Núi Kỳ Lân (Con Mèo). Ảnh: Hải Đăng |
Dãy núi Quyết có mạch nối tiếp từ dãy Đại Huệ và tọa lạc trên vùng đất của xã Dũng Quyết, huyện Chân Lộc xưa, nay thuộc phường Trung Đô, thành phố Vinh như hình cái đầu Rồng (Long Thủ) sừng sững nghênh ra biển Đông. Từ trên cao nhìn ngang xuống trông núi Quyết giống như con chim Phượng đang giang cánh bay mà đầu hướng sang phía núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Núi Quyết khi đến sát sông Lam ở hướng đông bắc nhô ra một núi nhỏ tròn giống hình lưng Rùa đang hướng miệng sang viên ngọc là rú Cơm bên bờ nam sông Lam (đất Xuân An, Hà Tĩnh). Bên cạnh sườn núi Quyết phía nhìn xuống sông Vinh (còn gọi là sông Cồn Mộc) có một núi nhỏ trông giống như hình một con mèo, xưa gọi là Miêu Lĩnh, hay núi Con Mèo.
Tên núi Kỳ Lân có từ xa xưa. Khi Nguyễn Trãi viết sách Dư địa chí (sách soạn năm 1435, triều Lê Thái Tông) được Nguyễn Thiên Túng tập chú, Nguyễn Thiên Tích cẩn án, Ngô Sĩ Liên và Lý Tử Tấn hiệu chú và được in trong Quốc thư bảo huấn, có ghi về núi Kỳ Lân như là một mốc quan trọng trong địa hình Nghệ An và trấn cho phên dậu thứ 3 của nước Đại Việt, sách ghi:
"Kỳ Lân và Lam ở về Nghệ An. Kỳ Lân là tên núi, ở bên hữu sông Vĩnh Giang. Lam là tên sông, phát nguyên từ sông Linh Giang. Nghệ An xưa là bộ Hoài Hoan, sau đổi làm quận Nhật Nam, lại gọi là Hoan Châu; thời Đinh và thời Lê là trại, thời Lý đổi gọi là Nghệ An. Đông và Bắc giáp Hải Nam, Thanh Hóa, Tây và Nam giáp Thuận Hóa, Vân Nam. Có 9 lộ phủ, 25 thuộc huyện, 3 châu, 479 xã. Đấy là phên dậu thứ 3 của phương Nam vậy."
Núi Con Mèo trong chuyện kể dân gian cổ xưa rằng:
"Ông Đùng hàng ngày ra sông đắp con chắn, rồi dùng đơm đó bắt cá ăn. Có con Mèo khá to chiều nào cũng ra ăn trộm cá của ông Đùng. Đến một ngày ông Đùng phát hiện được, tức giận, xách tai con Mèo quật chết, rồi ném ra xa. Xác con Mèo rơi vào gần rú Quyết, hóa thành núi có hình con Mèo, nên từ đó có tên là núi Con Mèo".
Theo Hoàng Việt địa dư chí (của Phan Huy chú, Tr. 178): "Trên núi có động, bên trong có chùa. La Sơn tiên sinh Nguyễn Thiếp có thơ - phiên âm:
Củng đầu phủ khám Quyết giang triều
Cận khám phi Miêu viễn thị Miêu
Kim tử đề ao như túc địa
Thạch song nhĩ tuấn dục trung tiêu
Thự ngư đao hán yên tông thủ
Trừ thử nông dân bất dụng chiêu
Kim cổ vãng lai nhàn chỉ điểm
Vô tâm ngoan thạch tự thiều nghiêu.
Phan Đăng dịch:
Đầu cửa Quyết Giang ngắm thủy triều
Đứng gần chẳng giống, xa giống Mèo
Đất dày bốn mảnh như chân chúm
Đá dựng hai vầng giống tai cao
Ưa bắt cá ăn nơi nào nhỉ
Nhà Nông diệt chuột lợi bao nhiêu
Đời đời lui tới đây thăm viếng
Núi đá vô tình cứ lêu nghêu.
Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định (sách viết đầu triều Nguyễn - Gia Long) về núi Kỳ Lân (tức Con Mèo) như sau:
"Núi Kỳ Lân: Núi ở địa phận xã Dũng Quyết, huyện Chân Lộc, cùng một dãy với núi Dũng Quyết, nhìn xuống sông Vĩnh, núi có hình giống con Mèo, nên ngày xưa gọi là Miêu Lãnh. Thời Tây Sơn có lập nhà kho ở bên trái núi này rồi đổi tên là núi Kỳ Lân, nay nhà kho vẫn mang tên kho Kỳ Lân là vì vậy".
Như vậy núi Con Mèo còn gọi núi Kỳ Lân. Vì núi nằm cạnh núi Quyết và Vĩnh Giang (còn gọi là sông Cồn Mộc), nơi có thành Phượng Hoàng Trung Đô của triều Tây Sơn, nên vua Quang Trung cho lập kho tàng ở đây, gọi tên núi Kỳ Lân, nên kho cũng gọi là kho Kỳ Lân. Núi nằm trong hệ thống đóng quân Dũng Quyết và sông Cồn Mộc. Khi Bến Thủy trở thành lỵ sở của triều Lê - Trịnh, nơi đây cũng từng diễn ra nhiều trận đánh dữ dội của các dòng họ chúa Nguyễn và Vua Lê - Chúa Trịnh. Núi Dũng Quyết qua nhận xét của nhà Địa dư học Lê Quang Định (theo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí - Tr. 434):
"Núi Dũng Quyết: Núi ở địa phận xã Dũng quyết, huyện Chân Lộc, gần bến đò sông Phi, bên chân núi có động đá, đi sâu vào trong núi ước chừng 30 tầm, ban ngày cầm đuốc xem thấy có hơi lạnh nên chẳng dám đứng lâu. Khi tiền triều khai thác 7 huyện Nam Hà ở vùng Hoan Châu, Ninh Quận công Trịnh Toàn đem quân chống cự và đóng đồn tại đây, thường ngày đem quân ra giao chiến ở bến sông Quần Mộc. Trong "Hoan Châu phong thổ ký" có chép rằng: "Núi Dũng Quyết là danh sơn cho ba quân trấn đóng, bến Quần Mộc là đất cũ gây việc giao chiến trên sông".
Sau khi đại thắng quân Thanh - một trong những chiến công chống giặc ngoại xâm hiển hách nhất của dân tộc ta, vua Quang Trung đã tập trung thực hiện các chính sách canh tân để xây dựng đất nước. Năm 1789, vua ban hành Chiếu khuyến Nông nhằm phục hồi Nông nghiệp, bãi bỏ nhiều thứ thuế nặng nề trước đây, khuyến khích các hoạt động công thương nghiệp và mở rộng quan hệ buôn bán với nước ngoài. Vua tiếp tục ban hành Chiếu lập Học, nhằm phục hồi và phát triền nền văn hóa, giáo dục. Năm 1791, nhà vua cho xây dựng Sùng chính Thư viện tại xã Nam Hoa (nay thuộc xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An) và cử La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng, lo việc dịch sách chữ Hán sang chữ Nôm và đào tạo, mở khoa thi Tuấn sĩ, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Vua cũng đã chọn đất Địa linh nhân kiệt là Yên Trường và Vĩnh Yên, nơi rú Quyết và Miêu Sơn để xây dựng Kinh đô, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Vì thế, ngày 3 tháng 9 năm Thái Đức 11 (01/10/1788), Nguyễn Huệ gửi chiếu cho La Sơn Phu Tử và đã nói rõ ý mình:
“Nay Kinh Phú Xuân thi hình thế cách trở, ở xa tại Bắc Hà, sự thể rất khó khăn. Theo đình thần nghị rằng: Chỉ đóng Đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện, tiện việc đi về…
Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, Quả cung đã từng mở xem địa đồ, thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường, hình thể rộng rãi, khí tượng tươi sáng. Có thể chọn để xây dựng Kinh đô mới. Thực là chỗ đất đẹp để đóng Đô vậy. Đã sức cho quan trấn sửa soạn gỗ, ngói, khí cụ, hẹn ngày làm việc…”
Phượng Hoàng Trung Đô có khí địa đẹp, nằm giữa hai núi Dũng Quyết (còn gọi Phượng Hoàng Sơn) và núi Kỳ Lân (còn gọi rú Con Mèo). Núi Dũng Quyết theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn, còn "Có tên nữa là Văn Sơn, ở cách huyện Chân Lộc 11 dặm về phía đông nam, trông ra bến Yên Lạc trên sông Lam, phía đông nam núi có động xuyên vào trong núi hơn 10 trượng… Dũng Quyết là ngọn núi có tiếng… Về núi Kỳ Lân: "Ở phía tây núi Dũng Quyết, hình dáng như con thú nằm, cũng gọi là núi Mèo".
4 chi - Tứ linh của núi Dũng Quyết là: Long Thủ (Đầu Rồng), Phượng Dực (cánh chim Phượng), Kỳ Lân (Con Mèo), Quy Bối (Lưng Rùa) tạo ra thế địa linh cho đô thị Vinh. Dũng Quyết Sơn thêm linh thiêng khi được bao bọc bởi sông Lam mà vua Lê Thánh Tông từng đặt tên là sông Thanh Long (con Rồng Xanh qua câu thơ cảm hứng khi vua đến thăm: Thanh Long triều trướng thủy liên thiên [Thanh Long triều lên nước liền trời] thật đẹp và hoành tráng). Lại có con Rồng nhỏ là sông Vinh (còn gọi sông Cồn Mộc) với 12 khúc quanh nổi tiếng (do vua Lê Đại Hành từng chỉ huy đào đã hơn 1.000 năm) bao bọc núi Quyết. Dũng Quyết Sơn và Miêu Sơn cũng là ngọn núi ở trung tâm mà các núi có tiếng chung quanh xa gần chầu vào: Phía Bắc đến biển Đông, có Đại Vạc, Thần Vũ, Long Thủ, Cấm Sơn, Tượng Sơn, Kỳ Sơn, Kiếm Sơn, Lô Sơn (núi Lò); Phía đông nam chạy lên phía tây có Hồng Lĩnh (với 99 đỉnh), Thiên Nhẫn Sơn (như nghìn con Ngựa ruổi nhau) và phía tây có Hùng Sơn - Lam Thành Sơn, núi Đại Hải, dãy Đại Huệ hùng tráng…Việc đóng Đô ở Yên Trường chính là mong mỏi canh cánh của vua Quang Trung, vì nhà vua đã nghĩ đến, chỉ có đóng Đô ở đây là nơi trung tâm, mới có thể giữ yên được Sơn Hà. Sách Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái (T.2, Tr. 203-204) viết:
Vua Quang Trung cho rằng, Nghệ An ở vào chính giữa nước, đường xá từ Nam ra Bắc vào đều vừa bằng nhau, quê tổ tiên mình cũng ở đây, bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ, đá, gạch, ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất xung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng tòa lầu Rồng ba tầng cùng điện Thái Hòa hai dãy hành lang, để phòng đến trong những khi có lễ triều hạ. Thành này được gọi là Phượng Hoàng Trung Đô hoặc Trung Kinh Phượng Hoàng thành.
Như vậy, Phượng Hoàng Trung Đô đã được xây dựng cơ bản ở Dũng Quyết - Kỳ Lân trên đất xã Yên Trường (Tp. Vinh ngày nay). La Sơn Phu Tử cũng đã từng công nhận việc xây dựng Phượng Hoàng Kinh đô:
"Tây Sơn lấy được nước, bèn dựng Đô ở xã Yên Trường, huyện Chân Phúc, làm sổ hộ khẩu trong nước, bắt dân các xã sở tại phải khai sổ thôn, ấp"… (Bùi Dương Lịch. Nghệ An ký - H., KHXH, 2004, Tr. 118, bản dịch của Nguyễn Thị Thảo).
Núi Kỳ Lân, hay núi Con Mèo rất linh thiêng, từng có Thần hiển ứng giúp dân chống giặc Minh, nên triều Lê từng phong Thần là Miêu Sơn linh ứng Đại Vương. Sách chữ Hán cổ Bách Thần sự tích (Sự tích 100 vị thần ở xứ Nghệ) có ghi:
"Thần núi Miêu Sơn: Mạn tây bắc làng có một núi đá tên là núi Mèo (Miêu Sơn), thời thuộc Ngô, giặc chiếm ruộng đất của làng để cày cấy. Mỗi khi mùa màng đến kỳ thu hoạch, phần nhiều bị chim sẻ ăn hết, vì thế người Ngô trả lại cho dân. Người trong thôn lập đền thờ gọi là Thần núi Miêu Sơn. Từ ngày lập đền thờ, hễ dân có việc cầu đảo đều linh nghiệm. Năm Cảnh Hưng triều Lê phong tặng Miêu Sơn linh ứng Đại Vương".
Kỳ Lân là con vật linh thiêng, theo điển tích xưa là con vật báo hiệu điều tốt lành, là biểu tượng cho sự trường thọ, sự nguy nga đường bệ, niềm hạnh phúc lớn lao. Nó được truyền tụng là con vật có thể đi trên đất lẫn trên nước. Kỳ Lân xuất hiện bất chừng, sự có mặt của nó báo hiệu một vị minh quân, chân chúa, hay nhà hiền triết nào đó sắp ra đời (như Hoàng đế Quang Trung và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp…).
Núi Kỳ Lân xứng là danh thắng của thành phố Vinh, một trong Tứ linh của trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin