Những ngày qua, các tỉnh miền Bắc xuất hiện sương mù, mưa nhỏ, mưa phùn và cả những cơn mưa nặng hạt, nguyên nhân là do khối không khí lạnh suy yếu và di chuyển lệch ra biển, hình thành nên đới gió Đông Nam đưa ẩm từ biển vào.
Từ 6/1, đới gió Đông Nam ẩm suy yếu đáng kể, vì thế miền Bắc trời giảm mây và chuyển nắng về chiều, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn không còn, nhưng sương mù vẫn duy trì.
Dự báo đến 11/1 khi có gió mùa Đông Bắc về, sương mù sẽ tan. Tuy nhiên khi không khí lạnh yếu đi thì sương mù sẽ tái xuất hiện trên các khu vực ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ.
Trong tháng 1/2020, không khí lạnh hoạt động không mạnh trong khoảng nửa đầu tháng và nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc cao hơn 1,0 - 2,5 độ C so với trung bình nhiều năm, do vậy rét đậm, rét hại ít có khả năng xuất hiện thời gian này.
Nửa cuối tháng 1/2020, trùng với thời kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiệt độ dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C. Do vậy rét đậm, rét hại nếu có cũng không xảy ra dài, hoặc chỉ xảy ra ở khu vực vùng núi phía Bắc.
Dự báo từ nay đến hết tháng 1/2020, có khả năng xuất hiện khoảng 3 - 4 đợt không khí lạnh. Cụ thể, khoảng ngày 11 xuất hiện một đợt, ngày 14/11 được tăng cường (2 đợt không khí lạnh này không mạnh và ít khả năng gây rét đậm), sau đó có khoảng 2 đợt nữa ngày 20 - 21/1 và những ngày cuối tháng 1/2020. Những đợt không khí lạnh này chỉ có khả năng gây ra trời rét ở Bắc bộ, và một số nơi vùng núi phía Bắc có thể xuất hiện rét đậm.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay sẽ là một mùa đông ấm, với nhiệt độ trung bình phổ biến sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, rét đậm, rét hại xảy ra không kéo dài.
Về tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới, ông Lâm cho hay, nhận định dòng chảy trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 1 và 2 có khả năng thiếu hụt từ 10 - 30% so với trung bình nhiều năm. Mực nước Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều.
Từ ngày 21 - 28/1, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông suy giảm do vận hành của thủy điện Trung Quốc, kết hợp với triều cường nên xâm nhập mặn tại cửa sông Cửu Long có xu thế gia tăng và quy mô mặn ở mức tương đương tháng 1/2016 (tháng kỷ lục).
Các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2020, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm và tương đương mùa khô năm 2015 - 2016 (mùa xâm nhập mặn kỷ lục). Thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung vào tháng 1, 2. Từ nửa cuối tháng 3 - 6, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập Trung Quốc) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn còn trầm trọng hơn mùa khô năm 2015- 2016. Các địa phương cần chủ động phương án tích nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin