Doanh nghiệp tự giới thiệu

Làm gì khi nhà tuyển dụng không hồi âm?

09:08, 20/04/2024
Có hai trường hợp nhà tuyển dụng không hồi âm, một là sau khi bạn gửi hồ sơ (gồm CV và thư xin việc), hai là sau khi bạn đã tham dự phỏng vấn. Dù ở bước nào thì “bị làm lơ” là dấu hiệu cho thấy bạn không được giá cao. Khi không đạt kết quả như mong đợi, bạn nên tìm cách khắc phục để tránh mắc sai lầm tương tự, đồng thời chuẩn bị cho những lần xin việc sau được tốt hơn. 
 

Xem xét lại CV và thư xin việc    

Nếu bạn không nhận được hồi âm sau khi gửi CV và thư xin việc thì điều cần làm ngay là xem xét lại hai tài liệu này.

Lý do đầu tiên là CV của bạn kém hấp dẫn và chưa được điều chỉnh phù hợp với các vị trí ứng tuyển trên CareerLink và các trang việc làm khác, thế nên nhà tuyển dụng không nhận thấy bạn là ứng viên tiềm năng.

Để tránh thất bại trong những lần tiếp theo, trước khi viết CV bạn cần tìm hiểu kỹ tiêu chí tuyển dụng và điều chỉnh CV phù hợp và nổi bật được thế mạnh của mình. Chẳng hạn như nhấn mạnh khả năng chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng và thành tích đã đạt được trong công việc. Bạn cũng cần tìm hiểu các yêu cầu kèm theo trong bảng tuyển dụng như khả năng đi công tác thường xuyên, di chuyển liên tục, làm việc với khách hàng khó tính… và cho thấy mình sẵn sàng đáp ứng. 

 

Kiểm tra lại hồ sơ mạng xã hội của bạn

Hồ sơ mạng xã hội (Social Profile) được xem là một kênh thông tin cho nhà tuyển dụng hình dung rõ hơn về ứng viên. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ giúp mỗi người tự xây dựng hình ảnh cá nhân dễ dàng (gồm nghề nghiệp, vị trí công việc, quan điểm, phong thái bên ngoài – ngoại hình và cả các mối quan hệ xã hội…). 

Những điều này thể hiện qua bài viết đăng tải, chia sẻ; những bình luận, cách dùng từ trên mạng xã hội… Một số nhà tuyển dụng đã âm thầm kiểm tra tài khoản mạng xã hội để chắc chắn rằng văn hóa ứng xử và cả quan điểm của ứng viên phù hợp với công ty, với đặc thù công việc.

Nếu chưa thấy hồi âm, bạn nên kiểm tra lại tài khoản mạng xã hội cá nhân và điều chỉnh những điểm có thể gây ấn tượng xấu. Chẳng hạn như xóa bài đăng, hình ảnh và bình luận gây xúc phạm, tiêu cực hoặc đơn giản là không phù hợp. Ngoài ra bạn cũng cần chú trọng cách dùng từ ngữ lịch sự, văn minh khi thể hiện quan điểm hay tranh luận vấn đề nào đó. Tránh dùng từ dễ gây hiểu lầm, có ý khiêu khích, công kích người khác…

Xây dựng hình ảnh “sạch” và chuyên nghiệp cho tài khoản mạng xã hội cá nhân cũng chính là cách “tiếp thị” bản thân hiệu quả khi ứng tuyển.

Theo dõi và kết nối với nhà tuyển dụng

Nếu bạn gửi hồ sơ đi và đã chờ đợi một khoảng thời gian nhất định mà nhà tuyển dụng không hồi âm thì đừng ngại liên hệ với họ. Bạn có thể gửi email hỏi thăm trực tiếp hoặc qua bộ phận tuyển dụng. Chủ động tương tác với nhà tuyển dụng cũng cho thấy bạn quan tâm và thực sự đặt kỳ vọng vào công việc này.

Lưu ý khi hỏi kết quả, để tránh làm phiền bạn không nên viết email dài dòng hoặc gọi nói chuyên vòng vo và liên tục nhiều lần; Nên lựa chọn thái độ lịch sự và chuyên nghiệp khi trao đổi, ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề.

Ứng tuyển vào vị trí phù hợp hơn

Sau cùng nếu bạn xác định bị loại khỏi quá trình tuyển dụng thì đừng nản lòng. Hãy chọn vị trí phù hợp với năng lực của mình để tăng khả năng trúng tuyển.
Ngoài ra bạn cũng cần nỗ lực để cải thiện những điểm yếu kém của bản thân, chẳng hạn tham gia các khóa học thêm về chuyên môn, đạt thêm các chứng chỉ chuyên ngành, nâng cao kỹ năng hay tích lũy thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực để đáp ứng được tiêu chí tuyển dụng.

 

Tìm kiếm sự trợ giúp 

Nếu bạn không tự tin khi chuẩn bị cho quá trình xin việc hoặc mắc sai sót mà không thể nhận biết, thì lúc này bạn nên nhờ “cố vấn” hỗ trợ. Họ có thể là những chuyên gia có kinh nghiệm trong việc viết CV và thư xin việc hiệu quả, người làm công việc nhân sự, đồng nghiệp đi trước có kinh nghiệm hơn, hoặc có thể là các trang tư vấn tuyển dụng online... 

Dựa trên năng lực bao gồm các yếu tố như học vấn, kinh nghiệm và kỹ năng, họ sẽ giúp bạn soạn bản CV tốt nhất để làm nổi bật ưu điểm, đồng thời thu hút nhà tuyển dụng chú ý đến bạn. Ngoài ra với kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình, họ còn tư vấn cho bạn một số phương pháp tạo ấn tượng tốt, ghi điểm trong vòng phỏng vấn. Khi có được sự trợ giúp này, bạn có thể tự tin hơn để thể hiện tốt cho những lần xin việc tiếp theo.

Có nhiều lý do để nhà tuyển dụng không hồi âm cho ứng viên bao gồm khách quan và chủ quan. Nếu vấn đề là do bạn chưa đạt yêu cầu tuyển dụng thì cũng đừng nản chí. Chờ đợi và liên hệ lại với nhà tuyển dụng nếu bạn muốn có câu trả lời rõ ràng, sau đó xem xét lại thiếu sót và chuẩn bị tốt nhất cho lần sau. Chúc bạn thành công.

Đặng Hảo
 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện