Đời sống - Xã hội

Báo động gia tăng tình trạng tự tử bằng lá ngón ở đồng bào vùng cao

10:08, 12/03/2020
Tự tử bằng lá ngón không phải là câu chuyện mới ở các huyện vùng cao, trước đây những câu chuyển buồn này thường xảy ra ở các gia đình người đồng bào dân tộc Mông, thì nay ở các bản làng đồng bào Khơ Mú, người Thái người dân ăn lá ngón tự tử đã có dấu hiệu gia tăng đáng báo động, tiềm ẩn nhiều bất ổn về kinh tế xã hội nơi những bản làng vùng cao còn nhiều khó khăn như ở Kỳ Sơn.
 
Bản Hín Pèn, một trong những bản làng có số người dân sử dụng lá ngón tử tử nhiều trên địa bàn xã Bảo Nam. 

Theo chân anh Cụt Văn Thắng, bí thư đoàn xã Bảo Nam, Kỳ Sơn, chúng tôi ghé thăm bản Hín Pèn, một bản làng với 100% người đồng bào Khơ Mú sinh sống. Nhìn bề ngoài bản Hín Pèn cũng yên bình như bao bản làng vùng cao khác, với những nếp nhà sàn truyền thống nằm sen giữa núi rừng. Vậy nhưng, từ một năm trở lại đây bản làng này nổi lên bởi tình trạng sử dụng lá ngón để tự tử, khiến những người còn sống luôn bị ám ảnh bởi loại cây kịch độc này.

 
 Con mất mẹ, cuộc sống gia đình bà Nguyệt và hai cháu nhỏ càng gặp nhiều khó khăn hơn sau cái chết bằng lá ngón.

Vào bản, chúng tôi tìm đến nhà bà Moong Mẹ Nguyệt. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi bà Nguyệt vẫn chưa nguôi nỗi đau xót khi nhắc lại câu chuyện cô con dâu duy nhất của gia đình bà tự tử bằng lá ngón. Vào ngày 29/11/ 2019, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ của đôi vợ chồng trẻ, mà chị Cụt Thị Môn - con dâu bà Nguyệt đã vào rừng tìm lá ngón để tự tử. Mất vợ, người con trai bà Nguyệt cũng bỏ đi làm ăn xa, nay chỉ còn hai vợ chồng già cùng hai cháu nhỏ.

 
Cây lá ngón là cây có độc tính mạnh, nọc nhiều ở các xã vùng cao của các huyện miền núi, nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc. 

“Cũng chẳng biết lý do chúng nó giận nhau, thấy đi công ty về là đòi bỏ nhau, bố mẹ và dân bản khuyên can thì con dâu vào rừng ăn lá ngón. Từ ngày đó đến nay thì hai vợ chồng già chúng tôi phải thay nhau chăm sóc và trông nom hai đứa cháu nhỏ này. Cuộc sống gia đình đã khó khăn nay càng vất vả hơn” -  bà Nguyệt buồn bã nói.

 
 Là cây mọc tự nhiên có bộ rễ bám sâu vào lòng đất nên quanh năm lá ngón luôn xanh tốt hơn bất kỳ loại thực vật nào.

Theo thống kê sơ bộ của chính quyền xã Bảo Nam, từ cuối năm 2019 đến nay trên địa bàn xã có 15 ca tự tử bằng lá ngón, trong đó có 5 ca tử vong, 10 ca được kịp thời cứu sống. Đáng chú ý vào ngày 30 âm lịch tết Canh Tý trên địa bàn xã có 2 người dân tự tử bằng lá ngón, khiến một người tử vong, một trường hợp kịp thời được chữa trị. Con số này tiếp tục đánh lên hồi chuông báo động về tình trạng tự tử bằng lá ngón, để lại những hệ lụi, những nỗi đau giai giẳng, kéo dài.

 
Dù đã được tham gia nhiều cuộc họ, buổi tuyên truyền nhừn tình trạng người dân sử dụng lá ngón tự tử vẫn không thuyên giảm. 

“Nguyên nhân của việc người dân sử dụng lá ngón tự tử chủ yếu là do những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình. Tuy nhiên vì suy nghĩ dại dột nên tìm đến lá ngón để giải quyết. Ngay từ những ca đầu tiên tự tử bằng lá ngón thì Đảng ủy, chính quyền cũng như các ban ngành đoàn thể trong xã đã đến tận các bản để tuyên truyền cho bà con hiệu được tác hại của cây lá ngón.” ông Vi Văn Duy, quyền chủ tịch UBND xã Bảo Nam, cho biết.

 
Nhiều bản làng vùng cao đang bị ám ảnh bởi tình trạng người trẻ tự tử bằng lá ngón.

Cây lá ngón có tên khoa học là Gelsemium elegans ngoài ra còn có những tên gọi khác là đoạn trường thảo (tức là đứt từng đoạn ruột). Về mặt y học, lá ngón là loại cây có độc tính rất mạnh. Nếu ăn phải chỉ trong vài giờ chất độc có thể gây suy hô hấp, tụt huyết áp dẫn đến ngưng tim, tăng phản xạ cơ xương, co giật và chắc chắn sẽ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời, đúng cách cho nạn nhân. 

 
Huyện Kỳ Sơn ra quân đồng loạt xóa nhỏ, phát dọn cây lá ngón với quy mô lớn. 

“Cây lá ngón trên địa bàn huyện Kỳ Sơn mọc nhiều ở các xã như Huồi Tụ, Mường Lống, Na Loi, Đoọc Mạy, Kèng Đu, Nậm Cắn, Tây Sơn, Nậm Càn, Na Ngoi, Bảo Nam và Bảo Thắng, lá ngón rất độc vì vào cơ thể sẽ dẫn đến tử vong. Trong năm 2019 theo báo cáo của trạm y tế các xã với tại trung tâm đây thì có 25 trường hợp tự tử bằng lá ngón và 5 người tử vong, năm 2020 là 12 ca và tử vong là 4. Các trường hợp tử vong rất nhanh chỉ trong vòng 1 đến 7 tiếng là tử vong.”  ông Lương Văn Sơn, phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn, chia sẻ thêm.

 
Chính quyền các xã trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã tổ chức nhân dân, đoàn thể trong bản tham gia xóa nhỏ cây lá ngón.

Mặc dù chính quyền các cấp của huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, lực lượng công an, dân quân, tăng cường chặt và nhổ bỏ cây lá ngón tại các khu vực gần khu dân cư. Tuy nhiên, cây lá ngón mọc rất nhiều trong tự nhiên, một khi người tự tử đã biết cây lá ngón và muốn tìm sẽ dễ giàng tìm thấy.
Muốn ngăn chặn tình trạng này cần nâng cao nhận thức và kỹ năng sống cho người dân, đồng thời cảnh báo cho người dân khi có người tự tử bằng lá ngón cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Lữ Phú 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện