Đời sống - Xã hội

“Tết nay” có khác “Tết xưa”?

16:35, 24/01/2020
Tết cổ truyền từ một nét văn hóa truyền thống đẹp, một cơ hội để thả lỏng bản thân và thoải mái “bung lụa” lại trở thành một phiền não lớn đối với nhiều người. Điều này đặt ra một câu hỏi: Liệu có phải xã hội hiện đại đã khiến con người vô tình đánh mất đi lòng chân thành và nhiệt huyết đối với những giá trị tinh thần của dân tộc?

"Hà Nội những năm hai nghìn

Trẻ con không còn ăn xin

Cụ già ngồi trong công viên

Ngắm bà già nhớ tuổi thanh niên"

Hà Nội những năm hai nghìn của Trần Tiến ấy vậy mà đã trôi qua được hai thập kỷ. Hai mươi năm không ngắn cũng không dài, nhưng hai mươi năm là đủ để mang lại vô vàn những chuyển biến lớn. 

 
 Phiên chợ Tết quê xưa. (Ảnh Internet)

Đặt một dấu chấm hết đầy viên mãn cho thập niên vừa qua, 2020 lại mở ra một ngưỡng cửa mới. Cùng với đó, thềm năm mới đã cận kề ngay trước mắt. Chỉ còn không bao lâu nữa sẽ đến khoảnh khắc giao thừa, đón chào xuân Canh Tý.

Tết cổ truyền chắc hẳn là dịp lễ nhận được nhiều sự quan tâm nhất, chính ra phải là như vậy. Người ta nói câu "Tết nay khác Tết xưa" cũng là có cái lí của riêng họ. Nhắc đến Tết, ta liền mường tượng đến cái náo nhiệt của dòng người lũ lượt đổ xô ra phố lớn, sắm sửa đón xuân; thấy được nỗi niềm của những người con xa quê nay lại có dịp tụ họp cùng người thân, bạn bè hay được chiêm ngưỡng bầu không khí độc nhất vô nhị mà chỉ có duy nhất trong ngày Tết: phút giây thiêng liêng chờ đón giao thừa bên người thân. 

 
 Không khí quen thuộc của Tết xưa. (Ảnh Internet)

Thay vì những trông mong đáng có đối với một dịp Tết sum vầy thì một số lại có phần chán chường vì “lại tốn tiền lì xì” hay “phải mua sắm hết bao nhiêu là tiền”; thay vì hân hoan đón chờ một khởi đầu mới thì họ lại phải đau đầu suy tính xem Tết này ăn gì, mặc gì, đi đâu. Tết cổ truyền từ một nét văn hóa truyền thống đẹp, một cơ hội để thả lỏng bản thân và thoải mái “bung lụa” lại trở thành một phiền não lớn đối với nhiều người. Điều này đặt ra một câu hỏi: "Liệu có phải xã hội hiện đại đã khiến con người vô tình đánh mất đi lòng chân thành và nhiệt huyết đối với những giá trị tinh thần của dân tộc?"

 
 Phong tục lì xì cho trẻ để lấy may đã trở thành nét truyền thống văn hóa trong dịp Tết. (Ảnh Internet)

Tuy nhiên, cũng thật phiến diện khi đặt Tết xưa và Tết nay lên bàn cân. Thời gian mang đến sự đổi thay, con người cũng phải tự thích nghi được với những thay đổi sao cho phù hợp với cuộc sống ngày nay. Có chăng là bởi nhịp sống xô bồ và dồn dập đã khiến con người ta chỉ mải quẩn quanh với những trắc trở và lo nghĩ vẩn vơ; chính những âu lo muộn phiền đã khiến họ đánh mất niềm vui. 

 
 Tết là dịp sum vầy bên gia đình, người thân.  (Ảnh Internet)

Suy cho cùng, vấn đề lớn nhất của con người vẫn chỉ quy về những đồng tiền. Họ quên đi cách tận hưởng cuộc sống, thay vào đó lại chỉ bận tâm xoay sở để sống cho qua ngày. Dĩ nhiên giá trị của đồng tiền là không cần bàn cãi, nhưng xin đừng đánh đồng việc kiếm sống với lao đầu vào làm lụng như những con thiêu thân, trưởng thành không đồng nghĩa với việc phải gạt bỏ đi hết tất cả mọi thứ. Sống thiếu niềm vui là sống vô nghĩa.

 
 Nhiều bạn trẻ đi xin chữ ông đồ. (Ảnh Internet)

Trước mắt ta còn cả một lộ trình xa tít tắp chất chứa những kỳ vọng và hứa hẹn mà không ai đoán trước được điều gì. Vậy nên, 2020 này hãy cứ sống là chính mình, sống hết mình và sống cho chính mình. Bởi trăm năm là hữu hạn.
    
        

Kiều Trang

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện