục, tín ngưỡng của dân tộc mình, coi đó như là một sợi dây gắn kết với truyền thống của cha ông từ ngàn xưa để lại./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin