Dưới đây là 3 lưu ý về cách lựa chọn từ ngữ khi viết hoặc download CV xin việc làm, hãy cùng tham khảo nhé.
Sử dụng những từ ngữ mang tính chuyên nghiệp, phù hợp với ngành nghề
Việc sử dụng các từ ngữ chuyên nghiệp sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá được năng lực và thái độ của bạn đối với công việc. Ví dụ như bạn đang cần liệt kê một số kỹ năng liên quan đến vị trí ứng tuyển là Content Writer – nhân viên biên tập nội dung thì bạn nên tập trung vào những cụm từ như: thiết lập chiến lược nội dung, tạo nội dung quảng cáo, tạo các chiến lược Viral Content Marketing trên các công cụ Online Marketing, phân tích và đo lường hiệu quả các chiến dịch Content Marketing…
Điều này sẽ mang đến cho bạn lợi thế trong quá trình ứng tuyển khi nhà tuyển dụng đọc CV của bạn. Trên thực tế, bạn có thể tìm kiếm các từ khóa liên quan đến ngành nghề trong tin đăng tuyển và cân nhắc những cụm từ thích hợp nhất. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng không nên cố gắng nhồi nhét quá nhiều từ chuyên môn vì nó dễ khiến cho người đọc bị choáng ngợp, đồng thời khiến bản CV của bạn lủng củng, khó tiếp thu.
Hạn chế sử dụng những từ ngữ mơ hồ, không đúng trọng tâm
Không ít ứng viên nghĩ rằng viết một bản CV dài, nhiều chi tiết mới có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Song, nhiều nhà tuyển dụng có kinh nghiệm lại cho rằng điều này là không đúng, nếu CV xin việc làm quá nhiều chữ nhưng lan man, không tập trung vào trọng tâm, lại chứa những cụm từ khó hiểu thì nhiều khả năng hồ sơ đó sẽ bị loại. Không phải lúc nào CV xin việc làm cũng bị loại bỏ nếu vô tình nhắc đến những từ ngữ không “hợp nhãn”, nhưng rõ ràng là sẽ hoàn hảo hơn nếu không đề cập đến. Chẳng hạn như nhà tuyển dụng sẽ không hứng thú khi nhìn thấy trong CV của ứng viên có những cụm từ như “được hỗ trợ” hay “được giúp đỡ”. Lý do được đưa ra ở đây chính là họ muốn một ứng viên chủ động, tự lực cánh sinh hơn là lúc nào cũng chờ được trợ giúp.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế sử dụng các cụm từ mô tả chất lượng công việc một cách chủ quan, chẳng hạn như khéo léo, hiệu quả, chuyên gia,... Thay vào đó, hãy nói cụ thể để nhà tuyển dụng dễ dàng hình dung. Ví dụ như bạn đang muốn trình bày kinh nghiệm về quá trình giúp trưởng phòng Marketing nghiên cứu thị trường thì có thể đề cập trong CV như sau: “Tôi thành thạo kỹ năng nghiên cứu thị trường với kinh nghiệm 3 năm trong việc sử dụng các chiến lược phân tích đối thủ cạnh tranh, tìm hiểu insight khách hàng,...”. Tất cả những gì nhà tuyển dụng muốn biết phải rõ ràng, có tính xác thực nên tránh tuyệt đối việc sử dụng các từ ngữ mơ hồ.
Sử dụng các từ - cụm từ đồng nghĩa để tránh lặp từ
Bạn hoàn toàn có thể thử tăng thêm sức sống cho bản CV của mình bằng cách sử dụng các từ hoặc cụm từ đồng nghĩa để hạn chế lặp từ mà vẫn có thể truyền đạt được đúng ý nghĩa mong muốn. Nếu bạn muốn đề cập đến kinh nghiệm làm việc thì có thể dùng các cụm như: chịu trách nhiệm A, đảm nhiệm công việc B, xử lý tác vụ C... chứ không nên chỉ dùng một từ duy nhất từ trên xuống dưới. Điều này có thể gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và cũng tránh làm CV của bạn bị nhàm chán.
Bạn cũng có thể thêm vào những con số nhằm tăng tính thuyết phục. Lấy ví dụ bạn nộp đơn vào vị trí Trưởng phòng kinh doanh thì có thể viết về kinh nghiệm làm việc như thế này: “Tôi có 2 năm kinh nghiệm trong việc quản lý nhóm 10 nhân viên của công ty X; Chịu trách nhiệm giám sát ngân sách đầu tư vốn xx tỷ đồng; đề xuất 3 chương trình đào tạo cho nhân viên”. Song, bạn cũng không nên tiết lộ quá chi tiết về thông tin kinh doanh của công ty cũ.
Nói chung, bạn phải ý thức được rằng CV xin việc làm là một công cụ tiếp thị, có thể giúp bạn tiến gần hơn với công việc phù hợp. Chính vì thế, càng đầu tư nhiều tâm tư, công sức thì sẽ đổi lại những cơ hội sáng giá. Với 3 lưu ý về cách lựa chọn từ ngữ khi viết CV thu hút nhà tuyển dụng, hy vọng bạn sẽ có thêm kinh nghiệm về vấn đề này. Chúc các bạn thành công!
Pha Lê
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin